Những người phụ nữ không cam chịu cái nghèo

Thứ Năm, 09/12/2021, 21:50 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng nghị lực và ý chí vươn lên, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Châu Đức đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, nuôi con trưởng thành và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Những chiếc nón len với nhiều màu sắc bắt mắt được tạo nên từ đôi tay khéo léo của bà Nguyễn Thị Thành  (thôn 5, xã Bình Trung) .
Những chiếc nón len với nhiều màu sắc bắt mắt được tạo nên từ đôi tay khéo léo của bà Nguyễn Thị Thành (thôn 5, xã Bình Trung) .

Bà Nguyễn Thị Thành (thôn 5, xã Bình Trung) là một tấm gương điển hình vượt khó tại địa phương. Chồng mất sớm, mình bà gồng gánh nuôi 11 người con ăn học. Hàng ngày, bà thức dậy từ 4 giờ 30 sáng, căng tấm bạt ven đường bán cà phê và vài món ăn vặt cho khách qua đường. Thời gian rảnh, bà đan nón len, bao tay trẻ em để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, bà còn nhận đan mành rèm cửa, khăn trải bàn cho bà con trong vùng. “Nhiều lúc tôi cũng thấy tủi thân vì quá cực khổ, nhưng nghĩ đến con và được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chị em phụ nữ xã, tôi lại có thêm động lực để cố gắng vượt qua”, bà Thành tâm sự.

Theo bà Thành, để đan 1 chiếc nón len phải mất 1-2 ngày. Sau đó, bà Thành mang ra chợ Bình Trung ngồi bán hoặc đan theo đơn đặt hàng của khách, với giá bán từ 50-100 ngàn đồng/chiếc. Số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, bà Thành dùng trang trải cuộc sống và để dành tiết kiệm phòng lúc ốm đau.

Năm 1998, bà Thành được Hội LHPN xã Bình Trung tín chấp cho vay 2 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với số tiền tiết kiệm được, bà mua heo nái về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đàn heo sinh sản đều đặn. Hiện nay, mỗi năm bà xuất chuồng 3 lứa heo, thu về hàng trăm triệu đồng. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế gia đình, bà Thành đã sửa sang được căn nhà, mua thêm 1,1ha đất trồng tiêu, đầu tư chuồng trại. 

Đến thôn Tam Long (xã Kim Long), hỏi thăm về chị Lý Thị Thùy Linh, bà con ai nấy đều cảm phục và tấm tắc khen ngợi người phụ nữ cần cù, chăm chỉ này. Vóc dáng nhỏ nhắn, làn da đen sạm vì phải một mình tần tảo nuôi con và những ngày dầm mưa dãi nắng làm lụng, chị Linh vui vẻ mời khách vào nhà. Chị Linh cho biết, hồi mới cưới nhau, vợ chồng chị chọn gánh hàng rong làm kế sinh nhai. Mỗi ngày anh chị dậy từ 4 giờ sáng, gánh hàng đi khắp xã bán đến chiều tối mới về nhà nhưng thu nhập thấp và bấp bênh. Gia đình thường xuyên lâm cảnh thiếu trước hụt sau.

Năm 2017, chị Linh được Hội LHPN xã Kim Long tín chấp cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Chị cũng chọn nghề nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. 

Dưới đôi tay khéo léo và sự chăm chỉ của anh chị, đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm chị xuất chuồng 3 lứa heo, sau khi trừ chi phí, thu về hơn 100 triệu đồng. Có lãi, anh chị trả hết khoản vay, sửa lại căn nhà khang trang, sạch sẽ hơn, đầu tư chuồng trại mua thêm heo về nuôi và lo cho con ăn học. Không phụ lòng mẹ, con gái chị Linh rất chăm ngoan, học giỏi, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2021, chị mua thêm 20 con nhím về nuôi, dự tính khoảng 5 tháng nữa đàn nhím xuất chuồng, chị lại có thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, trong khuôn viên đất rộng 1.000m2 vừa là nơi ở và chăn nuôi heo, chị Linh trồng thêm mít, chuối, đu đủ làm thức ăn cho heo, nhím.

Cùng xuất phát điểm khó khăn như chị Linh, chị Nguyễn Hồng Thủy (thôn Tân Long, xã Kim Long) đã vượt khó, chủ động làm kinh tế từ việc chăn nuôi gà. Chị Thủy kể, trước đây chị làm công nhân cho một công ty sản xuất bông tại địa phương, chồng làm bảo vệ, nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Năm 2018, chị xin nghỉ việc để có thời gian chăm sóc gia đình và lo cho các con. Được Hội LHPN xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh để phát triển kinh tế, chị Thủy mạnh dạn mua 500 con gà ta về nuôi và đầu tư chuồng trại kiên cố.

Chị tự học tập, tham khảo, nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi gà; theo dõi quá trình ăn, uống, phát triển của gà. Nhờ vậy, đàn gà phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, được thương lái vào tận nhà mua. Phát huy thành quả bước đầu từ việc chăn nuôi đem lại, chị Thủy tiếp tục đầu tư nuôi vịt xiêm. Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, chị thu về hơn 100 triệu đồng. Gia đình chị đã có tiền trang trải cuộc sống, sửa chữa nhà khang trang hơn. 

Bà Tạ Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Long cho biết, thời gian qua, Hội LHPN xã tập trung đẩy mạnh công tác phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em bằng nhiều hình thức như: giúp nhau cây, con giống, tiền mặt, ngày công lao động, vay vốn phát triển sản xuất, tập huấn chăm sóc cây trồng, vật nuôi…

Bằng nghị lực của bản thân, những phụ nữ như: chị Thành, chị Linh, chị Thủy đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó của hội viên phụ nữ trong xã, xứng đáng là tấm gương sáng, là những bông hoa đẹp tỏa hương giữa đời thường.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.