Chu toàn việc nhà vẫn có thêm thu nhập

Thứ Sáu, 18/03/2022, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Với mô hình may gia công tại nhà, nhiều chị em không chỉ chu toàn việc gia đình, chăm lo con cái mà còn có thêm thu nhập, có người còn tạo việc làm cho các chị em khác để cải thiện đời sống kinh tế.

Chị Trần Túy Phượng (ấp Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) hướng dẫn chị Phan Kim Yến (người ngồi) may mẫu áo khoác mới.
Chị Trần Túy Phượng (ấp Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) hướng dẫn chị Phan Kim Yến (người ngồi) may mẫu áo khoác mới.

Tại xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), năm 2017, Hội LHPN xã thành lập tổ hợp tác may gia công gồm 3 cơ sở đặt tại ấp 2 Đông và 2B. Chị Lê Thị Thanh Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm cho biết, cơ sở may gia công cho phép các chị nhận hàng về nhà may để vừa tạo thêm thu nhập, vừa giúp các chị em chu toàn việc nhà. Những ngày đầu thành lập, tổ hợp tác có 14 phụ nữ tham gia sản xuất, đến nay, số nhân công tăng lên hơn 70 người với mức thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/tháng/người.

Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh (ấp 2 Đông, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm 2017, được Hội LHPN xã Bàu Lâm giới thiệu, chị đã tiếp cận và vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đầu tư 8 máy may công nghiệp, mở cơ sở may gia công quần áo trẻ em. Từ cơ sở may gia công này, chị Oanh tạo việc làm ổn định cho 8 nhân công là phụ nữ tại địa phương.

Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn như: ít vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm  nên sản phẩm làm ra không nhiều… Không nản chí, chị Oanh tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước. Từ cơ sở nhỏ lẻ, đến nay, chị đã chuyển cơ sở từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp với 50 lao động thường xuyên. Để chủ động nguồn nguyên liệu ổn định, chị đã liên kết với thương lái và các công ty ở TP.Hồ Chí Minh, mỗi tháng cung cấp hơn 2.000 sản phẩm ra thị trường. Thu nhập từ Công ty May gia công Thúy Oanh mỗi tháng mang lại cho gia đình chị hơn 30 triệu đồng.

Những năm 2010-2015, gia đình chị Trần Tuý Phượng (ấp Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) thuộc diện hộ nghèo chuẩn tỉnh. Không có đất canh tác, công việc làm thuê làm mướn bấp bênh, để có tiền chăm lo cho 4 đứa con ăn học, bà con trong vùng ai thuê gì chị Phượng đều nhận làm.

Được các chị em giới thiệu tham gia vào Hội LHPN xã Nghĩa Thành, chị Phượng có thêm chỗ dựa về tinh thần và động lực để vươn lên. Thời điểm này, chị Phượng được Hội phụ nữ xã giới thiệu để tham gia lớp tập huấn may gia công cho chị em phụ nữ nghèo, khó khăn tại địa phương.

Sẵn có người quen ở TP.Hồ Chí Minh bán các loại vải may áo khoác, chị Phượng liên hệ đặt mua. Mới đầu, mỗi tháng chị Phượng mua vải về may được khoảng 400 cái áo khoác và mang bán cho các tiểu thương ở chợ Nghĩa Thành. Với mẫu mã đa dạng, phù hợp với túi tiền của người dân vùng nông thôn, dần dần, tiểu thương tại địa phương và các xã, huyện lân cận đặt hàng càng nhiều.

Chị Phượng chia sẻ: “Thời điểm nhận vải về may thử tôi lo lắm, sợ làm hư vải phải đền. Áo khoác bán ra tôi giữ mức giá bình dân, chỉ từ 25-120 ngàn đồng/áo vừa túi tiền của bà con nông dân nên được ưa chuộng. Tôi rất tự hào về sản phẩm của mình vì không chỉ làm kinh tế cho gia đình mà còn giúp đỡ được cho các chị em có thêm thu nhập”.

Đến nay, công việc may gia công áo khoác của chị Phượng đã tạo thu nhập ổn định cho 15 chị em phụ nữ tại địa phương. Thu nhập mỗi người dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng, chị Phượng cùng các chị em may và bán ra thị trường hơn 800 cái áo khoác, chị thu về hơn 20 triệu đồng/tháng.

Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh đánh giá, thời gian qua các mô hình phụ nữ giúp nhau có thêm thu nhập phù hợp với nhiều chị em phụ nữ có con nhỏ, có hiệu quả cao ở vùng nông thôn. Đặc biệt, nhiều mô hình, tổ hợp tác may gia công đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều chị em. “Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả và tìm hiểu thêm những mô hình khác phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương để tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống”, bà Vương Thị Dung nhấn mạnh.

Tất bật với công việc nhà, chăm lo cho 5 người con, chị Phan Kim Yến (ấp Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành) nhiều năm nay mỗi tối đều ngồi thêm vài tiếng để may gia công áo khoác kiếm thêm thu nhập. Chị Yến cho biết, vì là công việc làm thêm, nhận vải về may tại nhà nên say khi làm hết các công việc nhà hoặc công việc thời vụ như hái tiêu, cà phê… buổi tối chị tranh thủ ngồi may. “Nghề may gia công không áp lực sản phẩm và thời gian như đi may ở các công ty, sau khi làm xong công việc nhà tôi tranh thủ làm thêm, thu nhập mỗi tháng 3-5 triệu đồng đủ để bữa ăn gia đình có thêm cá, thịt”, chị Yến vui vẻ nói.

Không chỉ năng động, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, chị Trần Tuý Phượng còn là hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào do Hội LHPN xã Nghĩa Thành phát động. Nhiều năm liền, chị Phượng được Hội LHPN các cấp khen thưởng trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
Tham khảo cv mẫu
.