“Mẹ đỡ đầu” là chương trình nhằm xoa dịu nỗi đau và tạo điểm tựa nâng đỡ vững chắc để những trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, bước tiếp trên con đường phía trước.
BCH Hội LHPN huyện Châu Đức nhận đỡ đầu em Phan Lê Thanh Khải (5 tháng tuổi, tổ 22, ấp Tiến Thành, xã Quảng Thành). |
Cần lắm những tấm lòng
Đại dịch COVID-19 đã và đang để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều em bỗng trở thành trẻ mồ côi, nỗi đau mất người thân đối với các em là quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Đặc biệt là trẻ em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống lại càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn lúc nào hết, các em rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.
Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, với chương trình này, Hội LHPN tỉnh làm vai trò là “cầu nối” để vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Hội còn hướng đến những trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ và trẻ em mồ côi do những nguyên nhân khác. Chương trình thực hiện đỡ đầu các trẻ mồ côi đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định tùy theo khả năng của tổ chức, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu hoặc nguyện vọng của gia đình.
Nếu có sự gián đoạn, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục vận động sự hưởng ứng của cá nhân, tổ chức để nhằm hỗ trợ kịp thời, lâu dài cho các trẻ mồ côi. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, các trẻ mồ côi sẽ được nhận học bổng, quà tặng, xin miễn, giảm học phí hoặc tạo sinh kế cho người nuôi dưỡng các trẻ. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh sẽ đồng hành với các gia đình để chia sẻ những kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, tư vấn về tinh thần cho trẻ và người nuôi dưỡng trẻ.
Dự kiến, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, cuối tháng 2/2022, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức tặng quà và nhận đỡ đầu các trẻ mồ côi do dịch COVID-19. “Hội mong muốn lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của chương trình để nhận được thêm nhiều sự chung tay của các nhà hảo tâm, tổ chức nhằm “tiếp sức” dài hơi cho trẻ mồ côi, để các em được phát triển toàn diện, bảo đảm quyền trẻ em”, bà Lê Thị Hoa chia sẻ.
Ngày 9/12/2021, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 62/HD-ĐCT về thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Chương trình nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng, nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (trước mắt tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch COVID -19 có hoàn cảnh khó khăn), tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Đối với địa bàn có trẻ em mồ côi sinh sống, chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% trẻ mồ côi do COVID -19 tại địa bàn đều có “Mẹ đỡ đầu”. Đối với địa bàn không có trẻ em mồ côi sinh sống, chương trình hướng tới mục tiêu 100% cơ sở Hội tham gia hưởng ứng Chương trình ‘Mẹ đỡ đầu”. Tối thiểu, mỗi đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu ít nhất 1 trẻ mồ côi do COVID -19 cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Tùy điều kiện của địa phương, các cấp Hội có thể mở rộng đối đến đối tượng trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.
Về cách thức thực hiện, “Mẹ đỡ đầu” có thể đỡ đầu trực tiếp như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại nhà hoặc lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ nhu yếu phẩm, sinh hoạt phí, chi phí học tập, chi phí khám và chữa bệnh…; hoặc đỡ đầu gián tiếp bằng cách hỗ trợ nguồn lực thông qua Hội phụ nữ địa phương, người trực tiếp chăm sóc thay thế.
|
Còn nhiều trường hợp cần giúp đỡ
Trước đó, từ tháng 1/2022, Hội LHPN huyện Châu Đức đã nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Đó là trường hợp của em Lưu Khả Tú (7 tuổi, HS lớp 1, Trường TH Trần Phú, xã Suối Rao). Tú bị mồ côi cha do dịch COVID-19. Mẹ Tú, chị Nguyễn Thị Kim Lựu hiện là cán bộ hoạt động không chuyên trách tại xã Suối Rao với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh này, Hội LHPN huyện Châu Đức đã vận động Hội Phụ nữ Công an huyện Châu Đức nhận đỡ đầu em Tú. Và trường hợp của em Phan Lê Thanh Khải (5 tháng tuổi, tổ 22, ấp Tiến Thành, xã Quảng Thành). Hoàn cảnh của gia đình Khải thật đáng thương, mẹ mất do dịch COVID-19, còn cha Khải làm việc xa nhà nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Hiện tại, Khải do bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nhằm chia sẻ khó khăn, BCH Hội LHPN huyện Châu Đức đã nhận đỡ đầu Khải. Các trường hợp trên được hỗ trợ đỡ đầu với mức 500 ngàn đồng/tháng/trường hợp từ tháng 1 đến 12/2022). Bà Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Châu Đức thông tin thêm, trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có 5 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm, tổ chức tiếp tục nhận đỡ đầu để chia sẻ khó khăn cho trẻ mồ côi.
Cũng mang ý nghĩa đỡ đầu cho trẻ mồ côi, cuối tháng 12/2021, Hội LHPN phường 11 (TP. Vũng Tàu) phối hợp với Đoàn đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm ma túy số 3, Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên và tặng học bổng là 9 triệu đồng tiền mặt cho em Phan Thanh Thúy (HS lớp 5.4, Trường TH Phước An, phường 11). Gia cảnh của em Phan Thanh Thúy rất khó khăn.
Thúy mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi. Còn ba Thúy bị bệnh thần kinh. Mọi trang trải học tập, sinh hoạt của ba con Thúy đều nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông nội. Trước hoàn cảnh khó khăn này, Hội LHPN phường 11 phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm ma túy số 3 nhận đỡ đầu cho em Phan Thanh Thúy bằng việc cấp học bổng hằng năm (mỗi năm 9 triệu đồng) kể từ năm học này đến lớp 12. Kinh phí do Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm ma túy số 3 cấp.
Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, năm 2021, cả nước có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Tại BR-VT, có 14 trẻ bị mất cha hoặc mẹ do COVID-19, trong đó, có 4 trẻ mồ côi mẹ ngay từ khi mới lọt lòng, do mẹ các em mắc COVID-19 mất, phải mổ cứu con.
Thời gian qua, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân đã quan tâm, sẻ chia, dành nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo, hỗ trợ cho các em kém may mắn do dịch COVID-19. Tuy không thể bù đắp được hết những mất mát các em phải gánh chịu, song cũng giúp trẻ giảm bớt phần nào khó khăn.
Bài, ảnh: THI PHONG