Đó là khẳng định của TS.BS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế), Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế đặc trách công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại BR-VT khi trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.
● Phóng viên: Thưa ông, vắc xin phòng chống COVID-19 được coi là điều kiện tiên quyết quyết định việc mở cửa lại nền kinh tế. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
- TS.BS. Huỳnh Hồng Quang: Trong các công cụ chìa khóa phòng chống dịch, bên cạnh công tác truy vết, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, điều trị ca bệnh thì vắc xin là chiến lược lâu dài. Vắc xin không những ngăn ngừa nhiễm bệnh cho cá nhân, cộng đồng mà còn ngăn ngừa một tỷ lệ rất lớn bệnh nhân nhập viện, biến chứng và giảm số ca tử vong đáng kể. Đây là những giá trị quan trọng của vắc xin.
Do vậy, BR-VT đã và đang tích cực làm việc với trung ương, Bộ Y tế để cấp vắc xin cho địa phương. Những tuần gần đây, Bộ Y tế đã phân bổ số lượng lớn vắc xin về cho BR-VT. Tỉnh đã và đang triển khai tiêm cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, lần lượt theo các đối tượng ưu tiên tuyến đầu, người có bệnh lý nền, đặc biệt quan tâm đến các lực lượng đang tham gia sản xuất và hoạt động trong DN. Trong tuần này, hoạt động tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh tập trung cao độ, mỗi ngày có thể tiêm hàng ngàn mũi cho người dân.
Vắc xin là một trong những khâu “chìa khóa” để quyết định việc mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả vắc xin không có loại nào đạt 100%, kể cả khi tiêm đủ 2 liều, đâu đó mỗi loại vắc xin vẫn còn một tỷ lệ dao động 5-20% không bảo vệ được trong quần thể. Vì vậy, ngoài tiêm vắc xin, mọi người cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K, khẩu hiệu 5T.
TS Huỳnh Hồng Quang (bìa phải), Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại ổ dịch tổ 10B (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: MẠNH THẮNG |
● Giá trị của vắc xin là như vậy nhưng tỷ lệ tiêm ngừa tại BR-VT còn thấp. Điều này là một cản trở lớn đối với kế hoạch mở cửa sản xuất, nhất là ở các DN đầu tư nước ngoài. Ông có gợi ý gì cho các DN trên địa bàn tỉnh BR-VT đang lên kế hoạch mở cửa sản xuất trở lại?
- Tính đến nay, tỷ lệ dân số BR-VT được tiêm vắc xin mũi 1 là 54,2% và mũi 2 là 10,2% so với kế hoạch và hiện tại đang tiếp tục tiêm chủng. Sau thời gian giãn cách để phòng chống dịch, tỉnh đang bước vào giai đoạn tái phục hồi kinh tế. Điều các DN cần phải làm là rà soát lại phương án, kế hoạch, kịch bản, rút kinh nghiệm từ công tác xử lý các ổ dịch ở các đơn vị bạn trong thời gian vừa qua, dưới sự hỗ trợ của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và Đoàn Công tác đặc biệt của Bộ Y tế đối với từng ổ dịch để xây dựng quy trình xử lý dịch một cách hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất.
Việc xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án phòng, chống dịch, không nên xem là văn bản “hình thức, qua loa chiếu lệ, đối phó”, mà các DN phải coi đó là việc làm rất cần thiết và quan trọng, có sự chủ động diễn tập tình huống xử lý để không bị lúng túng khi gặp phải các tình huống phát sinh ca bệnh trong đơn vị.
Mỗi DN cũng cần thành lập Tổ an toàn, chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 có danh sách cụ thể, để ứng phó nhanh với tình huống xuất hiện ca nhiễm, nghi nhiễm trong đơn vị.
● Xin cảm ơn ông!
MINH THIÊN
(Thực hiện)