Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Với nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, Hội Nông dân huyện Long Điền được Hội Nông dân tỉnh đánh giá là điểm sáng trong các hoạt động phong trào thi đua của nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền chuẩn bị hoa lan bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |
Gia đình ông Trần Thơm (SN 1967, ở ấp Phước Trung, xã Tam Phước) là một trong những điển hình về phát triển kinh tế, thoát nghèo tại địa phương.
Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, gia đình ông được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vợ chồng ông tận dụng thức ăn từ rau, lá trong vườn và xin rơm rạ về cho bò ăn. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò của gia đình ông Thơm ngày một phát triển. Mỗi năm, ông Thơm xuất bán 2-4 con bê để tái đầu tư và trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện nay, đàn bò của gia đình ông Thơm có 11 con, trong đó có 4 con bò sinh sản. Nhờ mô hình kinh tế này, ông Thơm đã trả được vốn vay, đồng thời xây được căn nhà khang trang.
Tương tự, nông dân Phạm Văn Hiền (SN 1959, ở ấp An Đồng, xã An Nhứt) đang sở hữu vườn lan có nhiều giống quý, hiếm như giả hạt, ngọc điểm… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với diện tích 2.500m2, ông Hiền đang có trên 3.000 giò lan các loại. Trong đó, có hơn 20 chậu lan ngọc điểm (khoảng 15 cây/chậu) được kết trên gỗ lũa cổ thụ tự nhiên rất đẹp, trị giá từ 20-50 triệu đồng/chậu. Ông Hiền cho biết, việc kết lan rừng vào gỗ lũa cổ thụ không chỉ làm tăng thêm giá trị của lan mà tuổi thọ của các loài lan cũng lâu hơn các loại gỗ khác như nhãn, mít… Để tạo điều kiện và sân chơi trao đổi, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc lan cho những người trồng, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng lan xã An Nhứt.
Tổ hội nghề nghiệp trồng lan xã An Nhứt có 22 thành viên, hiện đang chăm sóc 3ha hoa lan. Hoa lan của Tổ được thương lái tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ưa chuộng vì đẹp, thơm và lâu tàn. “Các hộ thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp đang chuẩn bị hơn 5.000 giò lan để bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, gia đình tôi dự kiến phục vụ hơn 1.000 giò. Với giá bán dự kiến từ 120-200 ngàn đồng/giò (tùy loại), vụ Tết là vụ thu hoạch chính trong năm của những người trồng lan”, ông Hiền cho biết thêm.
Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền cho biết, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã và đang triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Sản xuất lúa VietGAP, trồng hoa lan (xã An Nhứt); chăn nuôi vịt (xã Tam Phước), khai thác hải sản ven bờ (TT. Long Hải), sản xuất bánh tráng, nuôi gà ta (xã An Ngãi)… Không chỉ chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con, thông qua các mô hình, Hội Nông dân các cấp còn giúp cho nhiều hộ nông dân vay vốn, hỗ trợ cây-con giống để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2021, các cấp Hội đã thành lập 1 HTX ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh (TT. Long Điền); phát triển 14 Tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 15 HTX, 59 Tổ hội nghề nghiệp/hơn 850 thành viên. Các HTX, Tổ hội đã liên kết tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tham gia phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, các hội viên đã đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Long Điền tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội cơ sở; đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội cũng tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; quản lý tốt các nguồn vốn vay; tuyên truyền hội viên chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Mai Minh Quang chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân huyện Long Điền năm 2021.
Bài, ảnh: TẤN LẬP