HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẤT NGẬP NƯỚC THẾ GIỚI (THÁNG 2/2022)

Bảo vệ "vành đai xanh" cho vùng cửa sông, ven biển

Chủ Nhật, 20/02/2022, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Rừng ngập mặn (RNM) ở BR-VT được ví như “vành đai xanh” bảo vệ những vùng cửa sông, ven biển. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích RNM đang có xu hướng giảm dần do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân chặt phá rừng, suy thoái môi trường… Do đó, việc bảo vệ và phát triển RNM đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện để hướng tới việc phát triển kinh tế bền vững.

RNM ở khu vực rạch Cây Cháo không còn phát huy được vai trò đó nữa, việc nuôi trồng thủy sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: NGười dân đánh bắt cá ở khu vực ven RNM thuộc rạch Cây Cháo, một nhánh của sông Mỏ Nhát (TX. Phú Mỹ).
RNM ở khu vực rạch Cây Cháo không còn phát huy được vai trò đó nữa, việc nuôi trồng thủy sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: NGười dân đánh bắt cá ở khu vực ven RNM thuộc rạch Cây Cháo, một nhánh của sông Mỏ Nhát (TX. Phú Mỹ).

Diện tích RNM bị suy giảm

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha diện tích RNM, trong đó tập trung nhiều nhất là huyện Côn Đảo, TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, diện tích RNM cũng đang bị suy giảm do nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng phá RNM. Theo Ban Quản lý rừng Phòng hộ tỉnh (Sở NN-PTNT), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ phá RNM quy mô khá lớn và đơn vị đã kịp thời phát hiện, xử lý.

Ông Phạm Thanh Tuấn, hộ nuôi thủy sản ở rạch Cây Cháo, một nhánh của sông Mỏ Nhát (TX. Phú Mỹ) cho biết, gần đây, do diện tích RNM ở khu vực này bị chết khá nhiều và nguồn nước bị ô nhiễm nên tỷ lệ sống của các loài thủy sản như tôm, cua chỉ đạt 20-50%. “RNM giúp cân bằng môi trường nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Nhưng nay, RNM ở khu vực rạch Cây Cháo không còn phát huy được vai trò đó nữa, việc nuôi trồng thủy sản của người dân gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, tình trạng phá RNM san lấp mặt bằng trái phép để chuyển nhượng đất cũng diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) thời gian vừa qua khiến người dân lo ngại, xâm nhập mặn sẽ ngày càng lấn sâu vào những vùng nuôi trồng thủy sản.

Còn tại huyện Côn Đảo, hiện có 18ha diện tích RNM phân bố chủ yếu trên nền thổ nhưỡng san hô chết, cát, sét mềm.

Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, hiện nay thực vật ở RNM Côn Đảo có khoảng 46 loài cây được định danh, trong đó có 35 loài thực vật thân gỗ, năm loài thân bụi, và 6 loài thân leo. Nhiều nhất phải kể đến các cây họ đước. Ông Huệ cho biết thêm, RNM Côn Đảo là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam. Tuy nhiên, RNM ở Côn Đảo cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác thủy sản, các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông... từ cửa sông đẩy ra.

Theo Sở TN-MT, RNM ở BR-VT có tác dụng chống xói lở ở các vùng cửa sông, ven biển, đồng thời ngăn chặn được tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền Ngoài ra, RNM còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, chống lại biến đổi khí hậu. RNM cũng mang lại các giá trị cho đời sống như: nuôi trồng thủy sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch... Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích RNM trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm do nạn phá rừng ngày càng tăng và các khu công nghiệp, cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp.

Bảo vệ RNM để phát triển kinh tế

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, việc RNM ở BR-VT bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ. Để bảo vệ và phát huy giá trị các vùng đất ngập nước nói chung, RNM nói riêng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phục hồi các vùng đất ngập nước như: trồng rừng ngập mặn; quan trắc môi trường nước biển định kỳ; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải… Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức trồng thêm 130ha RNM tại các địa phương như TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, huyện Côn Đảo… với 2 loại cây chủ yếu là đước và gõ đỏ với tổng kinh phí thực hiện gần 2,5 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT, RNM ở BR-VT chủ yếu nằm ven các con sông lớn, gần với rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) nên rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay đã hình thành một số tour tham quan RNM bằng ca nô và thưởng thức các món hải sản biển liên thông giữa các khu RNM của BR-VT và TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, việc bảo vệ, phát triển RNM còn góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách đến với BR-VT.

Để phát huy tiềm năng của RNM, Sở NN-PTNT đề xuất chủ trương rà soát, thống kê lại toàn bộ các khu RNM ven biển, dọc hạ nguồn các sông (sông Cỏ May, sông Rạng, sông Dinh, Chà Và, Rạch Tranh, Mỏ Nhát...); các vịnh cửa biển (vịnh Ông Bền, vịnh Gành Rái...) và các vùng RNM còn để hoang hóa hoặc chỉ nuôi thủy sản quảng canh để làm cơ sở thống kê diện tích sử dụng cho các mục đích khác nhau. Từ đó, phân loại chi tiết, làm căn cứ để có các phương án kêu gọi đầu tư tái tạo các khu RNM đã bị khai thác; kêu gọi người dân liên kết hợp tác làm du lịch cộng đồng trên cơ sở cùng hưởng lợi. Đối với các khu RNM hiện hữu thì lập phương án và kế hoạch khai thác với mức độ vừa phải, trên cơ sở vừa khai thác du lịch, khai thác từ nuôi trồng thủy sản vừa tôn tạo bổ sung, tạo sinh kế cho người dân tham gia chuỗi du lịch...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.