Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn khác nhau, BR-VT luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm lo đời sống người có công (NCC) với cách mạng bằng nhiều chính sách cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống NCC, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước được nâng cao.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Năm, thân nhân ông Đỗ Anh Minh là lão thành cách mạng (phường 9, TP.Vũng Tàu). |
Chăm lo cho người có công
Điểm nổi bật trước hết phải kể tới phong trao phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). BR-VT có 1.126 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu bà Mẹ VNAH, trong đó có 22 Mẹ còn sống. Tri ân công lao to lớn của các Mẹ, 100% Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị, DN nhận phụng dưỡng suốt đời với mức từ 1-2 triệu đồng/mẹ/tháng. Với Mẹ có hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa, ngoài chính sách chung, tỉnh còn hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng. Đối với Mẹ có con trai độc nhất hy sinh, tỉnh trợ cấp tiền thuê người nuôi dưỡng, chăm sóc Mẹ.
Vào ngày lễ, tết, hàng năm, ngôi nhà của Mẹ VNAH La Thị Biên (thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đều đón các đoàn khách đến thăm. Mẹ La Thị Biên nói trong niềm vui: “Mỗi lần các con tới thăm, quây quần chuyện trò, hỏi han sức khỏe, động viên tinh thần, mẹ vui lắm. Các con luôn nhớ, dành tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc cho mình là mẹ mãn nguyện rồi”. Mẹ La Thị Biên từng làm giao liên phục vụ chiến trường. Người con trai độc nhất La Văn Thái của mẹ hy sinh khi mới 20 tuổi. Mẹ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH năm 2015. Để tri ân công lao ton lớn của mẹ, ngoài chế độ, chính sách dành cho Mẹ VNAH, tỉnh đã xây tặng Mẹ ngôi nhà tình nghĩa. Công ty CP Cao su Bà Rịa nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời với số tiền 1 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho NCC với cách mạng và thân nhân. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn tất chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC, gia đình chính sách và điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng mở rộng sang đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ…
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 1991 đến nay, có 1.628 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng với tổng giá trị gần 24 tỷ đồng tặng cho NCC, gia đình chính sách; 5.035 ngôi nhà được nâng cấp, sửa chữa với tổng số tiền hơn 39 tỷ đồng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh vận động được khoảng 9 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NCC, gia đình chính sách. Chưa kể, 233 căn nhà tình nghĩa được xây mới và 1.939 căn nhà được sửa chữa với tổng số tiền hơn 48 tỷ đồng theo các gói hỗ trợ khác nhau. |
Hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới và sửa chữa đã giúp gia đình chính sách, NCC thỏa mong ước “an cư”. Chồng bà Nguyễn Thị Chín (ấp Tây, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) là người hoạt động kháng chiến. Căn nhà cũ xây dựng nhiều năm trước đã xuống cấp trầm trọng nhưng ông bà không có điều kiện để sửa chữa hay xây mới. Năm 2020, ông bà đã được địa phương xây tặng ngôi nhà tình nghĩa. Trong ngôi nhà mới khang trang, bà Chín xúc động chia sẻ: “Đây là ngôi nhà chúng tôi mơ ước bấy lâu nay. Sự quan tâm của chính quyền địa phương khiến chúng tôi rất cảm động”.
Với quyết tâm không để gia đình chính sách, NCC nằm trong diện hộ nghèo, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã có những hoạt động thiết thực để nâng cao đời sống cho các đối tượng này. Trong đó, chính sách hỗ trợ NCC vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế đã mang lại nhiều kết quả. Đồng thời, BR-VT còn tập trung đẩy nhanh công tác rà soát, xác nhận NCC trên địa bàn. Đến nay, công tác giải quyết hồ sơ NCC trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất và bảo đảm NCC được hưởng đủ và đúng chế độ. Từ năm 1991 đến nay, khoảng 90.000 lượt NCC đã được xét duyệt hưởng chế độ, khoảng 70.000 lượt NCC được hưởng trợ cấp một lần. Với những NCC lớn tuổi, đi lại khó khăn, cán bộ chính sách xã, phường, thị trấn đến tận nhà trao tiền chế độ hàng tháng.
Phong trào nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng, xã hội. |
Nâng cao đời sống người có công
BR-VT có gần 40.000 gia đình và cá nhân thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi NCC, trong đó có hơn 7.000 người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, hàng năm, BR-VT còn trích kinh phí chăm lo NCC với cách mạng và thân nhân, điển hình như: Trợ cấp tiền, tặng quà vào các dịp lễ, Tết; xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước; trợ cấp khó khăn, ốm đau, bệnh tật nặng, trợ cấp ưu đãi giáo dục với con em là HS-SV; đưa NCC đi điều dưỡng...
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, ngoài các chính sách chung theo quy định của Nhà nước, BR-VT còn ban hành nhiều chính sách riêng nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần NCC. Các chính sách điển hình như hỗ trợ NCC vay vốn; hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ 100% tiền học nghề cho con thương binh, liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ; miễn giảm tiền sử dụng đất; tặng sổ tiết kiệm; cấp thẻ BHYT… đã tạo điều kiện và góp phần giúp gia đình chính sách, NCC thay đổi cuộc sống.
Vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, NCC. Đồng thời, tổ chức viếng các đền thờ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Đây là nét đẹp riêng của BR-VT trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Và đây cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và người dân BR-VT ôn lại truyền thống, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
BR-VT đã miễn giảm tiền sử dụng đất cho khoảng 1.569 đối tượng NCC với tổng số tiền khoảng 202,7 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 7 tượng đài liệt sĩ, 18 bia ghi công liệt sĩ, 35 đền thờ liệt sĩ, 4 nghĩa trang liệt sĩ đều đã được chỉnh trang, tôn tạo; Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh được UBND tỉnh đầu tư, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 157 tỷ đồng và vừa làm lễ hoàn thành ngày 16/12/2021.
|
Ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm, để làm tốt công tác chăm sóc NCC, ngoài nguồn ngân sách Trung ương, các địa phương trong tỉnh còn huy động mọi nguồn lực xã hội. Tiêu biểu phải kể đến phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Với lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCC đã trở thành việc làm thường xuyên, được lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của NCC trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Hiện nay, 100% gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN