Cẩn trọng với những biến chứng hậu COVID-19

Thứ Ba, 11/01/2022, 23:27 [GMT+7]
In bài này
.

Các báo cáo khoa học về đề tài biến chứng hậu COVID-19 tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên năm 2021 do Bệnh viện (BV) Vũng Tàu tổ chức ngày 8/1 đã thu hút sự quan tâm của các bác sĩ và giới chuyên môn. 

Nhân viên y tế thăm, khám cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại Cơ sở điều trị COVID-19 - BV Vũng Tàu.
Nhân viên y tế thăm, khám cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại Cơ sở điều trị COVID-19 - BV Vũng Tàu.

Tại hội nghị, ThS.BS. Trần Thiện Trường, BV Vũng Tàu đã trình bày đề tài “Báo cáo ca lâm sàng phù não ác tính hậu COVID-19”. Cụ thể, bà T.T.C.N. (SN 1960, ngụ phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) nhập viện tại BV Vũng Tàu ngày 9/10/2021 với triệu chứng mệt, lơ mơ. Trước đó, bệnh nhân được điều trị COVID-19 tại BV Vũng Tàu từ ngày 3 đến 19/9/2021.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân sinh hoạt bình thường nhưng có biểu hiện chậm chạp tăng dần, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc, cảm giác buồn bã và có ý định tự sát. Đến khoảng 16 giờ 45 phút ngày 8/10/2021, bệnh nhân mệt nhiều, đau đầu, loạng choạng vào cấp cứu được chụp MRI não có kết quả bình thường, được điều trị ngoại trú và chuyển khám chuyên khoa thần kinh. Ngày 9/10/2021, bệnh nhân nhập viện Trung tâm Y tế Vietsovpetro ghi nhận tiếp xúc chậm, lơ mơ, không sốt và được chuyển BV Vũng Tàu. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, truyền dịch và chuyển qua Hồi sức tích cực - Chống độc. Tại đây, bệnh nhân lơ mơ, huyết áp bình thường, được an thần, thở máy và điều chỉnh đường huyết, điều trị tăng Kali máu.

Tiếp đó, ngày 10/10/2021, đường huyết và điện giải của bệnh nhân trở về bình thường nhưng rơi vào hôn mê sâu hơn. Đến 11/10/2021, phát hiện đồng tử 2 bên không đều nhau, chụp CT cho thấy phù não nặng, ép thân não; chụp MRI não không thấy dấu huyết khối tĩnh mạch nội sọ. Các bác sĩ tích cực điều trị chống phù não, kháng sinh, bù điện giải… nhưng bệnh nhân tử vong sau 5 ngày điều trị. 

Theo BS. Trần Thiện Trường, ca phù não ác tính ở bệnh nhân COVID-19 là biến chứng nặng rất hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao, trong đó y văn thế giới đã ghi nhận tổng số 5 trường hợp. Đối với bệnh nhân hậu COVID-19, bất cứ khi nào có diễn biến thay đổi về tâm thần, nhận thức cần làm CT-scan hay MRI sọ não sớm nhằm phát hiện ngay các dấu hiệu phù não.

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược kiêm Trưởng đơn vị điều trị COVID - BV Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh thông tin về “Hội chứng viêm đa cơ quan liên quan đến trẻ nhiễm COVID-19”. BS. Thế Nguyên dẫn chứng trường hợp bé gái 14 tuổi (ngụ TP. Hồ Chí Minh) nhập viện tại BV Nhi đồng 1 do sốt cao 3 ngày, đau bụng, ghi nhận tổn thương hệ tiêu hóa, da, huyết học và biểu hiện viêm toàn thân.

Theo gia đình, cách đó 1 tháng, cả gia đình bị sốt nhẹ nhưng không xét nghiệm COVID-19. Kết quả xét nghiệm kháng thể bệnh nhân là 4.000 khẳng định bé đã từng nhiễm COVID-19. Sau đó, bệnh nhân được điều trị các triệu chứng trong vòng 10 ngày thì được xuất viện, tuy nhiên vẫn phải tái khám theo dõi các triệu chứng khác.

BS. Thế Nguyên cũng lưu ý sau khi khỏi COVID-19, gia đình cần theo dõi hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ. Từ 2-6 tuần khỏi bệnh, hội chứng này có thể sẽ xuất hiện và trở nặng. Trong thời gian vừa qua, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan. Những trẻ này dễ chuyển nặng và dễ chẩn đoán nhầm vì các triệu chứng thông thường như đau bụng, nôn, ói, sốt, phát ban... Khi trẻ mắc hội chứng này sẽ có nguy cơ bị tổn thương não, rối loạn đông máu, trụy tim, rối loạn tiêu hóa...

"Hội chứng viêm đa cơ quan thường hiếm gặp nhưng nếu xảy ra sẽ xuất hiện sau 2-6 tuần khỏi bệnh và không phân biệt trẻ có bệnh nền hay không. Một số trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng nhưng sau đó vẫn mắc hội chứng này. Nếu điều trị đúng phác đồ từ 7-14 ngày, trẻ sẽ khỏe trở lại", BS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

Theo các bác sĩ, với những bệnh lý nhiễm vi rút khác, sau khi khỏi bệnh là xong. Với COVID-19, virus vẫn tiềm ẩn trong cơ thể. Nghiên cứu đã ghi nhận vi rút SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể khoảng 230 ngày. Do đó, một số trường hợp dù lúc mắc bệnh không có biểu hiện gì, nhưng sau đó lại xuất hiện tình trạng hậu COVID-19 với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, khó thở, tiêu chảy, mất ngủ, hồi hộp, nặng ngực… Do vậy, bệnh nhân hậu COVID-19 cần thăm khám khi có các biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện các triệu chứng bệnh để điều trị.

 

;
.