Các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà sẽ được nhân viên y tế của trạm y tế lưu động (TYTLĐ) cấp xã cấp một túi thuốc để tự sử dụng. Túi thuốc này được cấp cho F0 dựa vào tình trạng, biểu hiện bệnh của từng người. Theo khuyến cáo, F0 cần tuân thủ sử dụng thuốc theo đơn của nhân viên y tế đã cấp, không nên tự ý mua các toa thuốc bên ngoài để điều trị COVID-19 tại nhà.
Nhân viên y tế TYTLĐ xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đến nhà phát thuốc điều trị cho F0. |
Nguy hiểm khi dùng thuốc không đúng
Các F0 đang điều trị tại nhà thường không có triệu chứng bệnh, hoặc các có những biểu hiện như sốt, đau đầu, sổ mũi, đau họng… nhưng ở mức rất nhẹ. Sau khi nhân viên y tế khám sàng lọc, F0 sẽ được phát một số loại thuốc có công dụng hạ sốt, giảm đau, trị hắt hơi, sổ mũi, bổ sung vitamin, khoáng chất. Bên cạnh, các loại thuốc này, có nhiều F0 sẽ được phát thêm thuốc kháng vi rút Molnupiravir 200mg.
Phần lớn F0 đều tuân thủ sử dụng liều lượng, thời gian đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế TYTLĐ. Song vẫn có trường hợp không sử dụng thuốc đã được cấp, hoặc có sự chậm trễ nên F0 chưa được cấp thuốc. Vì vậy, những F0 này tự tìm mua những toa thuốc để điều trị COVID-19 tại nhà. “Tôi có kết quả xác định nhiễm COVID-19 cách đây 3 ngày, nhưng tôi chưa được nhân viên y tế cấp thuốc. Do vậy, tôi nhờ người quen làm bác sĩ kê toa thuốc để uống tại nhà. Sức khỏe của tôi vẫn bình thường”, một F0 đang điều trị tại nhà cho biết. Có thể đây không phải là trường hợp cá biệt, khi hiện nay số ca F0 điều trị tại nhà ngày càng nhiều.
Bác sĩ Phan Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, Ban điều trị COVID-19 tỉnh cho biết, nhân viên y tế của các TYTLĐ sẽ giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình sử dụng thuốc của các F0 điều trị tại nhà. Trong gói thuốc dành cho F0 tại nhà thì tùy theo mức độ bệnh sẽ được cấp thuốc kháng vi rút cùng thuốc tăng cường sức khỏe (các vitamin, các thực phẩm tính chất hỗ trợ, kẽm…). Trước diễn biến phức tạp, nhiều người dân vì quá lo lắng nên hay tìm đến và truyền tai nhau những thông tin về các toa thuốc được cho là đã có người sử dụng hiệu quả. Người dân đặt niềm tin vào toa thuốc đó nhưng không biết trong đó có những loại thuốc gì.
Bác sĩ Thành cho rằng, toa thuốc có ghi rõ ràng từng loại thì sử dụng không có ảnh hưởng. Nhưng trong một số toa thuốc đang rao bán trên mạng có cả thuốc kháng đông và kháng viêm, và thậm chí có thuốc kháng vi rút mà không rõ nguồn gốc. Người dùng sử dụng kháng viêm sai mục đích, quá liều hay không biết thông tin chống chỉ định thì rất nguy hiểm. Ví dụ, bệnh nhân đang bị loét dạ dày tá tràng, đã từng bị xuất huyết tiêu hóa mà dùng thuốc kháng đông không có sự kiểm soát của nhân viên y tế có thể dẫn đến bị rối loạn đông máu, làm biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Thuốc kháng viêm nhóm Corticoid dùng trong điều trị những F0 bắt đầu có những triệu chứng về hô hấp, suy hô hấp ở mức độ nhẹ. Nhưng tự ý sử dụng, không theo hướng dẫn thì nguy hiểm nhất cho bệnh nhân đái tháo đường. Nếu bệnh nhân sử dụng Corticoid mà không có kiểm soát sẽ làm đường huyết tăng cao, dẫn đến diễn biến bệnh nặng thêm.
F0 tại nhà có cấp thuốc kháng vi rút
Hiện nay đối với các F0 đang điều trị tại nhà, Sở Y tế có danh mục túi thuốc chung. Trong đó người lớn có 3 loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh và bổ sung Vitamin, dùng trong 7 ngày và 1 loại thuốc kháng vi rút Molnupiravir 200 hoặc 400mg, dùng 5 ngày; Trẻ em có 2 loại dùng để điều trị triệu chứng bệnh trong 7 ngày. Khi cấp cho F0, các nhân viên y tế đều hướng dẫn cách sử dụng và liều lượng cụ thể. Trong đó, Sở Y tế lưu ý việc sử dụng kháng vi rút Molnupiravir cho F0 tại nhà. Bởi thuốc này đang ở giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế, chưa được cấp phép lưu hành.
Tiêu chuẩn F0 được tham gia chương trình là có kết quả RT-PCR với CT dưới 30 hoặc xét nghiệm nhanh dương tính, lâm sàng đánh giá là thể nhẹ (không có triệu chứng hoặc có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính, không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy), thỏa mãn các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ sẽ hợp lệ tham gia chương trình; Bệnh nhân từ 18-65 tuổi; Chấp thuận tham gia chương trình bằng văn bản. Thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ có thai, hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú. Trước khi cấp thuốc Molnupiravir, TYTLĐ thực hiện khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án cho các F0 đồng ý tham gia; Trực tiếp cấp đủ thuốc cho F0 và hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc và ghi nhận các biến cố bất lợi nếu có trong vòng 14 ngày, thu hồi thuốc bệnh nhân không sử dụng hết; Đồng thời thực hiện sơ cấp cứu, chuyển tuyến điều trị kịp thời các trường hợp bệnh nặng đến Bệnh viện, TTYT để được cứu chữa kịp thời. TYTLĐ cấp cho mỗi F0 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày).
Theo các TYTLĐ trên địa bàn tỉnh, căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế về điều trị cho F0 tại nhà, thì không phải bệnh nhân nào cũng được cấp thuốc kháng vi rút Molnupiravir. Những F0 đang sử dụng các loại thuốc, trong đó có thuốc kháng vi rút đều được theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời xử lý các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM