Cậu học trò với những ý tưởng hữu ích

Thứ Sáu, 29/10/2021, 22:11 [GMT+7]
In bài này
.

Là một trong những thí sinh nhỏ tuổi tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm học 2020-2021, nhưng Mai Hoàng Anh Kiệt (HS lớp 7.8, Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) lại xuất sắc “ẵm” liền 2 giải thưởng lớn của cuộc thi. Anh Kiệt là “gương mặt thân quen” tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật và văn hóa với thành tích nổi bật.

Anh Kiệt đoạt giải Nhất cuộc thi “Chế tạo rô bốt đu dây”.
Anh Kiệt đoạt giải Nhất cuộc thi “Chế tạo rô bốt đu dây”.

2 dự án cùng đoạt giải

Trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm học 2020-2021, Mai Hoàng Anh Kiệt là thí sinh duy nhất đoạt 2 giải thưởng tại cuộc thi này. Anh Kiệt đoạt giải Nhì với dự án “Hệ thống thoát nước chống ngập” và giải Ba với dự án “Tủ đựng đồ thông minh”. Trong đó, “Hệ thống thoát nước chống ngập” là được đi tiếp tới vòng thi cấp quốc gia.

Anh Kiệt chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được chứng kiến hình ảnh những cơn bão, những trận lũ lụt kéo đến tàn phá mọi thứ. Gần đây nhất là trận lũ ở miền Trung năm 2020 gây thiệt hại nặng nề tới cuộc sống và tính mạng của những người dân. Còn tại TP. Vũng Tàu, những năm gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn, gây ra tình trạng ô tô, xe máy bị chết máy hàng loạt, gây ùn tắc giao thông trong khoảng thời gian dài. Vậy nên, em thực hiện đề tài “Hệ thống thoát nước chống ngập” nhằm giúp người dân có thể giảm bớt thiệt hại khi mưa lũ xảy ra”.

Mô hình “Hệ thống thoát nước chống ngập” gồm 2 cảm biến để đo mức nước biển, sông, hồ… và đo mức nước trong hồ điều hòa; 1 máy bơm để bơm nước từ hồ điều hòa ra biển, sông, hồ; trạm bơm trung gian xử lý nước thải và tăng tốc độ của dòng chảy. Bên cạnh đó, còn có mạch điện tử để giao tiếp giữa các liên kết ngoài, nguồn và cảm biến; hồ điều hòa điều hòa lượng nước cống đã qua xử lý tại trạm bơm trung gian chảy ra và lượng nước biển, sông, hồ… Ngoài ra, hệ thống còn có còi báo động, nắp cống đóng mở bằng thủy lực, nắp cống tự tràn.

Về nguyên lý hoạt động, khi nước biển cao quá mức quy định, hồ điều hòa có nước, nắp thủy lực đóng, máy bơm bơm nước ra biển. Nếu nước biển hạ thấp, hồ điều hòa có nước, nắp thủy lực mở, máy bơm không hoạt động, nước biển và nước trong hồ điều hòa được cân bằng thông qua nắp cống tự tràn. Trường hợp nước biển cao quá mức quy định, hồ điều hòa cạn nước, nắp thủy lực đóng lại, máy bơm không bơm. Còn khi nước biển hạ thấp, hồ điều hòa cạn nước, nắp thủy lực mở, nước biển tràn vào hồ điều hòa và dừng lại khi mực nước biển cao ngang với nắp cống tự tràn. “Em dự định sẽ phát triển hệ thống hiện đại hơn, có thể vận hành hoàn toàn tự động bằng điện thoại, nắp cống tự tràn sử dụng thủy lực”, Anh Kiệt cho hay.

Anh kiệt (bìa trái) tại một cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS, SV.
Anh kiệt (bìa trái) tại một cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS, SV.

Còn với mô hình “Tủ đựng đồ thông minh”, Anh Kiệt lại “hô biến” chiếc tủ gỗ thông thường thành chiếc két an toàn bằng phương pháp lập trình. Sản phẩm gồm một tủ gỗ, bo mạch vi điều khiển Board Arduino Uno R3 có vai trò truyền nhận dữ liệu, bàn phím ma trận, Module thu phát Bluetooth HC-05 truyền và nhận tín hiệu từ điện thoại qua mạch Arduino, công tắc đảo chiều, mô tơ khóa cửa, còi chip, đèn led, nguồn pin dự phòng.

Anh Kiệt cho hay, khi người dùng nhấn nút “*” trên bàn phím, đèn led xanh dương sáng và bắt đầu nhập mật khẩu. Sau khi nhập mật khẩu xong, người dùng nhấn “#” để kết thúc. Nếu mật khẩu chính xác, đèn led xanh lá sáng, cửa tủ mở, đồng thời gửi tin nhắn đến điện thoại. Nếu mật khẩu sai thì led đỏ sáng, còi chip báo động, cửa tủ vẫn đóng, đồng thời gửi tin nhắn về điện thoại. Anh Kiệt cho biết, tới đây, em sẽ hoàn thiện hệ thống để giám sát lịch sử sử dụng, lắp thêm camera và kết nối hệ thống báo động qua điện thoại di động.

Anh Kiệt là cậu học trò điềm đạm, chững chạc, sống vui vẻ và hòa đồng với bạn bè. Em là cán sự bộ môn Vật lý gương mẫu, luôn quan tâm và hỗ trợ bạn bè trong học tập. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Anh Kiệt lại là “thủ lĩnh” trong nhóm nghiên cứu khoa học của trường. Kiệt không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng cho bạn bè và các anh chị trong nhóm. Vừa qua, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, các thành viên trong nhóm không thể gặp mặt nhau trực tiếp, nhưng Kiệt đã có một buổi hướng dẫn online rất bổ ích và lý thú về việc chế tạo máy khử khuẩn cho các thành viên trong nhóm.
(Cô Phạm Hồng Nguyên, giáo viên chủ nhiệm của Anh Kiệt năm lớp 6)

 

Thành tích đáng nể

Từ nhỏ, khi theo ba tới xưởng sửa chữa ô tô của gia đình, được nhìn ba làm việc, Kiệt đã cảm thấy rất thích thú với sự vận hành của máy móc và các thiết bị điện tử. Em ấp ủ ước mơ có thể ứng dụng khoa học công nghệ để làm ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống và sáng tạo công nghệ mới, thân thiện với môi trường, an toàn cho Trái Đất.

Để theo đuổi ước mơ của mình, ngoài thời gian học trên lớp, Anh Kiệt chăm chỉ đọc sách và lên mạng tìm thêm tài liệu tham khảo. Em còn tự học thêm về lập trình để hỗ trợ thêm việc thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật. Kiệt yêu thích các môn Khoa học Tự nhiên, đặc biệt là Vật lý và Toán. Phương pháp học tập của Kiệt cũng rất độc đáo. Kiệt chia sẻ: “Với các môn học này, em loại bỏ những yếu tố gây “nhiễu” mà đề bài đưa ra và suy nghĩ đơn giản hết mức có thể. Ngoài ra, em còn thích làm các thí nghiệm để có thể hiểu được bản chất của những kiến thức đã học”.

Bà Võ Thị Kim Loan, mẹ của Anh Kiệt cho biết, khi mới 2 tuổi, Kiệt đã “biết mặt” chữ và số. Lên 3 tuổi, em đã biết đọc và tính nhẩm rất nhanh. 4 tuổi, Kiệt đã học xong chương trình Toán tư duy Soroban và có thể làm các phép tính nhiều chữ số. Suốt những năm học TH, Kiệt luôn là HS có thành tích đứng đầu toàn trường. Em từng giành Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (TIMO) cấp quốc gia, Huy chương Bạc Kỳ thi TIMO cấp Quốc tế, giải Nhất Cuộc thi “Chế tạo Robot đu dây” cấp tỉnh, giải Nhì cuộc thi HS giỏi cấp thành phố…

“Anh Kiệt say mê học tập nên rất tự giác, không để ba mẹ phải kèm cặp hay nhắc nhở. Ngoài thời gian học trên lớp, Kiệt dành nhiều thời gian để thực hiện các sản phẩm khoa học kỹ thuật. Nhiều hôm, con một mình loay hoay lắp ráp, chế tạo thiết bị đến 12 giờ đêm mà không biết mệt”, mẹ Kiệt cho hay.

Bài, ảnh: PHẠM HỒNG NGUYÊN 

 
;
.