Chuyện về bác sĩ - bệnh nhân F0 trên tuyến đầu chống dịch
Trên hành trình cứu người đầy gian nan, nhiều bác sĩ đã nhiễm COVID-19. Nhưng thay vì nghỉ ngơi, điều trị để sớm hồi phục, họ tình nguyện ở lại cùng F0, cùng chia lửa với đồng nghiệp trong cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19.
Bác sĩ Hải (trái) và đồng nghiệp làm việc tại Khu điều hành Bệnh viện dã chiến số 8. |
Bác sĩ kiêm bệnh nhân
Trong vòng 1 tháng, bác sĩ Dương Thanh Hải (Khoa Ung bướu Bệnh viện Bình Dân, TP. Hồ Chí Minh) trải nghiệm cả những khó khăn, những giây phút tưởng chừng kiệt sức khi làm việc tại bệnh viện (BV) dã chiến, cả cảm giác khó chịu, lo lắng và mệt rã người khi trở thành F0. Vượt lên tất cả, một trong những việc đầu tiên anh làm khi khỏi bệnh COVID-19 là viết đơn xin cùng sát cánh bên các đồng đội của mình ở BV Bình Dân đang làm công tác chống dịch tại BV dã chiến số 8. Anh giải thích đơn giản là bởi mình “không thể vô cảm trước tình cảnh chưa từng thấy trong đời”.
Ngày 25/7, ban lãnh đạo BV Bình Dân chấp thuận đơn đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19 của bác sĩ Dương Thanh Hải. Bác sĩ Hải từng là bác sĩ điều trị tại BV dã chiến thu dung và điều trị số 2 và là bệnh nhân F0 vừa được công bố khỏi bệnh 2 ngày. Tháng 7 là tháng đáng nhớ trong đời bác sĩ Hải, từ khi anh xung phong đi tuyến đầu chống dịch tại BV Dã chiến số 2 (quận 12, TP. HCM). 9 ngày sau, anh được xác định nhiễm COVID-19.
Trước đó, bác sĩ Dương Thanh Hải đã tình nguyện tham gia lực lượng phòng chống dịch của BV Bình Dân tiếp viện cho khu cách ly tập trung các trường hợp F1 tại Ký túc xá Đại học Quốc gia (Thủ Đức, TP. HCM). Trước tình hình số ca F0 gia tăng, BV dã chiến thu dung điều trị COVID -19 số 2 (BV dã chiến số 2) được thành lập, bác sĩ Hải trở thành đội trưởng Đội 1 BV Bình Dân gồm 8 người (3 bác sĩ và 5 điều dưỡng) tham gia nhiệm vụ tại nơi này. Ngày 6/7 nhận lệnh, ngay sáng hôm sau, nhóm lên đường.
BV dã chiến số 2 có quy mô 2.500 giường, bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng từ ngày 5/7/2021. Khi bác sĩ Hải đến, BV mới hoạt động được 3 ngày. Ngày đầu nhận khoảng 600 bệnh nhân, ngày thứ 2 nhận khoảng 1.200 bệnh nhân, trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, lực lượng dân quân làm việc với áp lực lớn.
Bệnh viện dã chiến cứ như một tờ giấy trắng, nơi bác sĩ không chỉ theo dõi bệnh nhân, mà còn kiêm luôn cả việc trải ga giường, dọn rác, xử lý điện nước và đủ việc không tên khác... Công việc bận đến nỗi, cả đội quên luôn sự bức bối, nóng nực, khó chịu của những bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang, kính chắn giọt bắn và cái nóng của mùa hè miền Nam. Tất cả giăng sức, cấp tập nhận bệnh, sắp xếp giường, hỗ trợ dân phòng các công tác hậu cần, theo dõi diễn tiến bệnh, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Trong muôn vàn khó khăn tưởng chừng muốn kiệt sức, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng còn kiêm luôn công tác hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, người nhà khi người bệnh lo lắng, hoảng sợ vì bệnh đột nhiên trở nặng.
Bác sĩ Dương Thanh Hải cho biết, anh không bao giờ quên hình ảnh 2 mẹ con vào BV dã chiến số 2 trong tình cảnh lếch thếch vào một đêm mưa. Người mẹ một tay ôm đứa con chỉ vài tháng tuổi, một tay kéo va li bước qua những vũng nước. Hay những cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu mà còn phải đi theo chăm cháu vì “nhà chẳng còn ai, cha mẹ chúng đã được đưa đi điều trị nơi khác cả rồi, hay cả những em bé phải vào BV dã chiến một mình…”. Anh cũng có một gia đình nhỏ và 2 đứa con thơ nên rất đồng cảm với những nỗi đau này.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân xung phong đi tuyến đầu chống dich. |
Khi F0 là bác sĩ ở bệnh viện dã chiến
Khi bị nhiễm COVID-19, khứu giác, vị giác mất, người mỏi mệt, bác sĩ Hải đã chủ động xin về điều trị tại BV dã chiến số 8, nơi anh có thể vừa tiếp tục sứ mệnh cứu chữa cho bệnh nhân, vừa điều trị bệnh.
BV Dã chiến số 8 thành lập ngày 13/7 với nòng cốt là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của BV Bình Dân, sự hỗ trợ từ BV Thống Nhất cùng các lực lượng dân quân, có quy mô 5.000 giường bệnh. BV tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. “Người bệnh” Dương Thanh Hải được phân vào phòng số 8 cùng 2 đồng nghiệp. Tại đây, anh tham gia vào nhóm hỗ trợ người bệnh trên nền tảng Zalo - có vấn đề gì, bệnh nhân nhắn tin lên nhóm Zalo để được nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Được chia lửa cùng các đồng đội tuyến đầu theo một cách mới mẻ này giúp khoảng thời gian điều trị của bác sĩ Hải trôi qua đầy ý nghĩa. Thay vì nằm chờ hết bệnh, anh đã giúp trấn an tâm lý, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân, hỗ trợ cho các đồng nghiệp khác vốn đang quá tải. Bác sĩ Hải còn chủ động chạy ngay đến những phòng bệnh khác khi được báo có người bệnh khó thở, suy hô hấp. Anh nhanh chóng nắm bắt tình hình, đánh giá tình trạng bệnh để xử lý và báo cáo cho bác sĩ điều trị những ca nặng.
Ngày 23/7, với kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ Hải được trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định. Và ngày 25/7, bác sĩ Hải gửi tiếp đơn đăng ký tình nguyện tham gia vào đội phòng chống dịch COVID-19 tại BV dã chiến số 8”, nơi anh đã từng có kinh nghiệm “chiến đấu” cả trong vai trò người bệnh lẫn bác sĩ. Đến giữa tháng 9 bác sĩ Hải vẫn đang bám trụ tại BV này.
Tặng túi thuốc cho bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến. |
“Tôi rất cảm ơn sự động viên và hỗ trợ từ Ban giám đốc BV Bình Dân, Ban Giám đốc và các phòng ban của BV dã chiến cùng sự góp sức của đồng đội, đã giúp tôi có thêm ý chí trong nhiệm vụ rất đặc biệt này. Tôi không có mong muốn gì hơn là dịch được khống chế để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường và những mất mát, tổn thương sẽ vơi đi. Cả người dân, nhân viên y tế và các lực lượng hỗ trợ đang phải trải qua rất nhiều khó khăn với những tình cảnh tôi chưa từng thấy trong đời”, anh trầm giọng chia sẻ.
Hơn 3 tháng nay, để toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc, bác sĩ Dương Thanh Hải và vợ đã gửi 2 con gái nhỏ về quê vợ ở tỉnh Vĩnh Long. Lúc này đây, anh rất nhớ con. Anh mong dịch sớm qua đi để gặp lại người thân…
Bài, ảnh: TRẦN NHUNG