Trong các nghiên cứu và thực tiễn học sinh TH và THCS thường được quan tâm chú ý với các vấn đề liên quan đến mối quan hệ bạn bè, kém tự điều chỉnh hành vi và cảm xúc cá nhân, các vấn đề kiểm soát các cơn nóng giận.
Đối với học sinh trung học, nó có thể liên quan đến việc quản lý những cảm xúc khó chịu, khó diễn đạt mà các em đang trải qua, những suy nghĩ tiêu cực, các vấn đề về lòng tự trọng, áp lực tự đặt ra để làm tốt việc học tập thi cử và cuộc sống hằng ngày. Trẻ cũng có thể gặp phải đối mặt với những sự kiện quan trọng trong cuộc sống như cha mẹ mất việc làm, mất mát người thân trong gia và các vấn đề về mối quan hệ với cha mẹ.
Trong các nguyên nhân gây bất ổn về tâm lý cho trẻ thì áp lực và lo lắng về bài kiểm tra vẫn là một nguyên nhân phổ biến gây căng thẳng hàng đầu của trẻ.
Kiểm tra và điểm số rất quan trọng đối với học sinh do niềm tin rằng học tốt ở trường tương đương với việc có cuộc sống tốt khi ra ngoài xã hội. Nhiều học sinh và phụ huynh của bị áp đặt bởi niềm tin này, đặt trọng tâm vào thành tích học tập nên thúc ép bản thân và con cái mình vào một cuộc “chạy đua” thành tích, dẫn đến việc cảm thấy tội lỗi, thất bại khi không đạt như kỳ vọng của người lớn cũng như của bản thân trẻ.
Mức độ lo lắng cao có thể dẫn đến căng thẳng khi kiểm tra nếu không được kiểm soát. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh và dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ như lo lắng và trầm cảm.
Các triệu chứng của căng thẳng là gì?
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ thể và tinh thần của chúng ta. Các triệu chứng cơ thể thường gặp bao gồm: mệt mỏi hoặc hôn mê, đau và nhức như đau đầu và đau bụng. Rối loạn giấc ngủ, gặp ác mộng thường xuyên. Thay đổi về cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng, hoặc chứng đái dầm.
Căng thẳng có ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái tinh thần và khả năng của trẻ và kết quả là trẻ có thể thấy sự giảm sút thành tích ở trường, trong các hoạt động và trong các lĩnh vực khác của cuộc sống…
Các triệu chứng về hành vi và cảm xúc thường gặp của căng thẳng ở trẻ em bao gồm: hành vi mất hứng thú với các hoạt động, xa lánh mọi người và các hoạt động xã hội, xuất hiện các cơn giẫn giữ thường xuyên, không lý do, bắt nạt trẻ khác, ăn trộm, tâm trạng chán nản, không có khả năng thư giãn hoặc bình tĩnh. Khó kiểm soát cảm xúc của mình,cảm thấy tội lỗi, lo lắng, một số trẻ tự gây tổn thương cơ thể hoặc tự sát.
Các triệu chứng về hành vi và cảm xúc căng thẳng không phải lúc nào cũng dễ nhận biết, vì vậy cha mẹ nên để mắt đến con mình ngay lập tức sau bất kỳ thay đổi lớn nào khác trong cuộc sống của chúng để phát hiện và kịp thời giúp đỡ trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chuyên gia tâm lý LAN PHƯƠNG