Bảo đảm an sinh xã hội - một mắt xích để chống dịch thành công

Thứ Tư, 01/09/2021, 20:08 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình công tác an sinh xã hội (ASXH) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu đời sống và sự hỗ trợ của địa phương đối với người lao động, hộ khó khăn trên địa bàn.

Các địa phương làm tốt công tác ASXH

Theo ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tính đến ngày 27/8, huyện Châu Đức đã trình UBND tỉnh thẩm định 23.281 hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68. UBND tỉnh đã phê duyệt 18.072 hồ sơ. Huyện đã giải ngân cho 17.521 hồ sơ với tổng số tiền 19,4 tỷ đồng, đạt 96,63%. Về lương thực, thực phẩm, huyện cũng tổ chức cấp phát từ 1-3 lượt gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 25/8 huyện đã xây dựng kế hoạch gói an sinh tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho 6.962 hộ gia đình với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.

Tại TX.Phú Mỹ, theo UBMTTQ Việt Nam thị xã, thời gian qua, địa phương đã trao hơn 39 ngàn phần quà gồm gạo, thực phẩm, rau, trứng… cho các hộ gia đình khó khăn, người lao động mất việc, người thuê trọ, ước tổng trị giá quà gần 10 tỷ đồng. Chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trên 13,5 tỷ đồng. Thị xã cũng có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại chỗ cho nhân dân trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội tính từ ngày 25/8.

TP.Vũng Tàu triển khai các tổ đi chợ hộ, giúp người dân hạn chế ra đường.
TP.Vũng Tàu triển khai các tổ đi chợ hộ, giúp người dân hạn chế ra đường.

Còn tại TP.Vũng Tàu, bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu cho biết, khi đợt dịch bùng phát, từ ngày 14/7, MTTQ đã vận động số tiền mặt 4,2 tỷ đồng; vận động hàng trăm tấn rau, củ quả, hơn 36 ngàn phần quà, hàng chục tấn thịt, cá (với tổng trị giá hơn 29 tỷ đồng) để hỗ trợ các hộ khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với các khu vực phong tỏa, MTTQ đã hỗ trợ hơn 6.100 lượt hộ khó khăn; tổ chức mô hình “tổ đi chợ giúp dân”, các tổ giao hàng “áo xanh tình nguyện”... để hỗ trợ người dân đi mua hàng hóa, hạn chế ra khỏi nhà trong mùa dịch.

Đặc biệt, UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu đã thực hiện mô hình “túi an sinh”, với gần 5.000 túi được trao tặng cho các hộ dân trong các khu phong tỏa trên địa bàn. “Ngoài gạo, mỳ, nhu yếu phẩm, trong túi an sinh có những loại thuốc thiết yếu, như: hạ sốt, vitamin C, dầu gió, khẩu trang, chai xịt khuẩn... với mong muốn người dân hãy yên tâm, cùng chính quyền địa phương chống dịch”, bà Mai Ngọc Oanh nói.

Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu giới thiệu mô hình túi an sinh đến lãnh đạo UBMTTQ tỉnh.
Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu (bìa phải) giới thiệu mô hình túi an sinh đến lãnh đạo UBMTTQ tỉnh.

Bên cạnh những mặt đã làm được, các địa phương cũng chia sẻ hiện nay một số nhu yếu phẩm như mì gói, nước tương khan hiếm, đề nghị tỉnh hỗ trợ để tiếp tế cho người khó khăn trong những ngày tới.

Người dân đồng thuận với chính quyền

Chính sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc ủng hộ, tuân thủ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Việc làm tốt công tác ASXH được coi là một trong những mắt xích quan trọng để chống dịch thành công. Đơn cử, tại huyện Xuyên Mộc, đã có gần 8.800 hộ dân thuộc diện khó khăn, trong khu cách ly, phong tỏa được hỗ trợ; số cuộc gọi nhận được từ đường dây nóng giảm đáng kể. Nguồn lương thực dự phòng của huyện đang ổn định, mỗi ngày huyện xuất ra 15 tấn rau để phục vụ người dân. Tổ đi chợ được thực hiện theo quy định xã nào đi chợ cho xã đó. Trong đợt giãn cách thứ 4, không có tình trạng người dân trữ hàng. Người dân đã yên tâm ở nhà, qua đó tăng hiệu quả chống dịch, dần giúp Xuyên Mộc mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, số ca mắc mới được ghi nhận cũng giảm rõ rệt. 

TP.Vũng Tàu triển khai các tổ đi chợ hộ, giúp người dân hạn chế ra đường.
Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát tình hình an sinh xã hội tại xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc.

Bà Lê Thị Hồng (Bến Cát, Bình Dương) thuê trọ tại thôn Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết, vợ chồng bà làm nghề bán nước dạo bên lề đường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách theo đúng Chỉ thị 16, gần 2 tháng nay, vợ chồng bà dừng buôn bán. “Tôi được chính quyền xã hỗ trợ 3 lần gồm các nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, rau, trứng, dầu ăn …Trong thời gian tới, tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ để có thể yên tâm ở nhà, chung tay cùng chính quyền chống dịch”. Bà Hồng chia sẻ cùng đoàn khảo sát.

Tương tự, tại TP.Vũng Tàu, do được hỗ trợ kịp thời, các lao động mất việc, người khó khăn ở trọ vẫn thể hiện sự cố gắng, quyết tâm cùng chính quyền dập dịch. Ông Mai Đức Dội, hiện đang ở trọ tại 17/27/9, Ngô Đức Kế, TP.Vũng Tàu cho biết, ông và vợ đều là lao động thủ công. “Đã 2 tháng qua, vợ chồng tôi thất nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng được địa phương hỗ trợ 3 lần về gạo, nhu yếu phẩm, đồng thời được trợ cấp 1,5 triệu đồng. Vẫn còn khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng. Chỉ mong dịch sớm được dập để vợ chồng tôi đi làm lại”, ông Dội nói.

Theo ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, qua đánh giá, tình hình dư luận và thái độ của người dân trong toàn tỉnh đều đồng tình, ủng hộ, cảm thông khi chính quyền tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội; người dân đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng. Người dân cũng an tâm vì công tác ASXH trên địa bàn được bảo đảm, không cần tích trữ hàng hóa. Ngoài ra, người dân mong muốn sớm được tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19.

“Bên cạnh mặt tích cực, chúng tôi ghi nhận tình trạng một số hộ dân thắc mắc về lương thực, thực phẩm. Mặc dù được địa phương hỗ trợ nhưng do thời gian giãn cách xã hội quá dài nên gia đình đã sử dụng hết nguồn lương thực được hỗ trợ. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình người dân, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng thuộc diện yếu thế, hộ gia đình khó khăn, hộ gia đình trong khu nhà trọ để có phương án hỗ trợ kịp thời. Các địa phương nên có đường dây nóng cấp xã, phường để kịp thời tiếp nhận thông tin để hỗ trợ dân, không để các hộ dân thiếu đói. Những vướng mắc khác của địa phương, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh có phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất", ông Lê Hồng Ngọc nhấn mạnh.

MINH THANH- MỸ LƯƠNG- NHUNG HOA

 

 

 

 

;
.