Cẩn trọng khi trẻ bị nhiễm COVID-19

Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 đều ở thể nhẹ và điều trị ở nhà, tuy nhiên, những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ vẫn có thể bị diễn tiến nặng. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng, thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ.

Béo phì là 1 trong nhóm đối tượng dễ bị bệnh nặng khi nhiễm COVID-19.  Trong ảnh: Em N.D.H. đang phải điều trị tại Cơ sở điều trị COVID-19 tại TTYT huyện Long Điền.
Béo phì là 1 trong nhóm đối tượng dễ bị bệnh nặng khi nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Em N.D.H. đang phải điều trị tại Cơ sở điều trị COVID-19 tại TTYT huyện Long Điền.

Bệnh nhi tăng

Em N.D.H. (14 tuổi, ở đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu) cao 178cm, nặng 115kg. Do thuộc đối tượng thừa cân béo phì có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng nên khi nhiễm COVID-19, em được chuyển đến điều trị tại Cơ sở điều trị COVID-19 ở TTYT huyện Long Điền từ ngày 28/2 đến nay. Khi vào viện, em H. sốt cao hơn 390, ho nhiều và mệt, đau nhức khắp người. Sau mấy ngày điều trị triệu chứng, đến nay sức khỏe của em đã hết sốt, giảm ho, có dấu hiệu phục hồi.

Một trường hợp khác là em N.B.T.N (3 tuổi, ở phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) có khuyết tật về vận động. Khi nhiễm COVID-19, em có các dấu hiệu của bệnh nặng như sốt cao, khó thở, nhiều đàm. Em được các bác sĩ của Cơ sở điều trị COVID-19 ở TTYT huyện Long Điền cho thở oxy Cannula 4 ngày nay. Theo bác sĩ, em N. nằm một chỗ nên phản xạ hắt hơi bị giảm, không có khả năng tống đàm ra ngoài nên dễ bị viêm phổi phải điều trị dài ngày.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay,  có khoảng 490 ngàn trẻ em dưới 18 tuổi nhiễm bệnh, chiếm tỉ lệ 19,2% trên tổng số ca nhiễm. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Tính đến nay, cả nước đa có 165 trẻ nhiễm COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% tổng số người tử vong của cả nước.

Không chỉ trẻ có bệnh nền mà những em có sức khỏe bình thường, ổn định vẫn có thể bệnh trở nặng. Điển hình như em L.H.T.N. (gần 1 tuổi, ở phường 1, TP.Vũng Tàu) đã phải nhập viện tại Trung tâm Hồi sức tích cực ở cơ sở điều trị COVID-19 của Bệnh viện Vũng Tàu từ ngày 28/2 đến nay.  Khi nhập viện, em có dấu hiệu sốt cao, thở nhanh, thở rít. Nhưng 1 ngày sau, bệnh chuyển biến nặng hơn khi em bị viêm thanh quản, suy hô hấp nặng, khó thở, môi tím tái. Các bác sĩ chỉ định cho bé thở máy không xâm lấn, kết hợp dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và kháng đông. Đến nay, em đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm; đã cai máy thở không xâm lấn và chuyển sang thở oxy Mask có túi, sức khỏe tiến triển ổn định.

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ số bệnh nhi nhập viện do nhiễm COVID-19 tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhi nhiễm bệnh phải nhập viện tại các bệnh viện điều trị COVID-19 tăng cao so với trước đó. Cụ thể như: Cơ sở điều trị COVID-19 tại TTYT huyện Long Điền đang có 10 bệnh nhi; Cơ sở điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu có gần 80 bệnh nhi.

Trẻ em mắc COVID-19 dễ bị bệnh nặng khi có các yếu tố nguy cơ, gồm: Trẻ đẻ non, thấp cân; Mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gen, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài)… Ngoài ra, khi trẻ có các dấu hiệu như sốt trên 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; tức ngực; cảm giác khó thở; ăn hoặc bú kém thì phụ huynh cần báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

 

Không nên chủ quan

Các chuyên gia y tế đánh giá, hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 thường có biểu hiện nhẹ hơn người lớn và được điều trị tại nhà. Song không vì thế mà phụ huynh chủ quan, thiếu quan tâm tới trẻ khi nhiễm COVID-19. Bệnh nhi vẫn có khả năng trở nặng khi có dấu hiệu như: thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, sốt li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu, chi lạnh tái, nổi vân tím, chỉ số SPO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời…

Các bác sĩ lưu ý, khi cho trẻ em nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, phụ huynh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, bảo đảm nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Cùng với đó, phụ huynh phải trang bị các trang thiết bị y tế cần thiết như: nhiệt kế, máy đo SPO2, thuốc hạ sốt, thuốc ho, dung dịch nhỏ mũi. Đặc biệt là, theo dõi và gọi nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các triệu chứng bất thường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Lựu, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) thông tin thêm: “Trẻ nhiễm COVID-19 thường chuyển biến nặng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi bị bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhi trở nặng nhanh, chỉ sau 1 ngày nhiễm. Vì thế, phụ huynh cần có các biện pháp bảo vệ con mình, tốt nhất là không để trẻ nhiễm bệnh.  Khi trẻ không may nhiễm, phụ huynh chú ý chăm sóc và quan sát con thường xuyên, để phát hiện những dấu hiệu trở nặng và chuyển viện kịp thời”.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.