Nơi thể hiện góc nhìn của trẻ em

Thứ Tư, 12/01/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 31/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng Trẻ em tỉnh BR-VT. Sau lễ ra mắt, Hội đồng Trẻ em đã tổ chức Kỳ họp đầu tiên (theo hình thức trực tuyến), các em trong tỉnh đã thể hiện suy nghĩ và những góc nhìn của mình về cuộc sống.

 Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh trao Quyết định thành lập Hội đồng Trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2026.
Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh trao Quyết định thành lập Hội đồng Trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2026.

Chúng em muốn có thêm nhiều sân chơi

Với chủ đề “học tập và vui chơi của trẻ em trong mùa dịch”, ghi nhận tại Kỳ họp, có một số nhóm vấn đề chính được trẻ em quan tâm, lên tiếng là: Việc học trực tuyến không hiệu quả, bạo lực trẻ em, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội đúng cách, cơ sở vật chất ở trường học...

HS Nguyễn Minh Khuê (Trường THCS Duy Tân, TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Hiện nay, trừ HS lớp 9 và 12, các khối lớp còn lại HS đều học online, việc học rất mệt mỏi, nhiều bạn phải ngồi trên máy tính, laptop hoặc sử dụng điện thoại cả ngày, học, làm bài tập..., ảnh hưởng đến thị lực, một số bạn nghiện game. Phải làm thế nào để giảm những áp lực này?”.

Cũng quan tâm đến vấn đề học, HS Lý Hoài Như (Trường THCS Láng Dài, huyện Đất Đỏ) đặt câu hỏi: “Làm sao để HS vẫn bảo đảm việc học khi học online nhưng không gặp áp lực về điểm số? Làm sao để ngăn chặn những thông tin xấu, tin rác xuất hiện trên thiết bị thông minh của các em trong quá trình học?”.

HS Trần Quang Long (Trường TH Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) cho biết, hiện có tình trạng một số bạn HS giả bộ học nhưng thực ra sử dụng giờ học để chơi game online, chat, không làm bài tập. Vậy phải làm sao để ngăn chặn tình trạng này?.

Các em HS cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình và một số vấn đề khác, như: Một số HS, phụ huynh chưa quan tâm vấn đề học trực tuyến, lơ là trong học tập; còn thiếu các sân chơi trên không gian mạng cho trẻ em; vẫn còn một số trường hợp bạo lực học đường tại một số địa phương;… Đặc biệt có một số ý kiến nên thành lập Quỹ Hỗ trợ trẻ em hoàn cảnh khó khăn...

Thay mặt các thành viên trong Hội đồng Trẻ em, HS Nguyễn Thị Thanh Tú, Liên đội Trưởng Trường THCS Châu Văn Biếc (huyện Đất Đỏ), Chủ tịch Hội đồng Trẻ em đã giải đáp những thắc mắc của các bạn. Hiện nay, việc học online nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong môi trường giáo dục. Vì vậy, không tránh khỏi việc phải sử dụng các phương tiện thiết bị thông minh trong nhiều giờ đồng hồ hoặc HS và GV khó giao tiếp vì lý do lỗi mạng hoặc thiết bị hư hỏng. “Các bạn cần rèn luyện tính tự giác trong học tập. Giữa những giờ học nên đứng dậy đi lại, hoặc làm vài động tác thể dục để giảm áp lực cho mắt. Các bạn có thể vào page của Đoàn, Hội địa phương tham gia các chương trình văn nghệ, vui chơi online thú vị. Về vấn đề bạo hành, khi bản thân hoặc bạn bè của bạn bị bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạn cần trao đổi, báo cho GVCN, GV Tổng phụ trách hoặc điện thoại đến đường dây nóng 111 để được hướng dẫn, bảo vệ”, Tú nhấn mạnh.

Đối với những câu hỏi chưa thể đưa ra đáp án, Thanh Tú đã chuyển đến Ban Tham vấn để có hướng dẫn cụ thể và kỹ lưỡng hơn tới những thắc mắc của HS, trẻ em.

Thúc đẩy quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em

Theo chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, đây là lần đầu tiên BR-VT thành lập Hội đồng Trẻ em. Việc thành lập này mang ý nghĩa hết sức quan trọng, cụ thể hóa thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Thông qua Kỳ họp đầu tiên, đã có hơn 20 ý kiến của các em được tổng hợp từ cơ sở, thành viên Hội đồng Trẻ em gửi tới Kỳ họp, tập trung vào những vấn đề “nóng” xoay quanh môi trường học đường và cuộc sống, đặc biệt theo chủ đề Kỳ họp thứ nhất “học tập và vui chơi của trẻ em trong mùa dịch” - là những vấn đề mà các em đặc biệt quan tâm hiện nay.

Qua Kỳ họp có thể đánh giá bước đầu Hội đồng Trẻ em đã làm quen được cách làm việc, tương tác, đặt câu hỏi trong cuộc họp. Các em vừa là chủ thể đặt câu hỏi, vừa là đối tượng thụ hưởng, đối tượng giải quyết, kiến nghị vấn đề đó với các cấp, các ngành. Các thành viên trong Hội đồng còn được hỗ trợ về mặt chuyên môn của Ban Tham vấn Hội đồng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên phương pháp Kỳ họp lần thứ nhất thực hiện trực tuyến, còn hạn chế việc phát huy khả năng của thành viên Hội đồng, một số thành viên còn chưa tự tin trong việc giao tiếp. Thời gian tới, Hội đồng Trẻ em sẽ rút kinh nghiệm trong việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em từng trường, từng huyện tổng hợp trước để trình bày trong kỳ họp, tăng hiệu quả và giải quyết vấn đề trong kỳ họp hơn.

Bài, ảnh: MINH THANH

Hội đồng Trẻ em là nơi giúp cho trẻ em toàn tỉnh có nhiều cơ hội đại diện tiếng nói của bản thân và bạn bè xung quanh thể hiện tâm tư, nguyện vọng của trẻ em tỉnh nhà về sự phát triển của trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; sự đóng góp của trẻ em vào chính sách phát triển trẻ em tỉnh nhà. Thông qua đó, Hội đồng Trẻ em tỉnh sẽ tổng hợp đề đạt các ý kiến của trẻ em trong các Kỳ họp thành văn bản cụ thể trình HĐND tỉnh; tạo tiền đề cho các quyết sách tỉnh nhà đến các vấn đề trẻ em. Hiện nay, Hội đồng Trẻ em tỉnh gồm 47 thành viên; trong đó có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch. Mỗi năm sẽ tổ chức 2 Kỳ họp dự kiến tháng 6, tháng 11; tổ chức 1 lớp tập huấn, 1 diễn đàn đối thoại giữa Hội đồng Trẻ em và HĐND tỉnh.

 

;
.