Học sinh chỉ trở lại trường khi an toàn

Thứ Sáu, 15/10/2021, 23:34 [GMT+7]
In bài này
.

Dự kiến, đầu tháng 11, HS trên địa bàn tỉnh có thể sẽ đến trường. Ngành GD-ĐT đã chuẩn bị như thế nào cho kế hoạch này? PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ba, Phó GĐ Sở GD-ĐT làm rõ các công việc liên quan.

Trường hợp được đến trường học tập trực tiếp, các trường phải thực hiện chia tách lớp và tổ chức học 2 ca/ngày.
Trường hợp được đến trường học tập trực tiếp, các trường phải thực hiện chia tách lớp và tổ chức học 2 ca/ngày.

* Phương án tái khởi động việc học trực tiếp như thế nào, thưa ông?

- Sở GD-ĐT đã xây dựng phương án để tham mưu UBND tỉnh quyết định. Theo đó, đến tháng 11, nếu toàn tỉnh trở lại “vùng xanh” an toàn thì HS phổ thông sẽ đến trường để học tập trực tiếp. Trường hợp bản đồ COVID-19 của tỉnh chưa được “phủ xanh” hoàn toàn thì HS “vùng đỏ”, “vùng cam” sẽ tiếp tục học trực tuyến. HS “vùng xanh”, “vùng vàng” được đến trường nhưng phải chia đôi sĩ số, chia hai ca sáng, chiều và vẫn kết hợp hình thức trực tuyến để bổ trợ cho dạy trực tiếp. Cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS khi tới trường phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19.

 Riêng với bậc học MN, kế hoạch trở lại trường của các em như thế nào?

- Riêng với bậc học MN, ngành giáo dục sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh COVID-19 để tham mưu UBND tỉnh phương án cho HS đi học trở lại, Hiện nay, ngành cũng đang thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh HS để có cơ sở xây dựng phương án cho phù hợp. Phương châm của ngành là đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu.

 Để chủ động trong việc tổ chức giảng dạy trực tiếp, ngành giáo dục đã có những sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Sở GD-ĐT đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải tiến hành rà soát, đánh giá, hoàn thiện 15 tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 trường học đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung. Trong đó, có 1 trường MN, 20 trường TH, 15 trường THCS và 5 trường THPT. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương tiến hành rà soát để sửa chữa, bàn giao lại các cơ sở này trước ngày 25/10. Các cơ sở giáo dục sau khi được bàn giao phải được khử khuẩn và vệ sinh trường lớp, bảo đảm an toàn cho HS và GV khi đến trường,

 Hiện nay, HS toàn tỉnh đã đi được nửa chặng đường của học kỳ 1 năm học 2021-2022 bằng hình thức học trực tuyến. Vậy thì, việc kiểm tra, đánh giá HS sẽ được thực hiện ra sao?

- Trong hai tuần đầu tháng 11 tới đây, các nhà trường vừa dạy học, vừa tổ chức ôn tập, củng cố những kiến thức. Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập và ma trận ra đề kiểm tra chung toàn trường. Trong đó lưu ý các kiến thức đã được tinh giảm không được đưa vào ma trận và đề kiểm tra. Câu hỏi kiểm tra được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS.

Trường hợp tổ chức kiểm tra trực tiếp khi HS được trở lại trường học, đề kiểm tra có sự phân hoá kiến thức theo định hướng chung theo tỷ lệ 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao. Cấu trúc đề có thể phối hợp nhiều hình thức trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm và tự luận.

Trường hợp kiểm tra, đánh giá khi HS chưa được đến trường, lãnh đạo các đơn vị chủ động lựa chọn phần mềm, trang web có thể tổ chức cho HS làm kiểm tra trực tuyến như K12online của Viettel, hệ sinh thái VNEDU của VNPT, google meet, OLM, Azota… và tổ chức hướng dẫn GV, HS vừa học vừa làm quen với phần mềm. Đề kiểm tra có sự phân hoá kiến thức theo định hướng chung theo tỷ lệ 45% nhận biết, 35% thông hiểu, 15% vận dụng và 5% vận dụng cao.

Đặc biệt, với HS TH, GV căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học và tình hình thực tế giảng dạy để đánh giá HS theo các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Cần chú ý đánh giá theo nội dung cơ bản, cốt lõi mà HS đã được học trực tuyến, học trên truyền hình, học đến đâu đánh giá đến đó, không đưa vào nội dung đã được điều chỉnh giảm tải để đánh giá.

Với lớp 4, lớp 5, HS có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán. Nhà trường tổ chức kiểm tra nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho HS. Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với đánh giá thường xuyên, GV có thể đề xuất với nhà trường cho HS làm lại bài kiểm tra để đánh giá đúng kết quả học tập của các em.

 Cảm ơn ông!

KHÁNH CHI
(Thực hiện)

;
.