Trường học đã sẵn sàng "mở cửa"

Chủ Nhật, 09/01/2022, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần qua, ngành giáo dục, các địa phương, đơn vị liên quan đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện để ngày 10/1 sẵn sàng đón HS lớp 9 và lớp 12 đến trường học tập trực tiếp sau 1 học kỳ phải học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19.

Đoàn công tác của Sở GD-ĐT do ông Ngô Minh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh để đón HS đến trường học tập trực tiếp tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Đoàn công tác của Sở GD-ĐT do ông Ngô Minh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh để đón HS đến trường học tập trực tiếp tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Chuẩn bị “đến trường an toàn”

Bà Trịnh Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu) cho biết, nhà trường bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở GD-ĐT để chuẩn bị các điều kiện cho HS đi học trở lại. Trước hết, nhà trường tăng cường phổ biến cho phụ huynh về kế hoạch cho HS đi học trở lại, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nhất cho các em HS về mọi mặt, đặc biệt là về tâm lý để trở lại trường sau thời gian dài phải dừng đến trường vì dịch bệnh COVID-19.

Cùng với đó, nhà trường chuẩn bị về cơ sở vật chất, xây dựng phương án tổ chức cho HS đi học trở lại một cách an toàn. Trường đã thành lập Tổ an toàn COVID-19, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để xử trí khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm trong quá trình dạy học trực tiếp. Cuối tuần qua, nhà trường đã khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, bố trí phòng học giãn cách lớp cho 16 lớp 12 để hạn chế tiếp xúc, bố trí phòng cách ly tạm thời tại tầng trệt để cách ly khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. 

Đồng thời, trường còn bố trí các phòng cách ly tạm thời cho HS, GV ở khu vực tầng trệt để việc di chuyển bảo đảm nguyên tắc 1 chiều, hạn chế lây nhiễm. Về vật tư y tế, nhà trường chuẩn bị 200 bộ đồ bảo hộ, cùng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn, trang bị cả bình xịt có dung tích lớn để chủ động khử khuẩn khu vực có F0.

“Với những HS chưa thể đến trường học tập trực tiếp, nhà trường đã rà soát, lập danh sách và giao nhiệm vụ cho GV chủ nhiệm, GV bộ môn chủ động sắp xếp thời gian giảng dạy, hỗ trợ các em trong học tập”, bà Thu cho biết thêm.

Qua rà soát, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) có 24 HS, 2 GV thuộc diện F1, 3 HS và 1 GV thuộc diện F0. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết, những HS, GV đang cách ly y tế hoặc có các biểu hiện: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi... sẽ tiếp tục học tập trực tuyến. “Chỉ những HS đủ điều kiện sức khỏe và không thuộc các trường hợp trên mới đến trường học trực tiếp”, bà Hạnh nói.

Để bảo đảm an toàn trường học, nhà trường bố trí lớp cách lớp, tầng cách tầng để tầng trống làm lối di chuyển khi xử lý tình huống phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm trong trường học. Ngoài ra, nhà trường còn mở cả 3 cổng, phân chia HS đi xe tới trường và ra về từ cổng phụ số 2, GV, nhân viên đi cổng phụ số 1, còn HS đi bộ hoặc được ba mẹ đưa đón đi cổng chính. Tại cả 3 cổng đều có đội đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho HS, GV trước khi vào trường. Nhà trường hướng dẫn HS di chuyển theo cầu thang gần nhất với lớp học để đi thẳng lên lớp, không tụ tập dưới sân trường. Các em phải đeo khẩu trang trong suốt buổi học, chú ý giữ khoảng cách và thực hiện nghiêm quy định 5K.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn trường học khi HS đi học trở lại, tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng phụ huynh, HS thông qua GV chủ nhiệm lớp. Do đặc thù của trường nội trú, nên bên cạnh việc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, phòng học, nhà ăn, trường còn tổ chức cho xét nghiệm nhanh COVID-19 cho  HS trước khi quay lại trường. Những HS đủ điều kiện đi học trực tiếp sẽ học tập, sinh hoạt tại trường trong 2 tuần “thí điểm” dạy học trực tiếp. 

Thời gian này, nhà trường sắp xếp cho HS ở nội trú mỗi phòng 4 em, sắp xếp giờ ăn lệch nhau và tận dụng hội trường rộng rãi để tổ chức lớp học. Ngoài ra, nhà trường chuẩn bị khu vực riêng để trong trường hợp có ca nhiễm có thể đưa về khu vực này trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn xử trí…

Chủ động thích ứng an toàn

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã ban hành Kế hoạch số 3241/KH-SGDĐT về tổ chức dạy và học cho cấp học MN, phổ thông trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch bệnh COVD-19, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh khi HS quay trở lại trường học trực tiếp. Đồng thời, Sở cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh để đón HS đến trường học tập trực tiếp.

Diễn tập phòng chống COVID-19 Trường THCS Văn Lương  (huyện Long Điền) nhằm bảo đảm học sinh trở lại trường an toàn.
Diễn tập phòng chống COVID-19 Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) nhằm bảo đảm học sinh trở lại trường an toàn.

Về cơ sở vật chất, hơn 60 trường THCS, THPT đã được trưng dụng làm khu cách ly y tế và điều trị COVID-19 đã được bàn giao lại cho cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện đưa vào sử dụng dạy học trực tiếp, trừ Trường THCS Phạm Hữu Chí (huyện Long Điền) được bố trí học chung với Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. 

Các trường THCS, THPT, Trung tâm GDTX đã chủ động vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án phòng chống dịch tại trường. Các trường đều bố trí phòng cách ly tạm thời và đảm bảo đầy đủ các điều kiện về y tế tại phòng cách ly theo quy định, sắp xếp lớp học cách nhau, quy định chi tiết về vị trí cố định khi nghỉ giải lao và không giao lưu giữa các lớp, tổ chức tập huấn, diễn tập giả định về các tình huống phòng chống dịch tại trường. Cùng với đó, các nhà trường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến để bảo đảm quyền lợi học tập cho những HS không thể tham gia học trực tiếp tại trường.

Về chuyên môn, ông Lưu Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết, trong 2 tuần đầu học trực tiếp, các nhà trường không tạo áp lực cho HS, mà chỉ tập trung củng cố kiến thức đã học trực tuyến, hoàn thành các nội dung cốt lõi của học kỳ I theo quy định. Đặc biệt, Ban Giám hiệu, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần quan tâm đến tâm lý của HS bởi các em đã phải học trực tuyến trong thời gian dài. Từ đó phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời những trường hợp HS gặp khó khăn. 

Ông Lưu Thanh Tú nhấn mạnh, các trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi sáng cho HS lớp 9 và lớp 12. Nhà trường có thể xem xét giảm bớt thời lượng của một số môn học như nghề phổ thông, thể dục…

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 91 trường THCS với 17.905 HS khối lớp 9; 30 trường THPT công lập, 7 trường THPT ngoài công lập và 6 Trung tâm GDTX với tổng số HS 12 là 12.519 em. Ngành giáo dục đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc cho HS đi học trực tiếp từ ngày 10/1/2022. Kết quả, có 74% phụ huynh HS lớp 9 và 82% phụ huynh HS lớp 12 đồng ý.
Đến thời điểm này, số lượng cán bộ, GV, nhân viên ngành giáo dục tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 99,66%. Tỷ lệ HS từ 15 đến 17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 96%. Còn với HS từ 12 đến 14 tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt 95%, mũi 2 đạt 94% và đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 2.

 

;
.