Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ Sáu, 26/11/2021, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Không thể đo đếm được những vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng nơi tuyến đầu đang ngày đêm miệt mài đối phó với dịch COVID-19. Họ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ trở thành F0 để cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.

BS Lê Mạnh Tới chăm sóc đồng nghiệp là bệnh nhân F0 tại cơ sở điều trị COVID-19 BV Vũng Tàu.
BS Lê Mạnh Tới chăm sóc đồng nghiệp là bệnh nhân F0 tại cơ sở điều trị COVID-19 BV Vũng Tàu.

Nguy cơ nhiễm COVID-19

Bác sĩ trẻ D.T.Tr. (SN 1996), công tác tại khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Vũng Tàu nhiễm COVID-19 hiện vẫn đang được cách ly để điều trị tại cơ sở điều trị COVID-19 BV Vũng Tàu. Chị Tr. tốt nghiệp Khoa Y dược, ĐH Tây Nguyên vừa tròn 1 năm. Tháng 12/2020, chị được nhận vào công tác tại khoa Cấp cứu, BV Vũng Tàu. Bác sĩ Tr. đảm nhiệm công việc lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân vào cấp cứu tại BV và điều động chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở điều trị COVID-19 BV Vũng Tàu.

Cầm kết quả dương tính trên tay vào ngày 17/11, chị D.T.Tr. không khỏi lo lắng, vì chính chị cũng không thể đoán biết được diễn biến của căn bệnh này sẽ như thế nào… “Mang tâm thế của một người có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nên các bác sĩ nơi đây đều sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro, cũng như nguy hiểm ập tới. Những ngày đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi khiến tôi mệt mỏi, khó chịu nên càng thấu hiểu nỗi lo của các bệnh nhân khác”, bác sĩ Tr. bày tỏ.

Để chăm lo cho lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch, tỉnh BR-VT đã hỗ trợ thêm 90.000 đồng/người/ngày làm việc đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19. Đồng thời, hỗ trợ thêm tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày cho nhân viên y tế và những người phục vụ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19.

Còn nữ điều dưỡng V.T.T. nhận tin mình dương tính khi đang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại BV Vũng Tàu. Trong 2 tuần làm việc tại BV này, tuần đầu chị chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, tuần thứ 2, chị làm hồ sơ cho bệnh nhân. Điều dưỡng V.T.T. nói trong môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao như khu điều trị F0 thì bất kỳ chỗ nào cũng có thể là nơi khởi phát bệnh. Vì vậy, dù có kỹ lưỡng trong việc tuân thủ bảo hộ cá nhân thì nguy cơ trở thành F0 đối với nhân viên y tế vẫn dễ xảy ra. 

Trong khi đó, anh L.A.H., nhân viên Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu là trường hợp mắc COVID-19 trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm và tiếp xúc với F0. Từ khi thành phố phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, anh cùng các nhân viên khác đã xin được xông pha vào các điểm nóng để phòng dịch. Với anh H., được góp sức vào công tác phòng chống dịch là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của mình.

Tận tình chăm sóc bệnh nhân

Là một trong những F1, nhưng bác sĩ N.T.T. vẫn hết mình với công việc chăm sóc bệnh nhân F0. Cả ngày trong bộ đồ PPE kín bưng khiến mồ hôi túa ra ướt đẫm, đôi tay đeo găng phồng rộp nhưng bác sĩ T. luôn ân cần thăm bệnh, phụ trách 75 bệnh nhân tại 2 tầng bệnh nhân F0 ở cơ sở điều trị COVID-19 của BV Vũng Tàu. Bác sĩ T. cho hay, chị là F1 nhưng vừa có kết quả âm tính nên tạm an toàn và tiếp tục được chăm sóc bệnh nhân.

“Số lượng bệnh nhân những ngày gần đây tiếp tục gia tăng nhưng phần lớn chỉ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân COVID-19 đều có tâm lý lo lắng nên bác sĩ phải là người động viên, theo dõi sát bệnh nhân. Đội ngũ nhân viên y tế nơi đây đều nỗ lực hết sức mình để người bệnh được thoải mái, lạc quan, chiến thắng bệnh tật”, bác sĩ N.T.T. chia sẻ.

“Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, nên đội ngũ y, bác sĩ vẫn cố gắng ở lại hỗ trợ tuyến đầu, chia sẻ những khó khăn, vất vả với đồng nghiệp. Cái vẫy tay, nụ cười giữa bác sĩ và bệnh nhân trong giờ phút chia tay khi ra viện, trở về nhà mạnh khỏe, chính là điều mong muốn và hạnh phúc để động viên cuối cùng mà y, bác sĩ đang ngày đêm tận lực”. 
(Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, BV Vũng Tàu)

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, 46 nhân viên y tế đã trở thành F0 khi tham gia phòng, chống dịch, 446 nhân viên y tế thuộc diện F1. Sau khi phát hiện có nhân viên y tế trở thành F0, tất cả đã được đưa đi cách ly và điều trị theo quy định. Đối với các F1, nhằm duy trì hoạt động theo Quyết định 1551 của Bộ Y tế là được phép sử dụng nhân viên y tế thuộc diện F1 để theo dõi, chăm sóc cho các đối tượng bệnh nhân, người cách ly, nên những nhân viên này được bố trí làm việc tại khu điều trị bệnh nhân F0.

Để động viên tinh thần nhân viên y tế là F0, F1, căn cứ theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ 3 đợt cho nhân viên y tế F0 mức 2 triệu đồng/người và F1 mức 1 triệu đồng/người. Đến nay, ngành đã trao tiền hỗ trợ được 3 đợt cho 38 F0 và 380 F1.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.