Để giảm thiểu sai phạm trong lĩnh vực đất đai, TP. Vũng Tàu chủ trương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu phường, xã, đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Ông Vũ Hồng Thuấn (thứ 2 từ phải qua), Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu kiểm tra công trình vi phạm xây dựng tại phường 11 (TP. Vũng Tàu). |
Phân công trách nhiệm bám sát địa bàn dân cư
Từ năm 2005, hẻm 220 và hẻm 228 (đường Phan Chu Trinh) xảy ra tình trạng người ngoài địa phương đến đây chiếm đất công, sau đó mua bán bằng giấy tay rồi xây nhà trái phép. Phần lớn diện tích lấn chiếm thuộc đất công do UBND phường 2 quản lý, một phần thuộc diện tích đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) cho các cá nhân, tổ chức.
Trong đó, diện tích đã cấp giấy CNQSD đất là 7 cá nhân (diện tích 2.198m2 đất ở và 7.175m2 đất nông nghiệp) và 2 tổ chức (diện tích 19.061m2 loại đất chuyên dùng). Riêng diện tích đất bị bao chiếm là 4.834m2, thuộc một phần các thửa đất 18,19, 20, 30 tờ bản đồ 74 (TL 1:2000) và các thửa 62, 73, 74, 81, 82, 83, 84 tờ bản đồ 56 (TL 1:500). Trong số đất bao chiếm, hiện có 2.876m2 đã được xây nhà ở (34 căn nhà cấp 4; 24 căn nhà tạm); 80m2 dựng chuồng trại; còn lại đất trống 1.886m2 bị rào chiếm.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 2, TP.Vũng Tàu cho biết, các diện tích đất trên đã được khoanh vùng đồng thời để quản lý tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn, lãnh đạo phường được phân công phụ trách từng khu phố, theo dõi và thị sát thường xuyên đến từng địa bàn dân cư. Trong trường hợp có phát sinh về vi phạm đất đai thì nhanh chóng phát hiện để xử lý kịp thời. Do vậy, trong năm 2021 không phát sinh trường hợp mới về lấn chiếm đất công.
Tương tự, tại xã Long Sơn có hơn 3,8 triệu m2 đất công cũng là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm đất công. Ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu cho hay, lãnh đạo xã phân giao trách nhiệm cho từng cán bộ quản lý theo từng địa bàn, gắn trách nhiệm tới tận cán bộ thôn, tổ trưởng dân cư trong công tác phát hiện, báo cáo vi phạm đất đai kịp thời. Do vậy, tình trạng vi phạm trên địa bàn có chiều hướng giảm. Năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời 42 vụ vi phạm đất đai.
Các ngôi nhà tại khu vực gần Đồi con heo (hẻm 220, Phan Chu Trinh, phường 2, TP. Vũng Tàu) hầu hết xây dựng trái phép trên đất công. Ảnh: SA HUỲNH |
Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn, TP.Vũng Tàu yêu cầu Trưởng phòng TN-MT, Chủ tịch UBND các phường, xã phải chịu trách nhiệm chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra theo chuyên đề về công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về lĩnh vực do mình phụ trách.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, lãnh đạo cấp phường, xã phải nắm được quỹ đất công trên địa bàn; phải thực hiện quản lý đất đai bằng cơ sở dữ liệu. Trong đó, tập trung rà soát, đưa các diện tích đất chưa đăng ký vào quản lý và lập danh mục.
Năm 2021, TP.Vũng tàu xử lý 421 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, 19 trường hợp hủy hoại đất, 49 trường hợp lấn chiếm đất. |
“Bên cạnh đó, lãnh đạo phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục pháp luật; vận động người dân thực hiện và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn.
Đồng thời, thành lập các tổ dân vận khéo, các tổ tự quản, nhân rộng mô hình hay để nâng cao hiệu quản quản lý; tiến hành lập bản đồ quản lý đất đai tại địa phương, trong đó thể hiện rõ các khu đất công do Nhà nước quản lý, các khu vực đất đã có quyết định, thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, các khu đất có vướng mắc trong các vụ án đến nay chưa được giải quyết xong... Đặc biệt là phải tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất”, ông Vũ Hồng Thuấn cho biết thêm.
Bài, ảnh: QUANG LÊ