"Mở cửa" vùng xanh, nhưng không chủ quan, lơ là
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (BCĐ tỉnh) tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh vào chiều 10/9.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: QUANG VINH |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đề ra các giải pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước mở lại các hoạt động đã tạm dừng phòng, chống dịch để khôi phục kinh tế.
Đề xuất phương án “thẻ xanh” cho vùng xanh
Tính từ 18 giờ ngày 8/9 đến 18 giờ ngày 9/9, BR-VT ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 3.728 ca (tính từ 28/6). Theo đánh giá của Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tình hình dịch bệnh của BR-VT cơ bản được kiểm soát; số ca mắc có xu hướng giảm dần. Cụ thể, số ca F0 giảm 5 ca so với ngày 9/9. Trong ngày toàn tỉnh có 6 ca nhiễm trong khu phong tỏa (giảm 6 ca so với ngày 9/9).
Trung tâm Chỉ huy kiến nghị BCĐ tỉnh xem xét phương án cấp “thẻ xanh” cho công nhân lao động đang làm việc tại các DN sản xuất “3 tại chỗ” đối với những người có nơi cư trú và nơi làm việc ở vùng xanh hoặc những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đi lại làm việc áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”, được về nhà chăm sóc gia đình, con nhỏ.
Liên quan đến nội dung nói trên, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh cũng đã trình bày Dự thảo văn bản về việc cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các huyện “vùng xanh” từ ngày 15/9. Theo đó, mở cửa bước đầu một số loại hình hoạt động kinh tế theo từng cấp độ trên nguyên tắc củng cố, kiểm soát chặt đối với hàng hóa từ bên ngoài vào và tạo điều kiện đi lại trong vùng xanh; áp dụng phương châm “người lao động an toàn-lộ trình an toàn-DN an toàn”; kiểm soát được dịch, an toàn đến đâu thì mở cửa tương xứng đến đó kết hợp với tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin.
Từng bước xác định nguồn lây
TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện Trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã phân tích một số chùm ca nhiễm mới, chưa xác định được nguồn lây tại huyện Long Điền và TP. Bà Rịa qua thực tế khảo sát tại 2 đia phương này. Qua đó, đã loại trừ nguyên nhân được cho là từ các nguồn lây nhiễm qua nguồn nước, môi trường, rác thải… ở các hộ dân gần khu vực cơ sở điều trị COVID-19. Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang cho rằng, trong cụm dân cư có ca bệnh cộng đồng là do trước đó chưa chấp hành nghiêm việc giãn cách, vẫn để lọt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào.
Từ đó, TS. Huỳnh Hồng Quang đề nghị các địa phương cần điều tra kỹ và triệt để các mối liên hệ, liên quan tới ca bệnh để xác định được đúng nguồn lây nhiễm và có biện pháp kiểm soát phù hợp. Sắp tới, Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ, tập huấn thêm cho các địa phương để thực hiện hiệu quả hơn công tác truy vết này.
Bàn về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề xuất 6 biện pháp; trong đó cần kiểm soát chặt những người được lấy mẫu sàng lọc, bảo đảm đúng đối tượng để tìm được hết các F0 trong cộng đồng; quyết liệt chủ trương đóng toàn bộ các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ tại các ngõ hẻm; quản lý chặt không để người dân tự mua thuốc điều trị khi xuất hiện biểu hiện ho, sốt...
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh nhận định số ca nhiễm liên tục giảm trong mấy ngày qua là tín hiệu khả quan trong phòng, chống dịch. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, “mở cửa” 4 vùng xanh, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch tốt.
Ông Phạm Viết Thanh lưu ý, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải được chuẩn bị bài bản, chu đáo, bảo đảm người dân không phải chờ đợi quá lâu và không tụ tập đông đúc, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các phương án về công tác điều trị và theo dõi sau điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Để thuận tiện cho việc đi lại của CBCCVC cần có phương án cấp giấy đi đường thống nhất toàn tỉnh và phải triển khai ngay, sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân, người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng; trong đó rà soát các trường hợp đủ điều kiện nhưng vẫn chưa làm hồ sơ để được nhận hỗ trợ; nâng cao nhiệm vụ các “pháo đài” phường, xã, thị trấn, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.
MINH THIÊN