.

"Không sợ COVID" là cách sống mới, chúng ta cần thay đổi

Cập nhật: 21:47, 22/10/2021 (GMT+7)

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, lực lượng do Bộ Y tế điều đông tham gia hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có gần 24.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện. Tại nhiều bệnh viện, các y, bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu.

 PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa, Bình Dương tháng 8/2021.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa, Bình Dương tháng 8/2021.

Có thể coi COVID-19 là đại dịch lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thế giới cận đại. COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng ghê gớm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam.

Khoa học là khách quan và tường minh

Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều. Covid như tấm gương phản chiếu sắc nét những mặt tốt và mặt xấu của xã hội chúng ta. Thấy được những giá trị cốt lõi của con người đó chính là sự đùm bọc chở che nhau trong cơn hoạn nạn. Những tấm gương hy sinh vì dân khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

COVID-19 cũng làm trôi những vỏ bọc của những cá nhân không đủ năng lực, thiếu đạo đức cần phải loại bỏ trong hệ thống. Chúng ta cần những vị lãnh đạo năng động, kỹ trị và có liêm chính để đưa đất nước vượt qua khó khăn.

COVID-19 như một bài sát hạch từ trung ương đến địa phương. Có những vị lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, sẽ có những chính sách mới, những quyết định hợp lòng dân nhưng cũng không mị dân, đánh bóng thương hiệu, vì thương dân nhưng phải ái quốc, là phải vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Những nhà lãnh đạo kỹ trị là những nhà lãnh đạo biết lắng nghe các luận chứng khoa học rồi ra quyết định nhất quán của mình. Những chính sách dựa trên khoa học chắc chắn sẽ thống nhất từ trung ương đến địa phương vì tiêu chí của khoa học là khách quan, tường minh.

Y tế địa phương cần phải làm gì?

Hệ thống y tế của các tỉnh đã qua làn sóng dịch thứ 4 cần phải làm gì? Đây là câu hỏi vô cùng khó và đáp án không thể giống nhau giữa các tình có hoàn cảnh địa chính trị, mật độ dân số, mức độ phủ vắc xin… khác nhau.

Theo sự phân công của Bộ Y tế, tôi được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều KCN, tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số.

Khi dịch bùng phát số lượng ca mắc tại Bình Dương tăng nhanh trong cộng đồng, những ngày đầu trung bình 300-400 ca bệnh mới, sau đó mỗi ngày có lúc 5.000-6.000 ca mắc mới. Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 với khoảng 30 giường thở máy. Số bệnh nhân thực nhiễm chưa tiêm vắc xin rất cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai.

Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Với sự vào cuộc của cả hệ thống, từ lúc dịch lên đỉnh ngày 22/8 cho đến bây giờ đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường.

Lúc này tôi đã đề xuất với BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bình Dương như sau: Xóa bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã.

Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly diện nhỏ. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly luôn thôn hay cả xí nghiệp đó.

Đưa y tế vào bên cạnh để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm vắc xin có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…

Tách đôi bệnh viện với 2 khu riêng biệt có hay không có nhiễm COVID-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu âm tính, sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường quy cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

Khu điều trị COVID-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu. Điều trị bệnh mức độ vừa. Khu hậu COVID-19.

Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển tầng hậu COVID-19 để chăm sóc điều trị như các bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần rà soát về cung cấp oxy hóa lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao và nhân lực đầy đủ. Đây là việc lâu dài không chỉ còn là tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TP. Hồ Chí Minh đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID sản khoa, nhi khoa, lão khoa… để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình.

Bệnh viện Hạnh phúc đã có đề án thành lập Khoa Sản COVID-19 cho các bà bầu không may bị nhiễm bệnh. Nhà nước nên hỗ trợ một phần thuốc và vật tư y tế cũng như thông thoáng về chính sách để y tế tư thực sự nắm vai trò quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.

Rà soát việc tiêm vaccine. Sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 16-18 tuổi thậm chí trẻ hơn khi có đủ thuốc. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu muốn đến sống làm việc tại Bình Dương.

Tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Nên sắp xếp cho những người làm cùng bộ phận được ở cùng nhau. Khi phát hiện ca dương tính, chính quyền hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly. Khuyến khích tự test để phát hiện sớm bảo đảm sức khỏe của mình và cộng đồng. Chiến lược xét nghiệm trên nguyên tắc là phải dựa vào khoa học thực tiễn.

Phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế

“Không sợ COVID” là cách sống mới mà chúng ta cần thay đổi. Nếu tỷ lệ tử vong trong quần thể đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ? Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi. Sau những ngày vừa qua, theo tôi bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế. Trước đây chúng ta còn chú trọng phát triển các kỹ thuật cao.

Sau những ngày vừa qua, theo tôi bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Điều này cũng tốt như đầu tàu kéo tất cả tiến lên.

Tuy nhiên, trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở phường, xã đặc biệt là tuyến huyện của chúng ta còn kém, cụ thể là vấn đề con người và cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung để nâng cao tay nghề.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất ca mắc và tử vong, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Các giải pháp ứng phó khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng trong trạng thái thích ứng an toàn có nhiều điểm kế thừa các giai đoạn chống dịch trước đây, đồng thời bổ sung một số điểm mới.

Nguyên tắc ứng xử với người nhiễm COVID-19 là phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm. Theo tôi nguyện vọng, sự hợp tác và hoàn cảnh cụ thể sẽ là yếu tố quyết định giúp người nhiễm bảo toàn sức khỏe của mình và tránh lây lan ra cộng đồng.

Cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vắc xin đều ưu tiên cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện.

Bởi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… khi đã tiêm vắc xin, tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong sẽ ít hơn nhiều so với không tiêm vắc xin.

Biện pháp phòng dịch với người nghi nhiễm ở các địa bàn có tỷ lệ phủ vắc xin rộng cũng cần được nới lỏng. Thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khóa thay đổi cách phòng, chống dịch. Không cách ly tập trung người nghi nhiễm gì đã có nhiều bài học xương máu trong thời gian qua.

Cách ly khoanh vùng nhỏ nhất có thể là chiến lược Chính phủ lựa chọn theo tôi là hoàn toàn đúng đắn. Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của COVID-19 là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai.

PGS.TS NGUYỄN LÂN HIẾU
(Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội)
.
.
.