Gương sáng thanh niên khởi nghiệp

Thứ Hai, 20/12/2021, 23:47 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, các mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa huyện Châu Đức đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, truyền cảm hứng cho lực lượng trẻ xung kích, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Các thành viên tham gia CLB trồng lan ngọc điểm của xã Láng Lớn tại lễ ra mắt.
Các thành viên tham gia CLB trồng lan ngọc điểm của xã Láng Lớn tại lễ ra mắt.

Năm 2015, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, chàng thanh niên Phạm Ngọc Thương (thôn Phước Trung, xã Đá Bạc) luôn trăn trở làm thế nào để thoát được cái nghèo. Tìm hiểu qua các kênh thông tin, anh tới trang trại nuôi thỏ New Zealand tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thỏ và tìm mua giống về nuôi.

Nghĩ là làm, đầu năm 2020, từ nguồn vốn vay mượn và số tiền dành dụm được, anh Thương quyết định xây dựng chuồng trại nuôi 1 thỏ đực và 10 thỏ sinh sản giống New Zealand lai. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, thỏ bị bệnh chết nhiều. Không nản lòng, sau khi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, anh mua thêm thỏ giống. Rút kinh nghiệm từ lần trước, trong quá trình nuôi, anh tìm hiểu qua sách báo, học hỏi thêm ở những mô hình đã thành công để tích lũy kinh nghiệm. Nhờ đó đàn thỏ của anh phát triển tốt, lên gần 100 con, trong đó khoảng 20 thỏ sinh sản, mỗi năm đẻ từ 6-7 lứa. Sau khoảng 4 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,2 - 2,5kg là có thể xuất bán. Với mức giá bán khoảng 65 - 70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân 2 tháng/lứa, anh Thương thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Thu nhập dần cản thiện, cuộc sống của anh ổn định hơn. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, anh Thương còn thường xuyên tham gia các phong trào của tổ chức đoàn cũng như của địa phương.

Tương tự, chị Lý Thị Thanh Phương (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) cũng là một tấm gương trong mạnh dạn khởi nghiệp. Trên diện tích 6.500m2 đất rẫy trồng tiêu xen cà phê cho thu nhập bấp bênh, chị bàn với chồng mạnh dạn chặt bỏ, chuyển sang trồng bắp. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ thu về hơn 20 triệu đồng từ 2 vụ bắp, không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Chị Phương tìm hiểu giống bơ sáp 034 quả dài, hạt nhỏ, lớp vỏ bên ngoài xanh bóng, mượt mà đẹp mắt đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, giống bơ này phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Vì vậy, khi được Tỉnh đoàn hỗ trợ nguồn vốn 5 triệu đồng từ mô hình “Vườn cây sinh kế”, chị Thanh bèn cải tạo đất, mua 100 cây bơ giống về trồng xen canh vào vườn bắp. “Những cây bơ giống được gia đình tôi trồng và chăm chút kỹ lưỡng. Khoảng 3 năm cây sẽ ra hoa, bói quả. Hiện bước đầu đã có tín hiệu tốt”, chị Thanh nói.

Bơ giống được Tỉnh đoàn hỗ trợ từ mô hình “Vườn cây sinh kế” được chị Lý Thị Thanh Phương (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) trồng và tích cực chăm sóc.
Bơ giống được Tỉnh đoàn hỗ trợ từ mô hình “Vườn cây sinh kế” được chị Lý Thị Thanh Phương (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) trồng và tích cực chăm sóc.

Anh Nguyễn Cảnh Hoài, Phó Bí thư Đoàn xã Láng Lớn với mô hình trồng lan Ngọc Điểm vừa qua được lựa chọn trong Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên tỉnh BR-VT” do Tỉnh đoàn tổ chức. Anh Hoài cho biết, vốn có niềm yêu thích trồng lan, anh đã cùng một số thanh niên tại địa phương thành lập CLB trồng lan Ngọc Điểm. Trên diện tích 2.000m2, anh Hoài nhập lan ngọc điểm Thái về trồng. Ban đầu do chưa quen giống, nguồn nước, phân bón, lan phát triển chậm, không đẹp mắt. Không nản chí, anh tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và qua các hội, nhóm trồng lan để rút kinh nghiệm. Anh cho biết: “Hoa lan có thể mua cây nhỏ về trồng được khoảng 2 năm. Tuy nhiên tôi chọn mua cây lớn về chăm sóc, bán ra thị trường giá trị kinh tế cao hơn”. Đến nay vườn lan mang lại thu nhập từ 50-100 triệu đồng/tháng, các thành viên trong CLB nhờ vậy mà có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lê Thiên Quang, Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Đức cho biết, thời gian qua, nhằm cổ vũ, khuyến khích, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp thanh niên có cơ hội học hỏi, trang bị kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp, Ban Thường vụ Huyện Đoàn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời phối hợp thực hiện hiệu quả giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần lập thân, lập nghiệp trong đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đồng thời, tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết việc làm, hỗ trợ cho 716 hộ thanh niên vay với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng. Qua triển khai thực hiện, nhiều đoàn viên, thanh niên của huyện đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư khởi nghiệp có hiệu quả, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.