Học online vẫn chưa ổn dù tỷ lệ HS tham gia đạt hơn 97%

Thứ Hai, 13/09/2021, 23:18 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều trường, lớp đã gặp tình cảnh cô trò không thể liên lạc với nhau. Một số giờ học online phải kết thúc giữa chừng vì kết nối trực tuyến trục trặc. Ngành GD-ĐT đang tích cực tìm giải pháp khắc phục.

Chị Lê Thị Phương Khanh đang kèm con gái học trực tuyến.
Chị Lê Thị Phương Khanh đang kèm con gái học trực tuyến.

Cô trò dở khóc, dở cười

“Lớp nghe cô nói không?”. - cô Q., GV một trường THCS trên địa bàn TP. Bà Rịa - bắt đầu tiết giảng online - nhưng tất cả đều im lặng. Sau vài lần hỏi không có hồi đáp, cô buộc phải nhắn tin: “Lớp không nghe cô nói gì à?”, tất cả cùng nhắn tin trả lời: “Dạ không cô ạ!”… Tiết học bất đắc dĩ phải kết thúc vì sự cố đường truyền. Cô Q. cho biết, đã thực hiện 2 tiết dạy online, đều kết thúc giữa chừng như vậy. Cô Q. đành phải gửi nội dung bài lên nhóm để HS tự học.

Nhiều PH cho biết, mạng chậm, đường truyền kém khiến tiết học của con họ thường xuyên bị đứt quãng. Chưa kể, loa mic của GV và HS không đồng bộ, khiến trao đổi giữa GV và HS rất khó khăn.

Không chỉ vì đường truyền, còn có nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khác. Chị Phương Khanh, có 2 con đang học ở Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) cho hay: “Do bận rộn công việc, không thể sử dụng điện thoại thường xuyên, trong khi có tới cả chục nhóm liên quan đến việc học tập của con nên có hôm, tôi bỏ sót thông báo của cô giáo. Đến khi tôi nhận được cuộc gọi của cô thì tiết học đã…kết thúc”.

Còn với gia đình anh Lê Hải (trú tại xã Hòa Long, TP. Bà Rịa), một tuần làm quen với lớp 1 của 2 cậu con trai cũng khiến vợ chồng anh đau đầu. Vợ anh phải ngồi kèm bên cạnh, vừa dỗ dành, vừa răn đe để các con ngồi yên trước máy tính. Thế nhưng, do chưa đi vào nề nếp nên chỉ một lát, 2 cậu bé lại ngọ nguậy, chọc phá khiến lớp học chí choé tiếng trẻ con.

Các GV cũng chia sẻ hàng loạt những khó khăn khi triển khai dạy online. Thầy Trương Văn Hổ, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường THCS Võ Trường Toản (TP. Vũng Tàu) cho hay: “Do chiếc máy tính cũ có cấu hình thấp, không thể “chạy” được ứng dụng Microsoft Teams nên tôi phải mua thêm bảng điện tử và chiếc laptop mới để dạy trực tuyến. Thế nhưng phần mềm này khá nặng nên có khi phải mất tới 15-20 phút tôi mới có thể đăng nhập được để giảng dạy”. Theo thầy Hổ, HS khó có thể học trực tuyến trên điện thoại hoặc máy vi tính cấu hình thấp. Còn Google Meet, tuy được sử dụng miễn phí và không quá nặng nhưng lại thiếu nhiều chức năng. Hay ứng dụng Zoom cũng khá nhẹ, không “kén” thiết bị nhưng lại có lỗ hổng bảo mật và nếu đường truyền chập chờn thì việc học trực tuyến cũng rất chật vật.

Đến thời điểm này, một số HS chưa đủ thiết bị học trực tuyến, Trong ảnh: Hai chị em em Nguyễn Thị Thùy Trang, HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú chưa đủ thiết bị học trực tuyến.
Đến thời điểm này, một số HS chưa đủ thiết bị học trực tuyến, Trong ảnh: Hai chị em em Nguyễn Thị Thùy Trang, HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú chưa đủ thiết bị học trực tuyến.

Tiếp tục cải thiện đường truyền, thiết bị

Để khắc phục những hạn chế, cải thiện chất lượng học online, lãnh đạo Phòng GD-ĐT, nhà trường đã đề xuất việc nâng cấp chất lượng đường truyền, trang thiết bị; đồng thời có sự linh hoạt trong việc sử dụng phần mềm học online.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho hay, ngành đã tham mưu UBND thành phố về trang bị thiết bị học trực tuyến cho học sinh từ nhiều nguồn như vận động các nhà hảo tâm, mua sắm thiết bị học tập từ ngân sách địa phương. Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc bố trí thời gian học trực tiếp hợp lý để phụ huynh có thể kèm cặp HS, đặc biệt là đối với những lớp nhỏ, lớp đầu cấp. Phòng GD-ĐT đã và đang dự giờ các giờ học trực tuyến để đánh giá chất lượng. “Giai đoạn này, các nhà trường tập trung giảng dạy những bộ môn cốt lõi. Đồng thời, phòng cũng tham mưu Sở GD-ĐT triển khai chương trình dạy học trên truyền hình, ưu tiên các lớp 1, 2, 9 và 12”, bà Hương nói.

Liên quan đến việc làm thế nào cải thiện chất lượng dạy học, online, hầu hết GV, phụ huynh cho rằng, ngành giáo dục cần trang bị thiết bị dạy học, tập huấn kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học cho GV để nâng chất lượng dạy học trực tuyến. Các đơn vị viễn thông cũng phải vào cuộc gấp rút để nâng cấp đường truyền.

Theo ý kiến riêng của thầy Trương Văn Hổ, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường THCS Võ Trường Toản, để dạy - học online hiệu quả, GV phải soạn bài kỹ lưỡng, đầu tư nhiều thời gian, công sức cho từng bài giảng. Một bài giảng GV thường phải giảng lại nhiều lần để có tư liệu cho HS học tập, tham khảo. Thầy Hổ cũng cho rằng, ngành giáo dục cần mạnh dạn tinh giản chương trình, giảm số lượng môn học, thời gian học trực tuyến để vừa tạo thuận lợi cho các nhà trường trong việc triển khai, vừa giúp HS không phải học quá lâu trước máy tính, bảo đảm sức khỏe của các em. 

“Cũng không nên quy định cứng nhắc GV phải sử dụng ứng dụng nào để dạy trực tuyến mà cho phép GV linh hoạt, chủ động trong quá trình giảng dạy, hướng tới mục tiêu cuối cùng là GV dạy đủ kiến thức cần thiết, HS hiểu bài”, thầy Hổ nói thêm.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sau một tuần thực học, đã có 72.541/74.706 HS THCS tham gia học trực tuyến, đạt tỷ lệ 97,1% . Số HS vắng chủ yếu do bị bệnh, lỗi đường truyền, cúp điện hoặc thiếu thiết bị. Sở GD-ĐT đang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức phát sóng qua truyền hình chuyên đề môn Toán, Ngữ văn và ôn tập kiểm tra giữa kì 1 cho khối lớp 6. Với cấp THPT, đã có 36.185/36.729 HS tham gia học trực tuyến, đạt 98,52%.

Đến ngày 11/9, ngành GD- ĐT đã cơ bản giải quyết được khó khăn về thiết bị cho HS. Cấp học THCS có 72.699/74.706 HS có thiết bị học trực tuyến, đạt 97,31%; cấp THPT: có 36.717/36.729 HS có thiết bị, đạt 99,91%. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trung tâm Kinh doanh VNPT Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ sim và gói cước dữ liệu để học trực tuyến cho 1.306 HS.

Đối với cấp học TH, các nhà trường đã tổ chức cho HS làm quen, luyện tập các thao tác, quy định của lớp học trực tuyến. Sở GD-ĐT đang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng qua truyền hình các bài giảng môn Tiếng Việt và môn Toán cho khối lớp 1, lớp 2.

Trong quá trình dạy và học trực tuyến, ngành cũng yêu cầu các nhà trường tập trung vào các bộ môn khoa học tự nhiên, bộ môn Ngữ văn, môn Tiếng Anh và các môn học cần nhiều sự tương tác giữa GV với HS. Thời khóa biểu dạy trực tuyến được xây dựng trên cơ sở sắp xếp khoa học và phù hợp cho cả GV và phụ huynh, HS.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

;
.