Trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 12/11/2021, 17:18 [GMT+7]
In bài này
.

“Nhờ Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế mà nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định chứ không vất vả như trước”, lời chia sẻ của chị Phan Thị Kim Điệp, hội viên Hội LHPN xã Tân Hưng (TP. Bà Rịa) cũng là câu chuyện phát triển kinh tế gia đình của nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh. 

Hội LHPN xã đã hỗ trợ vốn để chị Phan Thị Kim Điệp (tổ 8, ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, chị Điệp làm công nhân nhưng đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2002, thông qua Hội LHPN xã tín chấp, chị được vay 25 triệu đồng để làm ăn. Từ số vốn này, chị chăn nuôi chim cút, cho thu nhập ổn định và dần dần chị trả hết nợ. Năm 2009, Hội LHPN xã tiếp tục tín chấp cho chị vay 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ 3.000 con, chị phát triển đàn chim cút lên 8.000 con, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Chị Điệp hồ hởi nói: “Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN mà tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi chim cút không mất nhiều thời gian, công sức mà thu nhập ổn định. Nhờ vậy, tôi có nhiều thời gian rảnh để tham gia công tác xã hội”. Với vai trò là tổ trưởng chi hội phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ dân cư số 8, ấp Phước Tân 2, chị Điệp luôn năng nổ, nhiệt tình vì cộng đồng.  

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Lộc (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trước đây kinh tế không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ. Một năm, chị Lộc chỉ trông chờ vào số tiền thu hoạch 1 - 2 vụ tiêu. Sau đó, chị Lộc chuyển sang nuôi heo thịt nhưng không thành công do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi. Được Hội LHPN tuyên truyền, vận động, chị Lộc tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi do hội LHPN xã phối hợp tổ chức. Nhờ vậy, chị Lộc có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Năm 2016, Hội LNPN xã Bình Giã còn hỗ trợ tín chấp giúp chị Lộc vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Có vốn, chị Lộc đã xây chuồng, mua bò về nuôi. Nhờ cần cù chịu khó, nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò phát triển nhanh, mang lại thu nhập cao. Mỗi năm, chị Lộc thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ việc bán bò thịt. “Lúc đầu, tôi nuôi 2 con, từ từ lấy lời bù đắp vô vốn rồi mua thêm nhiều con bò nữa. Nhờ chăn nuôi ổn định nên thu nhập của gia đình tôi cũng đầy đủ hơn, có phần dư dả để chi phí cho cuộc sống”, chị Lộc cho biết.

Chị Điệp, chị Lộc là hai trong số hàng ngàn phụ nữ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ Hội LHPN các cấp để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình, xã hội. Đặc biệt, thông qua việc hỗ trợ vay vốn từ Hội LHPN các cấp, nhiều hội viên phụ nữ đã được tiếp thêm sức, động lực để vươn lên trong cuộc sống. Nhiều chị đã phát triển kinh tế, xây được nhà, nuôi con ăn học trưởng thành. Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp được các cấp Hội linh động sáng tạo. Qua đó, phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ gắn với các mô hình sinh kế, tạo việc làm tại chỗ. Điển hình như thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã chủ động đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đơn vị hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: Hỗ trợ vay vốn; tổ chức cho chị em tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp nhằm tạo kênh kết nối, giới thiệu sản phẩm ra thị trường… Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 602 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, với kinh phí hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng theo Đề án 939.

CẨM NHUNG

;
.