Sau hơn 10 năm triển khai, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trở thành cầu nối để các cấp chính quyền, tổ chức và nhà hảo tâm chung tay chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần cho những người nghèo khó, thiếu may mắn trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bông (tổ 7, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) nhận gạo hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ xã. |
Chia sẻ khó khăn
Gia đình bà Nguyễn Thị Bông (1956, tổ 7, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm trước, chồng bà bị tai biến. Chi phí chữa bệnh cho chồng và sinh hoạt gia đình phụ thuộc vào khoản thu nhập 300 ngàn đồng/ngày từ công việc cắt cỏ thuê của bà. Thế nhưng, công việc không ổn định nên cuộc sống gia đình bà thường xuyên thiếu trước hụt sau. Ngoài ra, bà còn phải gồng gánh nuôi thêm người cháu (hiện là HS lớp 2) vì mẹ cháu mất từ khi cháu ra đời.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà, Hội Chữ thập đỏ xã đã vận động ông Lê Minh, chủ nhà máy xay xát và mua bán lúa gạo Minh Trọng (xã Hòa Long) hỗ trợ 10kg gạo/tháng trong suốt 5 năm qua. Bà Bông xúc động nói: “Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Tôi không phải lo thiếu gạo, chỉ mong có sức khỏe để đi làm, có tiền lo cho chồng và nuôi cháu gái ăn học đàng hoàng”, bà Bông chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Ngọc Quang (SN 1954, thuê trọ tại 10/42/21, Bình Giã, phường 8, TP. Vũng Tàu) bị suy thận cách đây hơn 4 năm nên phải thường xuyên chạy thận, lọc máu. Chi phí chữa bệnh, ăn uống phụ thuộc vào số tiền con trai ông kiếm được từ nghề xe ôm. Khó khăn chồng chất khi con trai ông cũng phát hiện bị suy thận mãn tính giai đoạn đầu, phải chạy thận.
“Nhờ sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ phường 8, hằng tháng tôi được nhận hỗ trợ từ Miếu bà Ngũ Bang 300 ngàn đồng, 10kg gạo và một số nhu yếu phẩm khác. Tôi và con trai cũng tạm đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Ngoài ra, khi được các tổ chức, cá nhân tài trợ quà, Hội Chữ thập đỏ phường 8 cũng không quên cha con tôi”, ông Quang nói.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được phát động từ năm 2008. Từ đó đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã khảo sát hơn 4.000 hồ sơ các địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp. Những địa chỉ này hầu hết là nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó, hộ nghèo... Đến nay, số địa chỉ đã được trợ giúp là 2.811 địa chỉ nhân đạo, số người được nhận trợ giúp là 9.442 người với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Riêng năm 2021, các cấp Hội cơ sở duy trì giúp đỡ 421 địa chỉ nhân đạo với số tiền hơn 1 tỷ đồng. |
Gia đình bà Bông và ông Quang là 2 trong hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động từ năm 2008.
Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, sau khi phát động, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc vận động, tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm đăng ký trợ giúp địa chỉ nhân đạo. Đồng thời, khảo sát đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để lập hồ sơ địa chỉ cần giúp đỡ. Song song đó, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá hồ sơ một cách công khai, dân chủ danh sách người cần trợ giúp, đồng thời vận động, giới thiệu địa chỉ đã được khảo sát đến các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đăng ký, giúp đỡ lâu dài.
Nhân rộng những tấm lòng nhân ái
Là một trong những nhà hảo tâm hỗ trợ cho 6/14 địa chỉ nhân đạo trên địa bàn xã Hòa Long hơn 10 năm qua, ông Lê Minh (SN 1966, ngụ ấp Bắc 1) chia sẻ: “Tôi đã từng gặp khó khăn nên thấu hiểu được nỗi khổ của các hoàn cảnh cần hỗ trợ. Đây là chương trình thực tế, đúng việc đúng người mà bản thân tôi hướng tới. Tôi mong với sự hỗ trợ của mình, các địa chỉ nhân đạo sẽ vơi bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống”.
Ông Lê Văn Hậu, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường vận động toàn xã hội đồng hành tham gia cuộc vận động, trên cơ sở hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội sẽ tiến hành khảo sát, lập khảo sát, nắm chắc nhu cầu cần trợ giúp của từng đối tượng; xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực theo từng năm, nắm bắt thông tin nhà tài trợ tiềm năng để định hướng hình thức trợ giúp cho các đối tượng mang tính thiết thực, bền vững.
“Chúng tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm chia sẻ, cảm thông, từ đó lựa chọn hình thức trợ giúp thích hợp, góp phần làm vơi đi những khó khăn của các đối tượng cần giúp đỡ”, ông Hậu nói.
NHUNG HOA