Cơ hội chọn nhân tài
Sở GD-ĐT vừa tổ chức thành công kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc (đợt 1). Việc chuyển từ hình thức bổ nhiệm sang thi tuyển đã tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng để phát hiện, trọng dụng người có đức có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT trao Quyết định chức danh Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho bà Trần Thị Thu (bìa trái). |
Đổi mới, thiết thực
Trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT đợt 1, các ứng viên đã trải qua 2 phần thi: thi viết và thi đề án.
Bà Trần Thị Thu, ứng viên vừa trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) cho hay, khác với hình thức bổ nhiệm thường lấy nguồn tại chỗ, việc thi tuyển giúp mở rộng nguồn, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho cùng một vị trí. Những người đã được quy hoạch có thể nộp hồ sơ thi tuyển chức danh đã được quy hoạch tại một đơn vị khác, thuộc địa phương khác, tạo sự cạnh tranh công bằng, giúp ứng viên bộc lộ được năng lực của mình.
“Việc thi tuyển tạo cơ hội để các ứng viên bộc lộ năng lực và bản lĩnh khi được thể hiện cả kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo, trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển”, bà Thu chia sẻ.
Ông Hồ Sĩ Nhật Nam, ứng viên vừa trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) cho rằng, yêu cầu của đề thi rất thiết thực, đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức quản lý, mà còn phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật để nắm vững các quy định, chủ trương, đường lối liên quan tới lĩnh vực GD-ĐT. Ở phần thi đề án, người dự thi có cơ hội được thể hiện tâm huyết phát triển đơn vị mình dự tuyển dựa trên những hiểu biết về thực tế tại đơn vị.
“Cùng một yêu cầu nhưng nếu thi tuyển chức danh hiệu trưởng, ứng viên phải đưa ra vấn đề có tính khái quát cao hơn vì vị trí này phải quản lý chung về nhiều mặt. Còn nếu dự thi chức danh Phó Hiệu trưởng, đề án có thể đi sâu vào lĩnh vực mà mình am hiểu”, ông Nam cho biết thêm.
Trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, tổng số thí sinh đủ điều kiện dự thi là 36 người. Trong đó, 16 người dự thi chức danh cấp trưởng và 20 người thi chức danh cấp phó. Cuối tháng 12/2021, Sở GD-ĐT đã công bố quyết định trúng tuyển kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đợt 1 và bổ nhiệm 6 hiệu trưởng, 9 phó hiệu trưởng. |
Bảo đảm khách quan, hiệu quả
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, dựa vào quy chế, Sở GD-ĐT đã thông báo danh mục tài liệu cho các ứng viên và tổ chức ra đề, sao in đề bảo đảm tính khách quan. Việc ra đề chú trọng tính thực tiễn trên cơ sở đóng góp ý kiến của những người đã kinh qua vị trí quản lý, lãnh đạo. Mục tiêu nhằm lựa chọn được đội ngũ cán bộ quản lý là trưởng, phó các đơn vị trực thuộc vừa có kinh nghiệm quản lý, vừa có nhiệt huyết, có sự trăn trở với sự nghiệp GD-ĐT.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT nhận định, kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT vừa qua đã bảo đảm các yêu cầu, mục đích đặt ra, đặc biệt mục tiêu phát hiện, thu hút và lựa chọn được người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của từng chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tiêu cực…
Bên cạnh đó, ông Tâm cũng nhìn nhận, quy chế kỳ thi lần này còn khá nhiều bất cập. Đơn cử như quy định khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì tập thể lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.
Ngoài ra, trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 1 người dự thi thì hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch. Điều này dễ dẫn đến việc sẽ có người đăng ký nhưng không dự thi, đăng ký để người khác đủ điều kiện dự thi và không có yếu tố cạnh tranh. Trường hợp khác, có đơn vị chỉ có 1 người dự thi, không bảo đảm số người để tổ chức thi, trong khi Sở GD-ĐT không thể chỉ định người đủ điều kiện dự thi khiến cho vị trí đó vẫn tiếp tục khuyết.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI