Ngay từ khi thành lập tỉnh, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, BR-VT đã đầu tư cho hệ thống sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Từ 5% người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch, đến nay 83,9% người dân BR-VT đã được dùng nước máy, 100% người dân đã được tiếp cận nước hợp vệ sinh.
Kỳ 1: Hành trình đưa nước sạch về nông thôn
BR-VT luôn coi vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chị Phan Thị Mỹ Lan (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) sử dụng nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. |
Từ những công trình đầu tiên
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, ngay từ khi thành lập tỉnh, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế BR-VT cũng rất quan tâm đến việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Có thể chia hành trình đưa nước sạch về vùng nông thôn làm 3 giai đoạn. Từ năm 1991-2000, giai đoạn này Trung tâm chủ yếu thực hiện các công trình tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), với mục tiêu hỗ trợ người dân vùng nông thôn lắp đặt các giếng đào, giếng khoan tay. Năm 1995, bước đầu Trung tâm đã xây dựng 15 trạm cấp nước nhưng quy mô nhỏ (công suất từ 150-900m3/ngày đêm) với tổng công suất hơn 7.000m3/ngày đêm, chỉ sản xuất, cung cấp được tối đa 1,1 triệu m3 nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 5% người dân nông thôn.
Theo ông Trí, mặc dù thời điểm đó, năng lực cấp nước còn khiêm tốn, nhưng giai đoạn này bước đầu đặt nền móng quan trọng cho lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, tạo tiền đề và cơ sở để phát triển quy hoạch, chương trình nước sạch nông thôn cho các giai đoạn tiếp theo. Với phương châm mỗi xã - một nhà máy cấp nước, giai đoạn 2001-2010, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu 100% các xã có nước máy đáp ứng các tiêu chí về quy chuẩn nước sạch quốc gia, giảm bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Từ đó, trung tâm đầu tư xây dựng mới 2 nhà máy nước mặt và 15 nhà máy nước ngầm, nâng công suất cấp nước lên 16.580m3/ngày đêm. Lúc đó, tổng số tuyến ống mà trung tâm quản lý, vận hành là 1.091km bước đầu tạo thành mạng cấp nước liên vùng, có khả năng điều tiết bổ sung nguồn nước giữa các khu vực. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tăng 34,2% (từ 5% lên 39,2%).
100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
Bà Mai Thị Hồng Điệp (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, gần 10 năm nay, nước máy đã vào tận nhà, gia đình bà Điệp sẵn sàng đấu nối với đường ống cấp nước để được cung cấp nước sạch phục vụ cả ăn uống, tắm giặt. “Hơn nửa đời người phải sử dụng nước giếng khoan. Giờ đây có nước máy, cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Nước dùng thoải mái, chứ không như hồi trước, đến mùa khô là thiếu nước”, bà Điệp nói.
Bà Điệp chỉ là một trong số hàng trăm ngàn hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch. Niềm vui đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Những năm gần đây, nước sạch nông thôn cũng nằm trong khung tiêu chí để xét điểm xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí không phải để bình xét theo phong trào mà hơn ai hết người được thụ hưởng chính là người dân vùng nông thôn.
Được biết, BR-VT là một trong ít địa phương được Chính phủ và các tổ chức nước ngoài đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình cấp nước sạch nông thôn. Các công trình cấp nước nông thôn được xây dựng trên địa bàn tỉnh không những phát huy được hiệu quả xã hội tốt mà còn có khả năng tái đầu tư để mở rộng và phát triển. Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 102.071/121.330 hộ được sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 83,9%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; doanh thu 138 tỷ đồng trong năm 2021.
Để có được kết quả trên, BR-VT đã trải qua hàng chục năm xây dựng cơ sở cấp nước sạch nông thôn. Đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011-2020, với sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của tỉnh, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc và thay đổi nhanh chóng, kéo theo đó nhu cầu về nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân cũng rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cấp nước sạch nông thôn được xác định là một chương trình quốc gia, mang tính xã hội cao. Tuy nhiên, nếu không tính đến yếu tố kinh doanh lâu dài sẽ không có vốn tái đầu tư và bảo dưỡng công trình. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng các công trình cấp nước nông thôn, tỉnh chủ trương đầu tư hiện đại, nước sản xuất phải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hiện nay, nước sinh hoạt do các nhà máy nước nông thôn sản xuất có chất lượng không thua kém nước do các DN sản xuất phục vụ khu vực thành thị.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Theo Phòng Quản lý nước và khí tượng thủy văn (Sở TN-MT), tỉnh BR-VT hiện có 30 hồ chứa nước quy mô trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Tổng lượng nước được tích trữ trong các hồ đập là 308,2 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích khoảng 276,06 triệu m3. Nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 chứa nước: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha (không tính huyện Côn Đảo). Trong đó, hồ chứa nước Đá Đen và hồ Sông Ray là nguồn cung cấp chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
|