Tuổi 18 và những sản phẩm hữu ích vì cộng đồng

Thứ Sáu, 10/12/2021, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Đam mê công nghệ nên từ nhỏ, Cao Thọ Hoàng Long (cựu HS lớp 12A2, Trường THPT Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) đã thích nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ đời sống. Long và Dương Hồ Chính Tâm (lớp 11A4, Trường THPT Phú Mỹ) vừa giành giải Nhì ở bảng D3 (bảng sản phẩm sáng tạo khối THPT) Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2021 với sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển”.

Long và Tâm bên sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển”.
Long và Tâm bên sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển”.

Chiếc gậy thần kỳ...

Tin vui đến với Hoàng Long và Chính Tâm vào cuối tháng 11, khi sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” của 2 bạn đã giành giải Nhì ở bảng D3 (bảng sản phẩm sáng tạo khối THPT) không có giải Nhất trong Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2021. 

Hoàng Long chia sẻ, trong những lần đi tình nguyện tại Trường Khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ) để hỗ trợ và giúp đỡ các bạn khiếm thị, Long chứng kiến các bạn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Điều đó đã thôi thúc Long hình thành ý tưởng và chế tạo ra thiết bị có thể giúp người khiếm thị nhận biết được những đồ vật xung quanh, nhận biết người thân và cảnh báo những tác nhân nguy hiểm. Để sáng tạo ra sản phẩm này, Long và Tâm đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Hoàng Long tìm hiểu, nghiên cứu và lập trình sản phẩm trên máy tính. Còn Chính Tâm theo sát quá trình nghiên cứu của Long để chuẩn bị cho bài thuyết trình trước Ban Giám khảo. Ngoài ra, để có được sản phẩm dự thi hoàn thiện, 2 em còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cô giáo hướng dẫn đề tài.

Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” đã hình thành với những tính năng nổi trội và hữu ích, giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc di chuyển và sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm có 3 tính năng nổi bật như: Tương tác trực tiếp với người dùng bằng giọng nói. Người dùng có thể hỏi về thời gian, thời tiết; điều khiển A-walk để phát nhạc, phát tin tức trên báo hay ghi lại những thông tin cần thiết và đặt lịch hẹn; điều khiển bật/tắt các thiết bị như đèn, quạt... Chức năng thứ hai là thông báo SOS, môi trường nguy hiểm. A-walk sẽ nhận diện hình ảnh chướng ngại vật trong phạm vi 1,5m đến 3m hay cảnh báo một số yếu tố môi trường nguy hiểm. Chức năng thứ ba là cảnh báo các mối nguy hiểm khi di chuyển. Với các cảm biến được tích hợp trên sản phẩm, khi có dấu hiệu nguy hiểm, chiếc gậy sẽ phát ra âm thanh, nhắc nhở người dùng những điều nguy hiểm sắp gặp phải như: Phía trước bạn là bề mặt trơn trượt; địa hình gồ ghề, có hố sâu hoặc chướng ngại vật...

Khi người dùng bị té ngã hay va chạm trong khi di chuyển, hệ thống sẽ gửi tin nhắn SMS đến người thân để họ biết và xử lý kịp thời. Thiết bị này cũng được Long và Tâm thay thế điều khiển từ sóng bluetooth bằng điều khiển qua sóng wifi, góp phần khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý. Thiết bị đã được thực nghiệm tại Trường Khiếm thị Hữu Nghị và được các thầy cô trong trường đánh giá cao. Giá thành của chiếc gậy cũng khá “mềm”, khoảng 1 triệu đồng, phù hợp với nhiều đối tượng.

Hoàng Long được trao giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo  và phát triển đô thị 4.0 do Tỉnh Đoàn tổ chức.
Hoàng Long được trao giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và phát triển đô thị 4.0 do Tỉnh Đoàn tổ chức.
Hoàng Long đang là SV năm thứ nhất, ngành CNTT, Trường ĐH Swinburne Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian học trực tuyến, Long cũng đang ấp ủ nhiều dự án sáng tạo công nghệ khác cũng như cải tiến thêm tính năng cho sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” để sớm bán ra thị trường, kịp thời hỗ trợ cho người khiếm thị. Long đang học thêm tiếng Anh để có thể tự tìm hiểu thêm về kiến thức lập trình ở nước ngoài, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích phục vụ mọi người.

 

Đam mê sáng tạo và "ẵm" nhiều giải thưởng

Ông Cao Minh Tú, ba của Long cho biết: Từ nhỏ, Long đã là cậu bé thông minh, thích quan sát và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Năm lớp 7, Long bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT do thị xã và tỉnh tổ chức. Hầu hết em đều đạt giải cao trong các cuộc thi.

Năm nay, ngoài giải Nhì Hội thi Tin học trẻ toàn quốc, Long còn xuất sắc giành giải Nhất và giải Đặc biệt cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và phát triển đô thị 4.0 do Tỉnh Đoàn tổ chức mới đây với ý tưởng B-system “Hệ thống quản lý thùng rác thông minh”. Long chia sẻ: “Các thiết bị được lắp đặt trên thùng rác giúp người quản lý biết được khu nào rác đầy và có kế hoạch di chuyển xe rác đến để xử lý kịp thời, giúp giảm thiểu được thời gian, công sức, chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Ý tưởng của Long sẽ được Tỉnh Đoàn gửi đến các nhà chuyên môn để đưa vào ứng dụng trong thời gian tới.

Nhờ đam mê nghiên cứu, đến nay Cao Thọ Hoàng Long đã có những ý tưởng hữu ích, như: Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas, báo cháy; Ibot-robot hỗ trợ quản lý nhà ở; thiết bị theo dõi nhà yến; Thuyền vớt rác tự động trên sông; Care-bot robot hỗ trợ theo dõi sức khỏe; S-garden thiết bị hỗ trợ dạy học bộ môn trồng cây cho HS...

Cô Mai Thị Công Minh, GV Công nghệ, Trường THPT TX. Phú Mỹ, người hướng dẫn Long và Tâm hoàn thiện sản phẩm “A-walk gậy hỗ trợ cho người khiếm thị khi di chuyển” nhận xét: “Trong thời gian học THPT, Long đã tham gia nhiều cuộc thi, đặc biệt là Hội thi tin học trẻ toàn quốc. Nhiều nghiên cứu của em có tính hữu ích và khả năng ứng dụng thực tiễn cao, có thể phục vụ tốt hơn cho đời sống”.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH - NHUNG HOA

;
.