"Năm học đặc biệt" với nhiều thách thức

Thứ Hai, 20/09/2021, 23:22 [GMT+7]
In bài này
.

Diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, năm học 2021-2022 được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành giáo dục. Đối mặt với khó khăn, ngành đã đề ra phương hướng, giải pháp phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học.

 Năm học 2021-2022, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học. Trong ảnh: Tại huyện Côn Đảo, tranh thủ “thời gian vàng”, HS trung học được đến trường học tập trực tiếp. Ảnh: MẠNH CƯỜNG.
Năm học 2021-2022, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học. Trong ảnh: Tại huyện Côn Đảo, tranh thủ “thời gian vàng”, HS trung học được đến trường học tập trực tiếp. Ảnh: MẠNH CƯỜNG.

Thiếu nguồn tuyển GV

Một thách thức không nhỏ với ngành GD-ĐT địa phương trong năm học này là tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên (GV) ở tất cả các cấp học. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT) cho hay, toàn tỉnh thiếu 793 GV ở cả 3 cấp học, trong đó bậc mầm non (MN) thiếu 205 GV, tiểu học (TH) thiếu hơn 400 GV, THCS khoảng 200 GV... Nguyên nhân là do nguồn tuyển khá hạn hẹp, cùng với việc áp dụng chuẩn theo Luật Giáo dục mới, gây khó khăn cho việc tuyển dụng. “Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ của GV MN là CĐ, GV TH và THCS phải có trình độ ĐH trở lên. Các địa phương gặp nhiều khó khăn do thiếu GV là TP. Vũng Tàu, huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ”, ông Tâm phân tích.

Ông Tâm cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất giao cho địa phương chủ động tuyển dụng GV, tập trung vào quý I, II hàng năm. Bên cạnh đó, các địa phương đề xuất được hợp đồng thỉnh giảng GV theo chuẩn cũ. Sở GD-ĐT cũng đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh về nội dung này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND tỉnh mới cho phép cấp MN được hợp đồng GV thỉnh giảng theo chuẩn cũ đến hết năm 2021, các cấp học còn lại phải hợp đồng GV theo chuẩn mới.

Song song đó, ngành GD-ĐT còn lo lắng việc huy động trẻ MN sẽ rất khó khăn bởi phải nghỉ học để phòng, chống dịch còn kéo dài. Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH (Sở GD-ĐT) cho hay, đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số trẻ đăng ký tuyển sinh còn thấp, mới đạt 88,72% kế hoạch, chủ yếu ở các trường công lập. Còn ở các cơ sở tư thục, tỷ lệ huy động rất thấp. Một số nhóm lớp MN đề nghị tạm ngưng hoạt động như nhóm Tuổi Thơ (TP. Bà Rịa), nhóm Tùng Bách (TX. Phú Mỹ). Một số nhóm lớp không chiêu sinh được HS nào như các nhóm Hoa Huệ, Bé Yêu, 1/6, Bé Ngoan, Đồ Rê Mí tại huyện Châu Đức.

“Đặc thù của bậc học MN là khi phụ huynh đi làm mới gửi trẻ. Trong khi giai đoạn này, trẻ chưa được đi học trở lại và nhiều phụ huynh cũng chưa đi làm nên không đăng ký cho trẻ ra lớp”, bà Thuận lý giải và cho biết, ngành GD-ĐT đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tích cực huy động trẻ đến trường, trước mắt là huy động theo danh sách phổ cập để đạt được chỉ tiêu: 36,39% trẻ nhà trẻ, 95,72% đối với trẻ mẫu giáo và trên 99% đối với trẻ 5 tuổi.

Thích ứng dạy-học trong điều kiện phòng chống dịch

Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục khắc phục những khó khăn để từng bước ổn định việc học trực tuyến và tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, HS được trở lại trường.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, toàn ngành chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 cho các cấp học ở từng huyện, thị, thành phố. Trong đó ưu tiên chống dịch, tổ chức dạy học trực tuyến, xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến bài bản, chất lượng, đồng thời tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Lưu Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học-Thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT. Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại, chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp; không cứng nhắc sắp xếp lịch học trực tiếp vào giảng dạy trực tuyến gây áp lực cho HS và GV.

Cùng với đó, GV thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của HS trong quá trình dạy học. Đồng thời thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19… Ngoài ra, các cơ sở cũng chú trọng chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7 và lớp 10 vào năm học kế tiếp.

Theo bà Hà Thị Thanh Thuận, để hoàn thành nhiệm vụ năm học, giáo dục MN sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, rà soát mạng lưới trường lớp; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; phổ cập mẫu giáo 4 tuổi, tiến tới phổ cập mẫu giáo vào năm 2030; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và GV MN…

HOÀNG DƯƠNG

;
.