Với tình hình số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng như hiện nay, việc các trường hợp bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại nhà sẽ góp phần giảm tải cho cơ sở điều trị COVID-19. Cùng với kết nối với trạm y tế lưu động địa phương để được hỗ trợ khi cần thiết, F0 nên chuẩn bị các trang thiết bị y tế lẫn kiến thức để điều trị bệnh tại nhà hiệu quả.
Trong thời gian điều trị tại nhà, chị B.T.N.T. (phường 1, TP.Vũng Tàu) thường xuyên tập yoga để cải thiện tinh thần và tăng cường sức khỏe. |
Chủ động thích ứng
Bà N.T.H.T (62 tuổi, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) bị bệnh huyết áp thấp. Đáng lẽ trường hợp của bà được điều trị tại bệnh viện. Nhưng nhờ có sự chủ động trang bị các dụng cụ y tế lẫn thuốc hỗ trợ cùng các con động viên nên bà T. xin điều trị tại nhà. Bà T. chia sẻ, trước khi nhiễm COVID-19, bà đã mua máy đo SPO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu), máy đo huyết áp và một số loại thuốc thông thường như: hạ sốt, giảm đau, vitamin tổng hợp… để phòng thân khi nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bà cũng thường xuyên tìm hiểu các thông tin liên quan đến điều trị F0 tại nhà. Vì thế đã giúp bà T. vơi bớt lo lắng. “Mỗi ngày, tôi đo SPO2, huyết áp từ 2-3 lần để theo dõi tình trạng sức khỏe. Tôi ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cùng nhiều trái cây, bổ sung thêm vitamin tổng hợp, giữ tâm lý thoải mái. Nhờ đó, khoảng 5 ngày sau tôi đã khỏi bệnh. Mỗi người dân nên cập nhật các phương pháp điều trị COVID-19 tại nhà, nếu như không may bị nhiễm bệnh sẽ không lúng túng, giảm nguy cơ chuyển nặng”, bà T. nói.
Khi biết mình bị nhiễm COVID-19, chị B.T.N.T. (35 tuổi, phường 1, TP.Vũng Tàu) ngay lập tức liên hệ với trạm y tế lưu động của phường để được tư vấn, hỗ trợ. Chị T. chỉ bị nhẹ nên thuộc đối tượng điều trị tại nhà. Tuy còn băn khoăn khi điều trị tại nhà sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các thành viên trong gia đình, nhất là 2 đứa con dưới 6 tuổi. Nhưng chị T. vẫn cảm thấy thoải mái và tự tin sẽ điều trị COVID-19 an toàn.
Chị T. cho hay, sau khi mắc COVID-19, chị cách ly ở phòng riêng, duy trì không gian sống thoáng mát, sạch sẽ. Chị uống thêm siro bổ phổi và vitamin C, xông mũi bằng tinh dầu tràm. Ngoài ra, hằng ngày chị còn dành khoảng 1,5 giờ để vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập thở, yoga… nhằm cải thiện tinh thần và tăng cường sức khỏe. Chị T. cho hay: “Khi chưa mắc COVID-19, tôi đã tìm hiểu các hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc F0 tại nhà, đề phòng không may bị bệnh. Tôi thấy các biện pháp này cũng dễ làm nên tôi thực hiện theo. Sau 5 ngày cách ly tại nhà, tôi đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2”.
Chuyển viện khi có dấu hiệu bất thường
Theo các bác sĩ, F0 muốn được cách ly, điều trị tại nhà phải bảo đảm 3 điều kiện. Đầu tiên, về đối tượng, gồm có: Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn dưới 60 tuổi, thậm chí dưới 50. Những người này không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã được kiểm soát tốt và có người chăm sóc; không phải người béo phì, không có bệnh lý ác tính, không phải phụ nữ mang thai. Người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như: sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, nhức mình, mất mùi, vị…Thứ hai, các F0 phải có đủ điều kiện môi trường sinh hoạt và nghỉ dưỡng, không làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người xung quanh. Nếu là người không thể tự chăm sóc thì phải có người chăm sóc. Điều kiện thứ ba, F0 có khả năng kết nối với hệ thống y tế địa phương như: Trạm y tế, trạm y tế lưu động, cấp cứu 115 của bệnh viện… để liên lạc bất cứ khi nào cần.
Bác sĩ Phan Hải Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, cơ sở điều trị COVID-19 Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, F0 cần lưu ý khi có những biểu hiện bất thường: Thở nhanh, nhịp thở trên 20-25 lần/phút (người lớn), trên 40 lần/phút (trẻ từ 1-5 tuổi), trên 30 lần/phút (trẻ 6-12 tuổi); SPO2 dưới 94-96% hoặc có những sự thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, giảm đi lại, không nằm được vì tức ngực, khó thở, không ăn uống hay ăn rất ít, sốt cao nhưng uống thuốc hạ sốt mà không giảm, tăng hay tụt huyết áp bất thường, da nhợt nhạt, trẻ em thì lơ mơ, bỏ ăn… “Những biểu hiện vừa nêu cho thấy F0 đã trở nặng. Người nhà liên hệ ngay với trạm y tế lưu động xã, phường, hoặc bệnh viện để có những biện pháp chăm sóc, can thiệp y tế hoặc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị COVID-19 kịp thời. Nếu chậm trễ sẽ đe dọa tới tính mạng của F0”, bác sĩ Đăng khuyến cáo. |
Khi điều trị tại nhà, F0 cần trang bị các dụng cụ y tế cần thiết phục vụ theo dõi sức khỏe hàng ngày, gồm: Máy đo SPO2, nhiệt kế, máy đo huyết áp điện tử, bình oxy hoặc máy tạo oxy. Mặt khác, F0 không nên lo lắng, giữ tâm lý thoải mái, giảm hoạt động trí óc, có thể xem phim hài, thư giãn. Cần ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống đủ nước; ngủ đủ giấc, nếu người lớn mất ngủ có thể hỗ trợ bằng một số thuốc an thần Đông y.
Trong thời gian điều trị tại nhà, F0 tự tập thở thông qua các bài chúm môi, cơ hoành, thở bụng, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng, nằm nhiều tư thế như: nghiêng, sấp, giúp tăng cường khả năng trao đổi oxy của phổi. Tránh tình trạng F0 lười vận động, lười ăn uống sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, không đủ dinh dưỡng và nước, làm gia tăng nguy cơ bệnh trở nặng. F0 cũng có thể uống một vài loại thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng khi cần nhưng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. F0 không tự ý uống thuốc theo lời đồn hoặc các loại thuốc không có trong khuyến cáo điều trị mà không có sự hỗ trợ, tư vấn của nhân viên y tế.
Các bác sĩ cũng tư vấn, F0 nên đo thân nhiệt khi thấy sốt hoặc tối thiểu 2 lần/ngày; đo SPO2 tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy mệt, khó thở, tức ngực, giảm vận động. Thông qua các chỉ số này sẽ biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhằm phát hiện sớm bệnh trở nặng.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM