.

Chung tay giúp đỡ người khuyết tật

Cập nhật: 19:27, 16/03/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội (NNCĐDC/Dioxin và BTXH) tỉnh cùng Hội Người mù tỉnh đã tích cực đồng hành cùng người khuyết tật trong việc dạy nghề miễn phí, tạo việc làm giúp họ tự tin, vươn lên bằng chính khả năng của mình.

Chị Thanh Thuỳ (phường 9, TP. Vũng Tàu) bị khuyết tật 2 chân tại lớp dạy nghề làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC/Dioxin và BHXH tỉnh tổ chức.
Chị Thanh Thuỳ (phường 9, TP. Vũng Tàu) bị khuyết tật 2 chân tại lớp dạy nghề làm bánh miễn phí do Hội NNCĐDC/Dioxin và BHXH tỉnh tổ chức.

“Trao cần câu cơm”

Tháng 9/2018, khi biết tin Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu phối hợp với Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh mở lớp dạy nghề làm bánh miễn phí, chị Thanh Thùy (SN 1993, phường 9, TP. Vũng Tàu, bị liệt hai chân từ nhỏ) đã đăng ký tham gia. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của giáo viên và chịu khó học hỏi, sau 4 tháng tham gia lớp học, chị Thùy đã thành thạo kỹ thuật làm các loại bánh.

Thời gian đầu, chỉ có bạn bè, người thân ủng hộ, nên chị Thùy chỉ có thể vừa làm bánh vừa rút kinh nghiệm. Để có khách, ai đặt hàng, dù ở đâu chị cũng giao tận nơi, nhiều khách ở tận phường 11, 12 (TP.Vũng Tàu), chị Thùy sẵn sàng đi xe máy 3 bánh giao hàng tại nhà. Đối với người bình thường chỉ mất tầm 10 phút/đơn hàng, nhưng chị Thùy phải mất 25 phút để có thể giao hàng thành công.

Dù vất vả nhưng chị đã nỗ lực, vượt lên khó khăn để hoàn thành. Nhờ đó, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến và đặt bánh. Hiện tại, chị Thùy đã tự làm bánh tại nhà và bán hàng qua mạng xã hội facebook (Bếp bánh nhà Thùy), zalo với thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày, tăng gấp đôi so với trước.

Chị Thùy cho biết, trước khi học nghề làm bánh, chị chỉ có thể làm những nghề như đan móc, thêu tranh,… với thu nhập thấp và bấp bênh. “Tôi luôn mong muốn có một công việc để giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Nhờ khóa học làm bánh, tôi đã có thể tự tin hơn với bản thân, vừa có nghề ổn định, vừa có thu nhập để tự nuôi sống bản thân”, chị Thùy vui vẻ nói.

Một trường hợp khác được dạy nghề miễn phí là anh Hồ Hữu Minh (SN 1973, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). Năm 31 tuổi, anh Đức bị viêm võng mạc. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện chữa trị kịp thời nên anh bị mù cả 2 mắt. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào khoản tiền làm thuê làm mướn ít ỏi của vợ anh nên cuộc sống rất khó khăn.

Cơ may đến với gia đình anh khi Hội Người mù huyện Châu Đức đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho anh học nghề xoa bóp, bấm huyệt do Tỉnh hội tổ chức tại huyện Châu Đức (năm 2019), dưới sự chỉ bảo của bác sĩ Nguyễn Hồng Minh (Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.Hồ Chí Minh). Sau khi học nghề thành thạo, anh mạnh dạn thuê mặt bằng mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị Bình Minh tại TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức.

Cơ sở đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 2 vợ chồng anh và 4 hội viên với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của 2 vợ chồng anh khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này giúp vợ chồng anh đủ trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học. “Nhờ công việc này, tôi có thể tự kiếm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình của mình. Đây là công việc phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của bản thân tôi. Tôi rất quý nghề này, nó đã giúp tôi nhận ra mình là người có ích cho xã hội, có thể giúp đỡ người khác, tạo công ăn việc làm cho người cùng cảnh ngộ”, anh Minh chia sẻ.

Anh Hồ Hữu Minh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) là hội viên Hội Người mù có công ăn việc làm nhờ học nghề xoa bóp, bấm huyệt.
Anh Hồ Hữu Minh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) là hội viên Hội Người mù có công ăn việc làm nhờ học nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Cần lắm sự chung tay

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cho biết, định hướng “trao cần câu” là giải pháp quan trọng để giúp hội viên giảm bớt khó khăn, tự lực thoát nghèo. Vì vậy thiết thực nhất chính là dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số hoạt động dạy nghề, tạo việc làm như trước phải tạm ngưng. Năm 2022, Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH tỉnh cùng Hội Người mù tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, giới thiệu hội viên tham dự các lớp học nghề phù hợp như lớp làm bánh, xoa bóp, bấm huyệt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao cho rằng, bằng những việc làm thiết thực, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, DN đã hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống, có thêm cơ hội trong tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, số người khuyết tật cần được giúp đỡ vẫn còn nhiều và cần thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội.

“Bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước, thời gian tới, người khuyết tật vẫn rất cần sự giúp đỡ chung tay của các nhà hảo tâm, cá nhân, DN để cải thiện đời sống. Vì vậy, mong các cá nhân, DN tiếp tục có những đóng góp thiết thực để đồng hành với người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ từng bước nâng dần đời sống vật chất lẫn tinh thần, phấn đấu vươn lên và giúp họ khẳng định mình là những người có ích cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Thanh Thao cho biết.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

.
.
.