Gác niềm riêng, xông pha vào tâm dịch
Hơn 1 tháng qua, các ĐVTN, tình nguyện viên (TNV) đã tạm gác thời gian bên gia đình để hỗ trợ nhập liệu cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Công việc vất vả và đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng họ vẫn hăng hái, nhiệt tình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hỗ trợ đắc lực cho CDC
20h 45 phút, Ngô Tấn Dững, 28 tuổi, ĐVTN của Tỉnh Đoàn rời khách sạn Galaxy (phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) để tới CDC, bắt đầu ca trực của mình. Dững thay bộ đồ bảo hộ, làm thủ tục giao ca với nhóm trước và cùng các thành viên của nhóm trực tiếp bắt đầu làm việc. Từ 5/8 đến nay, Dững và 24 TNV làm nhiệm vụ nhập liệu, nhận mẫu tại CDC. Hàng ngày, sau khi mở niêm phong, TNV kiểm đếm ống mẫu và đối chiếu với phiếu nhận mẫu, bảo đảm không sai sót; sau đó chuyển đi nhập mã code của từng ống mẫu và chuyển khay ống mẫu đến phòng lab. Công việc đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối khi nhập và đối chiếu thông tin cá nhân của hàng ngàn người được lấy mẫu xét nghiệm ở các địa phương, lưu vào hệ thống để hỗ trợ công tác thu thập thông tin, nên TNV khi làm việc phải tập trung cao và cẩn thận.
Nhóm của Dững có 25 TNV, chia làm 3 ca (ca 1: từ 8h đến 16h; ca 2: từ 16 đến 22h và ca đêm: từ 2h đến 8h). “Ngày nào ít mẫu, khoảng 3-4 giờ sáng, cả nhóm sẽ được nghỉ ngơi tại chỗ, thời gian cao điểm, chúng tôi làm việc suốt đêm mới hoàn thành công việc”, Dững chia sẻ.
Đăng Khoa (trái) hướng dẫn một tài xế sử dụng phần mềm quản lý lịch trình di chuyển. |
Do tiếp xúc với các ống mẫu, nguy cơ nhiễm virus cao, nên hơn 1 tháng qua, Dững và các bạn không về nhà. Họ được bố trí ăn, ở tại khách sạn, mỗi ngày chỉ di chuyển từ khách sạn đến trụ sở CDC và quay về.
Đỗ Thị Thu Kim, 21 tuổi, ĐVTN phường Long Toàn là một TNV của nhóm. Nhà Kim cách nơi nhóm đang ở chỉ hơn 1km, nhưng đã hơn tháng qua Kim chưa về nhà. Kim cho hay: “Tôi vừa học xong nghề tóc, nhưng chưa kịp mở tiệm thì đợt dịch lần thứ 4 đến. Qua mạng xã hội, tôi biết Tỉnh Đoàn tuyển TNV nên đăng ký tham gia và được tập huấn để nhập liệu, nhận mẫu. Lúc đầu cũng rối lắm và tôi chưa thạo sử dụng máy vi tính. Các địa phương ghi mẫu cũng khác nhau nên nhập mã code gặp nhiều khó khăn. Nay thì tôi đã quen việc rồi”.
Trong khi đó, TNV Hồ Đăng Khoa, ĐVTN xã Hòa Long đã 2 tháng chưa về thăm nhà. Từ giữa tháng 7, Khoa nằm trong nhóm 12 TNV trực chốt tại Quốc lộ 51 (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) với công việc kiểm tra thân nhiệt, hỗ trợ người tham gia giao thông khai báo y tế. Sau 28 ngày, Khoa và các TNV tiếp tục hỗ trợ lực lượng tuyến đầu hướng dẫn tài xế khai báo lịch trình, khai báo y tế qua ứng dụng quản lý tài xế hoặc trên giấy. Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, nhóm TNV của Khoa được bố trí nghỉ ngơi tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng phường Long Hương, TP. Bà Rịa.
Toàn tỉnh hiện có 41 TNV của Tỉnh Đoàn tham gia nhận mẫu nhập liệu ở CDC, trực chốt Quốc lộ 51, trực tại Tỉnh Đoàn. Tất cả TNV đều thực hiện “3 tại chỗ”, được tập huấn, được cấp đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, được lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên và được tiêm ít nhất 1 mũi văc xin phòng COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc, Phụ trách CDC tỉnh cho biết, mỗi ngày có từ 6.000 - 7.000 ống, cao điểm lên tới 8.000 ống xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở các địa phương được chuyển đến trung tâm, tập trung nhiều nhất vào buổi chiều. Cường độ công việc cao, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ TNV mà CDC sớm trả kết quả xét nghiệm cho các địa phương.
Thử thách chính mình
“Khát khô họng, nóng bức, kiệt sức…” là những gì mà các TNV trải qua khi căng mình làm việc liên tục nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết nắng nóng. Vất vả là vậy nhưng các TNV coi đó là cơ hội để thử thách chính mình.
Dững chia sẻ: “Những ngày cao điểm trong mùa dịch, khi ống mẫu từ các địa phương về quá nhiều, chúng tôi phải làm việc liên tục từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Khi xong việc, cơ thể mệt mỏi rã rời. Thỉnh thoảng có bạn nhập mã code sai, chúng tôi phải dò lại từ đầu. Nhưng các y, bác sĩ luôn động viên khiến chúng tôi như được tiếp thêm động lực. Vào đây rồi, chúng tôi càng hiểu và thương đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch hơn nữa”.
Bên cạnh đó, TNV còn phải vượt qua nỗi sợ lây nhiễm, nỗi nhớ nhà da diết khi phải xa gia đình đằng đẵng cả tháng trời. Kim chia sẻ về kỷ niệm “nhớ đời” khi cả nhóm phải tạm cách ly trong vài tiếng vì nghi có liên quan đến một ca F0. “Lúc đó chúng tôi cũng hoang mang, nhưng lại động viên nhau cố gắng. Cuối cùng sau vài tiếng, người đó được xác định không nhiễm virus, chúng tôi lại tiếp tục công việc như chưa có gì xảy ra”, Kim nói.
Đăng Khoa thì chia sẻ, sau mỗi ca trực, ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng luôn nhắc nhau giữ gìn, không được chủ quan tháo bỏ bộ đồ bảo hộ trong thời gian trực. “2 tháng cùng sống, sinh hoạt bên nhau, chúng tôi xem nhau như người thân. Chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm mới”, Khoa nói.
Bài, ảnh: MINH THANH