* Bảo vệ đê điều, hồ đập, trước mùa mưa bão
Chiều 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về công tác ứng phó với bão RAI đang đổ bộ và Biển Đông.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND chủ trì tại điểm cầu BR-VT.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 16/12, bão RAI mạnh lên và đi vào đất liền, đổ bộ vào miền Nam Philippines với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17. Sáng 18/12, bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 200km về phía Đông, sức gió cấp 13-14, giật trên cấp 17. Dự kiến, 7h ngày 19/12, tâm bão cách biển Bình Định - Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông, sức gió cấp 13, giật cấp 16. Đến 20/12, tâm bão cách Đà Nẵng - Bình Định 150km, sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Tính đến ngày 17/12, cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm gần 45.000 tàu thuyền tại các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Trong đó, đã di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm, neo đậu tại bến 44.642 tàu. Hiện còn 273 tàu/2.031 người đang hoạt động trên khu vực Biển Đông và Quần đảo Trường Sa. Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến sẽ sơ tán, bảo đảm an toàn cho trên 51 ngàn hộ dân, 238.345 người.
Tại BR-VT, 2.281 tàu cá đã vào bờ neo đậu với 9.124 lao động và còn khoảng 2.174 tàu cá, 8.696 lao động chưa vào bờ. Qua rà soát, toàn tỉnh có 12 địa điểm xung yếu tập trung tại ven biển huyện Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu. Một số công trình trọng điểm đang thi công, sửa chữa, địa phương đã yêu cầu các đơn vị thi công lên phương án ứng phó.
Triển khai công điện khẩn số 1737/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão RAI trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các tuyến đê biển, cửa sông, đặc biệt là đối với các khu vực đang thi công, khu vực nguy cơ sạt lở. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi trên sông, trên biển vào nơi an toàn. Rà soát các khu vực xung yếu trên đất liền để có kế hoạch sơ tán, di dời dân khi bão đổ bộ...
* Sáng 17/12, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc chủ trì hội nghị trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và BR-VT.
Báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh BR-VT năm 2021, ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 3 đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Một số khu vực có mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-45%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 công trình thủy lợi, tổng dung tích trữ của các hồ chứa theo thiết kế là 316,31 triệu m3.
Để chủ động và bảo đảm tốt các đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, hằng năm trước mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với chủ công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan kiểm tra thực địa, đánh giá công tác quản lý, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; đánh giá hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê.
Về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phụ hậu quả thiên tai, các ngành chức năng cũng nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 82 xã, phường, thị trấn và các sở, ban, ngành đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị và phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, đã xây dựng, củng cố hoạt động đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tại 82/82 xã phường thị trấn với 6.775 thành viên mà lực lượng nồng cốt là dân quân, thanh niên địa phương.
Ngoài ra, từ năm 2020-2021, tỉnh đã triển khai 3 đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực phòng, chống thiên tai: Dự án thí điểm ứng dụng xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phòng chống sét tại bãi biển TP. Vũng Tàu; Dự án thí điểm ứng dụng công nghệ cảnh báo, phát hiện sớm ao xoáy/dòng Rip tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu và Dự án thí điểm ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh.
HỒNG PHÚC