Hàng chục ngàn HS thiếu thiết bị học trực tuyến

Thứ Ba, 07/09/2021, 22:51 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 22/8, toàn tỉnh có khoảng 43 ngàn HS còn thiếu thiết bị để học trực tuyến. Đến nay, với sự nỗ lực của các nhà trường và các địa phương cùng sự quan tâm của nhà hảo tâm, con số này đã giảm đi ít nhiều. Song, thiết bị học trực tuyến vẫn là nỗi trăn trở của ngành giáo dục, của phụ huynh HS khi năm học đặc biệt đã chính thức bắt đầu.

Thời điểm này, việc HS thiếu thiết bị học trực tuyến đang là nỗi lo của ngành giáo dục.
Thời điểm này, việc HS thiếu thiết bị học trực tuyến đang là nỗi lo của ngành giáo dục.

Thiết bị học trực tuyến không bảo đảm

Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Vòng Thị Vân (trú tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), năm học mới này bắt đầu bằng… những nỗi lo toan. Nửa năm nay, chồng chị, vốn là lao động chính trong gia đình bị tai nạn lao động, đang phải nằm điều trị. Bản thân chị ở nhà làm nội trợ, lại thêm giai đoạn giãn cách xã hội, không thể làm thêm công việc gì khác nên cuộc sống gia đình rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Để chuẩn bị cho con vào năm học mới, chị đã vay mượn mua sách vở cho con gái lớn, xin sách cũ về cho con gái út học. Nhưng riêng việc mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến thì vợ chồng chị không cách nào xoay sở được. Thế nên, đến thời điểm này, khi năm học mới đã chính thức bắt đầu, hai con chị là em Nguyễn Thị Thùy Dung, HS lớp 11 A2 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Nguyễn Thị Thùy Trang, HS lớp 4A5, Trường TH Lê Minh Châu (huyện Xuyên Mộc) vẫn chưa có bất cứ thiết bị nào để học. “Mấy hôm nay, tranh thủ mượn được điện thoại của cậu, của dì ở nhà kế bên lúc nào thì chị em con vào học trực tuyến lúc đó. Khi cô giáo giao bài tập, con tranh thủ chép ra tập để làm. Vì không có phương tiện để học nên những bài chưa hiểu, con rất khó để trao đổi với thầy cô hoặc bạn bè”, Thùy Dung nói, giọng buồn buồn.

Cũng giống như gia đình chị Vân, năm học này gia đình anh Võ Văn Đời (trú tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) có hai con đang theo học tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ và THCS Lê Lợi. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vợ anh hiện đang phải tạm nghỉ việc, còn bản thân anh hằng ngày vẫn làm công việc thu gom rác để có thu nhập lo cáng đáng cuộc sống của cả gia đình. Không có điều kiện mua thiết bị mới, hai vợ chồng anh phải nhường chiếc điện thoại đang sử dụng cho con học trực tuyến. Anh Đời cho biết: “Việc các con học bằng máy điện thoại của cha mẹ rất bất tiện. Bởi nhiều lúc việc học của con bị gián đoạn bởi những cuộc gọi. Vào giờ con học, ba mẹ có công việc cần liên lạc cũng không thể dùng máy. Gia đình tôi ở trong rẫy, không thể lắp wifi nên các con phải học bằng 4G cũng rất tốn kém”.

Theo báo cáo Sở GD-ĐT, đến ngày 22/8, toàn tỉnh có 33.105 HS TH và 10.673 HS THCS chưa có thiết bị học tập trực tuyến. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để chủ động phương án tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế của HS tại địa phương, Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm và có những giải pháp thiết thực hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS trên địa bàn quản lý để tạo điều kiện cho các em học tập, cố gắng hoàn thành trong tháng 9. Đến nay, số lượng HS TH, THCS thiếu thiết bị đã giảm dần. Riêng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, đến thời điểm này, các đơn vị đã tự vận động từ nhiều nguồn, bảo đảm tất cả HS đều có thiết bị học trực tuyến. Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ sim, gói cước, đường truyền, … cho HS để học trực tuyến trong năm học 2021-2022.

Câu chuyện không của riêng địa phương nào

Ông Đào Văn Phước, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, năm học 2021-2022, toàn trường có khoảng 400 HS THCS và THPT. Với đặc thù là trường dành riêng cho các em HS người dân tộc thiểu số, các em đa phần có hoàn cảnh khó khăn, ngày tựu trường 1/9 vừa qua, qua khảo sát, toàn trường có hơn 50 HS không có thiết bị học tập. Cô Đào Thị Phong, GV chủ nhiệm lớp 9A2 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết thêm, nhiều em HS gặp khó khăn, không có thiết bị, phải mượn điện thoại, máy tính của người thân. Gia đình các em cũng không có điều kiện lắp wifi, phải sử dụng hoàn toàn 3G, 4G nên đường truyền rất yếu. “Tôi và nhà trường lo lắng cho việc học tập của các em, nhất là với HS cuối cấp. Để bảo đảm bổ sung kiến thức cho HS, GV chủ nhiệm các lớp đang phối hợp chặt chẽ với GV bộ môn tăng cường thêm các bài tập, lập thêm các đường link bài tập riêng qua zalo để GV bộ môn hỗ trợ thêm cho HS, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”.

Cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Châu Đức) cho hay, năm học này, nhà trường có 600 HS thì có tới 40% HS gặp khó khăn về thiết bị. Một số HS không có thiết bị thông minh phục vụ cho việc học tập. Một số em gia đình có điện thoại thông minh nhưng cha mẹ các em phải làm việc “ba tại chỗ” hoặc đang kẹt lại ở địa phương khác nên không thể hỗ trợ các em tham gia học trực tuyến. Hiện nay, nhà trường đã lập danh sách những HS khó khăn về thiết bị gửi về Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức xem xét, hỗ trợ các em.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, trên địa bàn còn gần 800 HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Hiện nay, UBND huyện đã gửi thư ngỏ đến các đơn vị, cá nhân, vận động thiết bị cho các em; đồng thời phối hợp với các nhà mạng hỗ trợ sim, tăng băng thông, tốc độ đường truyền internet cho các em học tập. 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cũng cho biết, toàn thành phố hiện có 1.366 HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, bậc TH là 918/35.189 em (tỷ lệ 0,04%); THCS là 448/23.514 em (tỷ lệ 1,9%). Theo bà Lan Hương, đối với HS có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị để học, ngành giáo dục có nhiều phương án như vận động mạnh thường quân đóng góp thiết bị cũ còn sử dụng tốt để phân phối cho HS; xin chủ trương đưa các bài giảng lên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, ưu tiên cho các khối lớp 1, 2 và khối 9, 12; đồng thời yêu cầu các trường tổ chức quay video bài giảng tháng 9 và tháng 10 để gửi cho phụ huynh hướng dẫn con học ở nhà và đăng trên website của trường, Phòng GD-ĐT.

Bà Dương Yến Phượng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Long Điền thì cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 400 HS THCS và 1.000 HS TH chưa có thiết bị để học trực tuyến. UBND huyện đã cho chủ trương vận động thiết bị, vận động kinh phí mua sắm thiết bị học trực tuyến cho HS từ cha mẹ HS, nhà hảo tâm, cơ quan, DN trên địa bàn huyện. Đồng thời, các nhà trường triển khai phương án học qua chương trình truyền hình của Bộ GD-ĐT, gửi video, tài liệu học tập cho phụ huynh qua zalo, email hoặc photo bài học, bài tập chuyển đến nhà cho HS nếu chưa kịp có thiết bị… 

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

;
.