PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Khống chế ca mắc mới, kéo giảm ca nặng và tử vong

Chủ Nhật, 27/02/2022, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 (BCĐ) tỉnh, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới vẫn còn rất cao. Do đó, BCĐ tỉnh xác định nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1 trường hợp F0 sau thời gian điều trị tại nhà.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1 trường hợp F0 sau thời gian điều trị tại nhà.

Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh

Số ca mắc mới trong 7 ngày qua (từ ngày 20/2 đến ngày 26/2) tăng 2.014 ca so với 7 ngày trước đó (từ ngày 13/2 đến 19/2). Riêng trong 2 ngày 25 và 26/2, ghi nhận gần 1.700 ca mắc mới. Bên cạnh đó, số ca chuyển nặng cần phải chuyển đến điều trị tại bệnh viện chưa có chiều hướng giảm, trong 7 ngày (từ ngày 20/2 đến ngày 26/2, trung bình 10 ca/ngày) tăng 34 ca so với 7 ngày trước đó.

Tại hầu hết các địa phương đều có số ca mắc tăng cao. Trong đó, tại huyện Côn Đảo, do tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn nên huyện đã cho HS học trực tuyến từ ngày 22/2, sau thời gian học trực tiếp tại trường. Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, từ ngày 15 đến 24/2, số ca mắc mới trên địa bàn huyện đã tăng 330 F0 so với tuần trước đó, đặc biệt là ở nhóm trẻ em, dự báo những ngày tới sẽ tiếp tục tăng.

Cần có giải pháp bảo vệ nhóm trẻ dưới 11 tuổi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị:
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; các chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, của Tỉnh ủy và nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
C các đơn vị phải chấn chỉnh ngay các trường hợp cấp ủy, BCĐ các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ các quy định, phân cấp và trách nhiệm xử lý phòng, chống dịch thuộc phạm vi, địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Không vì tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội mà lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, lấy việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch tỉnh phân tích, đánh giá tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng chưa tiêm vắc xin và F0 điều trị tại nhà chuyển nặng, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với đối tượng là trẻ em dưới 11 tuổi (đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong khi chưa có loại vắc xin phòng dịch COVID-19). 

Theo nhận định của BCĐ huyện Côn Đảo, nguyên nhân xuất phát từ việc di chuyển, tiếp xúc của người dân trên nội bộ đảo tăng trong dịp Tết, trong khi nguồn lây trong cộng đồng trước Tết chưa xử lý được triệt để; người dân trở lại Đảo sau kỳ nghỉ Tết, lượng du khách từ đất liền ra Côn Đảo tăng cao. 

Tương tự, huyện Xuyên Mộc cũng có số ca mắc tăng khá cao. Cụ thể, số ca mắc trong tuần 20/2- 26/2) ghi nhận 374 ca, tăng 168 ca (81,6%) so với tuần trước đó. Các xã nguy cơ, tập trung ca bệnh cao gồm: Tân Lâm, Phước Thuận, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Bông Trang.

Bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại Trung tâm hồi sức cấp cứu,  cơ sở 4 điều trị COVID-19-Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại Trung tâm hồi sức cấp cứu, cơ sở 4 điều trị COVID-19-Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp, khó lường

Theo nhận định của Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, tăng gánh nặng hệ thống y tế và tử vong. Tỉnh BR-VT cũng đã ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể này (từ một chuyên gia nhập cảnh về tỉnh làm việc).

Theo dự báo của BCĐ tỉnh, đối với tỉnh BR-VT, số ca mắc mới trong thời gian tới có thể sẽ tăng cao do các hoạt động xã hội trở lại bình thường. Mầm bệnh đã lưu hành và nhiễm sâu trong cộng đồng. Một bộ phận người dân, cán bộ, công chức còn có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian. Những người mới tiêm cần thời gian để sinh miễn dịch. Đa số trẻ em từ 12 - 17 tuổi mới tiêm mũi 2 nên khả năng bảo vệ chưa cao.

Về tình hình tiêm vắc xin, tỷ lệ người dân 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 3 mũi chiếm tỷ lệ 61,94%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 97,74%. Tính đến ngày 20/2, số vắc xin Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh đạt hơn 2,7 triệu liều. Theo Sở Y tế, dự kiến đến ngày đến 31/3, toàn tỉnh có khoảng 912.094 người tiêm mũi 3 (đạt 99,6% dân số), cơ bản hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Số người từ 18 tuổi còn lại chưa tiêm mũi 3 sẽ tiếp tục rà soát, tiêm vét, hoàn thành trước 31/3.

BCĐ tỉnh xác định nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 toàn tỉnh cần tập trung: nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; kiên trì thực hiện nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện nguyên tắc 5K + vắc xin + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân; tăng cường giám sát, phát hiện sớm F0, đặc biệt là các trường hợp nghi nhiễm chủng mới Omicron và có quy trình xử lý cụ thể, sát thực; tập trung nâng cao năng lực điều trị; kiện toàn các trạm y tế lưu động tại các địa bàn trên toàn tỉnh để sẵn sàng đối phó tình hình dịch diễn biến phức tạp; bảo đảm tất cả F0 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, nhanh nhất, sớm nhất ngay tại địa phương, xã, phường, thị trấn; tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe …

Ngành y tế và BCĐ các địa phương tập trung “thần tốc” hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất; khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.