.

Những năm tháng không quên

Cập nhật: 20:53, 19/11/2021 (GMT+7)

Trường chuyên Lê Quý Đôn thành lập năm 1991. Hai năm sau, từ TP. Vinh, tôi đặt chân vào BR-VT và trở thành thế hệ giáo viên đầu tiên của trường rồi gắn bó với ngôi trường này gần 25 năm. Mới đó mà mái trường tôi yêu đã tròn 30 tuổi. Bao kỷ niệm buồn vui nhưng đó là những năm tháng đáng sống nhất, ý nghĩa nhất.

Cô Trần Thị Khánh Toàn và những năm tháng gắn bó với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. (Ảnh tư liệu)
Cô Trần Thị Khánh Toàn và những năm tháng gắn bó với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. (Ảnh tư liệu)

Nhớ về Trường chuyên Lê Quý Đôn, ấn tượng của tôi là một tập thể đầy nhiệt huyết và tài năng. Từ những ngày đầu thành lập, hội đồng sư phạm chỉ có mấy chục người, vậy mà gắn bó, gần gũi, yêu thương. Ngày ấy chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc bởi nhiều yêu cầu, quy định chuyên môn khắt khe. Từ các hội thi, hội diễn văn nghệ, hội giảng giáo viên giỏi, dạy đội tuyển quốc gia... Chúng tôi luôn “sôi sùng sục” trong các hoạt động ấy, sát cánh cùng nhau tìm đủ mọi cách hay nhất để mang về những giải thưởng danh giá cho trường qua các hội thi, tất cả vì màu cờ sắc áo của trường.

Những năm tháng khổ luyện ấy, Trường chuyên Lê Quý Đôn đã có một “thế hệ vàng” để lại những dấu ấn không phai trong lòng nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh: Thầy Bằng, thầy Khoa, thầy Viên, thầy Vinh (môn Toán); cô Chi Lan, cô Mỹ Tiên, cô Tuyền, cô Phượng (môn Anh văn); cô Mị, thầy Cẩm, thầy Trung, thầy Hưng, cô Nhung (Lý, Hóa); cô Lương, cô Hồng, cô Nguyệt, cô Thúy (Sử, Địa); cô Diệp, cô Nhung, thầy Lộc, cô Liên Hương, cô Khánh Toàn, cô Thùy Anh, cô Minh, cô Thanh, cô Vân (môn Văn), thầy Thoan, cô Cao Hương (môn Sinh)... và nhiều giáo viên giỏi của các bộ môn khác họ đã bạc tóc, thâm quầng mắt cho mỗi kỳ thi, cho vinh quang của trường.

Không có thành công nào không trả giá bằng nước mắt, mồ hôi. Con đường đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Con đường ấy không có sẵn hoa hồng, mật ngọt, chỉ có gian khổ, thử thách mà thôi. Tất cả chúng tôi đều “cháy” hết mình cho đội tuyển, háo hức dẫn HS đi thi, hồi hộp trông mong giải và vỡ òa khi HS chiến thắng. Tôi rất vui khi có những đóng góp nhất định trong những thành công ấy.

Ban giám hiệu, công đoàn, đồng nghiệp tổ văn đã giúp tôi lập công. Tôi yêu văn và dạy văn như một lẽ sống, ao ước đem vẻ đẹp của văn chương để nuôi dưỡng tâm hồn học sinh. Dạy văn là một phần sự sống, ánh sáng, sinh khí của đời tôi, ở mỗi bài giảng tôi như được “sống”, được cảm nhận máu đỏ của con tim tan chảy vào lời giảng truyền cho học sinh niềm đam mê để thắp sáng văn chương.

Hơn 20 năm luyện đội tuyển quốc gia, không thể kể hết tên những học sinh đã đem giải thưởng về cho trường, nhiều em đã làm nên tên tuổi của mình ở mọi miền đất nước, nhiều em đã trở thành đồng nghiệp của tôi, nhưng có một HS tôi không thể quên đã đem vinh quang về và gửi lại cho tôi một nỗi đau khôn tả - Nguyễn Thị Bích Diệu - (đạt 9/10 điểm, giành HCV duy nhất môn Văn trong kỳ thi Olympic năm 1996), giải nhất Văn quốc gia 19/20 và đạt điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp năm 1998). Em ra đi khi sắp trở thành giáo viên Văn, để lại ước mơ dang dở cùng thách thức cho HS chuyên Văn Lê Quý Đôn - suốt 30 năm, chưa có bạn nào vượt được qua em.

Ở Trường chuyên Lê Quý Đôn, tôi đã tổ chức câu lạc bộ văn học dân gian, thu hút nhiều GV, HS, đạt thủ khoa giáo viên giỏi tỉnh BR-VT với số điểm tuyệt đối 20/20, hai giờ dạy xuất sắc nhất được các tỉnh phía Nam tổ chức trong đó yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ (2004 - tại Đồng Nai, 2015 - tại BR-VT) giải 3, Huy chương Vàng cho tiết mục đơn ca hội diễn toàn ngành, giải nhất của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi lãnh đội dự thi chương trình “Bảy sắc cầu vồng”... Tuy vậy, những thành tích ấy cũng thật nhỏ nhoi giữa một vườn hoa trí tuệ muôn sắc của Trường chuyên Lê Quý Đôn.

Tôi còn nợ trường ân nghĩa mà đồng nghiệp và học sinh đã dành cho mình trong cơn bạo bệnh. Tôi đã khóc khi nhận 9.000 con hạc giấy ghi lời cầu an của HS. Tôi đã nghẹn ngào khi HS khắp nơi về thăm tôi trong bệnh viện ung bướu. Nơi ấy, em HS cũ Phạm Ngọc Anh Chi là bác sĩ đã thức đêm trực cho tôi ngủ và em Hồng Nhung, Quốc Hưng, Ý Minh đã đến mang cho tôi từng tô phở.

Từ bệnh viện ung bướu trở về, tôi vỡ lẽ một điều về cuộc sống: mọi bằng khen chỉ là ghi nhận sự đóng góp của hiện tại, thành quả của một giáo viên sẽ được kiểm chứng ở tương lai. Điều quan trọng làm nên hạnh phúc vinh quang nhất của nghề giáo là luôn sống trong trái tim của học sinh neo đậu trong tình yêu ấy mới là vĩnh viễn. Triết lý sống ấy tôi đã nhận ra khi ở giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Tất cả những gì tôi viết hôm nay đã thuộc về quá khứ nhưng đó là một quá khứ hào tráng vàng son rực rỡ mà thế hệ của chúng tôi đã làm được để tạo ra thương hiệu Trường chuyên Lê Quý Đôn - một trường chuyên căng đầy sức trẻ đang được thăng hạng trong bức tranh của ngành giáo dục toàn quốc.

Tương lai của Trường chuyên Lê Quý Đôn đang được tiếp nối bởi cô hiệu trưởng Lữ Thị Trà Giang trẻ trung, tâm huyết, năng động và một tập thể giáo viên tài năng đang háo hức đi lên. Các thế hệ hiệu trưởng dày công vun đắp cho Trường chuyên Lê Quý Đôn để có hôm nay: cô Lệ Trang -  thầy Đỗ Thanh - thầy Quốc Hùng rất mong mỏi lớp kế cận sẽ viết nên trang sử mới cho ngôi trường mà họ đã hết lòng cống hiến trong sự nghiệp trồng người của mình.

TRẦN THỊ KHÁNH TOÀN

(GV Văn, Trường chuyên Lê Quý Đôn)

.
.
.