Công nhân lao động chật vật theo giá hàng hóa

Thứ Hai, 14/03/2022, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Giá xăng, dầu tăng cao kéo theo giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh, khiến cuộc sống của hàng ngàn công nhân lao động trở nên khó khăn hơn. Nhiều người phải tăng ca, tranh thủ làm thêm, chi tiêu dè dặt hơn.

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh tặng quà đoàn viên, CNLĐ  khó khăn đang làm việc tại Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Trung Ngạn, Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh tặng quà đoàn viên, CNLĐ khó khăn đang làm việc tại Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu.

Chi phí sinh hoạt tăng

Trở về phòng trọ sau giờ tan ca, chị Ngô Thị Bích Loan, công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình. Bữa cơm của vợ chồng chị Loan và 2 con nhỏ (4 tuổi và 2 tuổi) chỉ có đĩa đậu hũ kho cà chua, canh cải xanh và rau dền luộc. Chị Loan tâm sự: “Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra tới nay, tiền ăn mỗi ngày và các khoản chi tiêu sinh hoạt tôi phải tính toán dè xẻn hết mức. Tiền lương của vợ chồng tháng 15 triệu phải trang trải cho chi phí gửi con, tiền nhà trọ, rồi tiền ăn… nên mình phải suy tính nhiều. Chưa kể mấy tháng nay, đi chợ mua gì giá cũng tăng, rồi giá xăng tăng khiến công nhân như chúng tôi càng khó khăn”.

Khảo sát tại nhiều khu nhà trọ cho thấy, hàng ngàn công nhân lao động đang phải sống “thắt lưng buộc bụng” khi vật giá “leo thang”. Để có thể lo cho cuộc sống, nhiều công nhân phải tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ với mong muốn có thêm “đồng ra đồng vào”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lam, công nhân Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết, vợ chồng chị từ Hà Tĩnh vào đây làm công nhân. Với tổng thu nhập hơn 13 triệu đồng/tháng trừ tiền thuê phòng trọ, tiền ăn và các chi phí hàng ngày, không còn dư bao nhiêu. “Trước kia vợ chồng tôi còn dành dụm chút ít để gom góp xây nhà; thi thoảng còn gửi về chút đỉnh biếu cha mẹ ngoài quê. Còn giờ tháng nào hết tháng ấy vì giá cả tăng”, chị Lam nói.

BR-VT hiện có hơn 250.000 lao động đang làm việc ở các cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của CĐ các KCN tỉnh, có hơn 63.000 lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn. Trong đó, phần lớn đều là lao động xa quê, phải gánh thêm nhiều chi phí sinh hoạt như: tiền nhà trọ, tiền gửi con nhỏ để đi làm… trong khi thu nhập bình quân của NLĐ trong các loại hình DN khoảng từ 5,2-6,8 triệu đồng/người/tháng. Giá cả nhiều mặt hàng tăng càng khiến đời sống của NLĐ khó khăn hơn.

Tích cực hỗ trợ NLĐ

Trước tình hình giá cả leo thang tác động lớn đến đời sống người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn (CĐ) đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho NLĐ. Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì giá cả leo thang đã tác động lớn đến đời sống của NLĐ, nhất là NLĐ có thu nhập thấp. Trong bối cảnh ấy, LĐLĐ tỉnh đã triển khai cho các CĐCS ở các DN tiến hành khảo sát nhanh về tình hình thu nhập, nguyện vọng, mong muốn của NLĐ… Qua khảo sát, với những công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, CĐ sẽ có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của NLĐ, LĐLĐ tỉnh sẽ tổng hợp và có đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam về những giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

“Hiện nay, các cấp CĐ chuẩn bị, tập trung nguồn lực triển khai nhiều hoạt động hướng tới “Tháng công nhân năm 2022” với mong muốn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính như: thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ NLĐ bị tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiến hành thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của NLĐ…”, ông Huỳnh Sơn Tuấn nhấn mạnh.

Để chia sẻ, hỗ trợ NLĐ, nhiều DN cùng với tổ chức CĐ các cấp đã và đang triển khai nhiều hoạt động như: đề xuất với chủ DN tăng các khoản hỗ trợ phúc lợi cho NLĐ. Ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2) cho biết, trước thực tế giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng, CĐ đã làm việc và đề xuất với lãnh đạo công ty tăng tiền thưởng sản xuất đối với 1.600 lao động đang làm việc tại công ty. “Tuy nhiên, việc thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để đưa ra chính sách cao hơn không phải một sớm một chiều”, ông Phan Thanh Tùng chia sẻ.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.