Chiều 21/2, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Số ca nhiễm tăng, học sinh đi học an toàn
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, 7 ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận 2.096 ca COVID-19 mới (trung bình 299,4 ca/ ngày), tăng 961 ca so với 7 ngày trước đó. Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng cao, nhất là biến thể Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo, thảo luận về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, từ ngày 14/2, HS các cấp đã đến trường học trực tiếp trở lại. Để chuẩn bị cho việc này, ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Sở đã phối hợp với ngành y tế xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS. Các trường học cũng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi dịch tễ HS các cấp từ nhà đến cổng trường, qua đó, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm để có phương án xử lý kịp thời.
“Nhờ đó, tuần qua, số ca nhiễm phát hiện mới ở trường học khá thấp. Ngành giáo dục đề nghị tiếp tục để HS các cấp tham gia học trực tiếp tại trường trong thời gian tới”, bà Châu nói.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong trường học, GV cần theo sát từng HS, với nguyên tắc “mỗi thầy cô là 1 người giám sát dịch tễ”, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, nắm bắt tình hình sức khỏe của các em HS từ nhà đến trường. Ông Thuận đề nghị: “Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ diễn biến dịch bệnh, qua đó, an tâm cho các cháu đến trường”.
Dịch vẫn được kiểm soát tốt
Về tiến độ tiêm vắc xin, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nếu tiêm hết số vắc xin Bộ Y tế đã phân bổ cho BR-VT đến ngày 28/1, số người đã tiêm mũi 3 của tỉnh là hơn 600 ngàn người (đạt 65,66% dân số).
“Vừa qua, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 155.400 liều vắc xin Moderna cho tỉnh. Nếu tiêm hết số lượng này, sẽ có trên 99% dân số của tỉnh tiêm đủ 3 mũi vắc xin COVID-19. Do đó, đề nghị các địa phương có kế hoạch triển khai tiêm nhanh chóng theo đúng tiến độ đề ra”, ông Nguyễn Công Vinh thông tin thêm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh nhận định, dù tỉnh đã “mở” lại các hoạt động du lịch; cho HS học trực tiếp, nhưng dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, “thả lỏng” mà phải “sốc” lại tinh thần, tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp.
Nhanh chóng ứng phó với diễn biến dịch tại huyện Côn Đảo
Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, dịch COVID-19 trên địa bàn huyện có diễn biến phức tạp. Riêng từ ngày 20/2 - 21/2, địa phương ghi nhận 30 ca nhiễm ngoài cộng đồng, trong đó, 22 ca là người địa phương và 8 ca từ tỉnh khác đến.
Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đề nghị UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch tỉnh, huyện Côn Đảo nhanh chóng xác định tình hình để có phương án phòng, chống dịch phù hợp, nếu cần thiết cần lập tức tăng cường nhân lực cho huyện đảo để ứng phó kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng.
|
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề ra một số giải pháp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, như: Rà soát từng người dân, bảo đảm không có ai đủ điều kiện mà chưa tiêm đủ vắc xin; chủ động chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng công tác phòng chống dịch trước mắt và cả trong trường hợp diễn biến phức tạp hơn; củng cố hoạt động của các trạm y tế lưu động, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly; nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị F0 tại nhà.
Bên cạnh đó, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu tuyên truyền, vận động để người dân có trách nhiệm hơn, chủ động tự xét nghiệm tại nhà và thông báo kết quả cho cơ quan y tế địa phương; xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường học, cơ sở giáo dục xây dựng, cập nhật kịch bản phòng, chống dịch khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngành y tế cần phân tích, đánh giá về tỷ lệ người tử vong, F0 chuyển nặng khi điều trị tại nhà để có căn cứ khoa học khi đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch; theo dõi sát sao để cụ thể hóa các chỉ đạo của Bộ Y tế trong phòng, chống biến chủng Omicron và các chủng mới khác (nếu có)…
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN