Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại, thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm: Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác; Tiễn, đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao; Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao (Điều 35) như sau: Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị và dự thảo thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi của Tổng Bí thư gửi Nguyên thủ một số nước, Người đứng đầu một số Đảng có quan hệ đặc biệt.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Chủ tịch Quốc hội duyệt, ký thư mừng, thăm hỏi, chia buồn gửi Người đứng đầu Nghị viện các nước có quan hệ đặc biệt.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Theo đó, quyết định nêu rõ 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Cụ thể: Quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Để được xét công nhận đạt chuẩn văn minh, phường, thị trấn phải đạt 9 tiêu chí trên; có đăng ký phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh với UBND cấp huyện; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có từ 90% trở lên người dân hài lòng và đồng ý đề nghị công nhận phường, thị trấn đạt chuấn đô thị văn minh.
Đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, điều kiện xét công nhận và công nhận lại gồm: Có đăng ký quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh với UBND cấp tỉnh; đạt 9 tiêu chí trên; thời gian đăng ký 2 năm, đối với công nhận lần đầu và 5 năm, đối với công nhận lại; có 100% phường, thị trấn trực thuộc được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn đô thị văn minh và có 100% xã trực thuộc (nếu có) được công nhận và công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)