Trắng đêm hồi sinh bệnh nhân COVID-19

Thứ Hai, 02/08/2021, 21:58 [GMT+7]
In bài này
.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những ca bệnh nặng, nguy kịch, hôn mê sâu. Sở Y tế đã điều động nhân lực hồi sức cấp cứu từ Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu để điều trị, cứu sống những bệnh nhân này.

Trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19, y bác sĩ hồi sức cấp cứu đã làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí là trắng đêm không ngủ.

Các y bác sĩ di chuyển bình oxy cung cấp cho máy thở tại phòng hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại TTYT huyện Long Điền.  Ảnh: BV BÀ RỊA (trích xuất từ camera phòng điều trị).
Các y bác sĩ di chuyển bình oxy cung cấp cho máy thở tại phòng hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại TTYT huyện Long Điền. Ảnh: BV BÀ RỊA (trích xuất từ camera phòng điều trị).

Phản ứng nhanh

Giữa tháng 7, tại cơ sở điều trị TTYT huyện Long Điền bắt đầu có những bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng, khả năng nguy kịch đến tính mạng. Để kịp thời cứu sống những bệnh nhân này, trước đó, Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho BV Bà Rịa cử ê kíp y bác sĩ hồi sức gồm 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng và bác sĩ Khoa Nhiễm của BV Bà Rịa phụ trách chuyên môn và trực tiếp điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Bác sĩ Ngô Quang Tú, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bà Rịa là người đầu tiên tham gia điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng cho hay, lúc đó TTYT Long Điền không có phòng hồi sức. Do đó, mọi thứ đều phải chuẩn bị gấp rút để tổ chức ngay một phòng hồi sức. Từ giường bệnh, máy móc, thiết bị y tế cho đến thuốc men đều được nhanh chóng vận chuyển từ BV Bà Rịa qua. 2 bệnh nhân nặng đầu tiên đã được hồi sức thành công và được chuyển về tầng theo dõi bệnh thường. Sau đó, tiếp tục xuất hiện 4 trường hợp chuyển biến rất nặng. Cả ê kíp tiếp tục lao vào làm việc không ngừng nghỉ...

“Dù thường xuyên phải cấp cứu những ca bệnh nguy kịch nhưng với COVID-19, mọi thứ còn quá mới mẻ! Chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhất là bệnh lại diễn tiến quá nhanh, những quyết định điều trị phải được đưa ra nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, chúng tôi khá áp lực, đầu óc luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Dưới sự trợ giúp của bác sĩ BV tuyến trên, hội chẩn của khoa, chúng tôi đã có những quyết định điều trị đúng và kịp thời. Bước đầu đã giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi”, bác sĩ Tú nói.

Tham gia ê kíp điều trị bệnh nhân nặng tại TTYT Long Điền, bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bà Rịa chia sẻ: “Những ngày điều trị ca bệnh nguy kịch, mỗi ngày chúng tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng, có đêm phải thức trắng để theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Khi bệnh nhân có những cải thiện về chỉ số oxy trong máu, cả ê kíp mới vơi bớt phần nào sự lo âu, căng thẳng”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại phòng hồi sức, TTYT huyện Long Điền. Ảnh: NHẬT LINH (chụp qua màn hình theo dõi bệnh nhân).
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại phòng hồi sức, TTYT huyện Long Điền. Ảnh: NHẬT LINH (chụp qua màn hình theo dõi bệnh nhân).

Đối mặt hiểm nguy

Áp lực chuyên môn đã đành, đằng sau đó còn là những nguy hiểm rủi ro nhiễm bệnh rất cao mà không phải ai cũng chấp nhận “dấn thân”. Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát thổ lộ: “Tôi xác định đi làm nhiệm vụ nên tâm lý thoải mái và sẵn sàng. Nhưng cái khó là thuyết phục, động viên gia đình để mọi người an tâm và ủng hộ mình. Rủi ro cao nhất là khi đặt nội khí quản, chúng tôi phải tiếp xúc rất sát với vòm họng người bệnh, nguy cơ lây nhiễm từ giọt bắn của bệnh nhân là rất cao”.

2 tháng nay, bác sĩ Ngô Quang Tú chỉ có thể gặp mặt đứa con mới hơn 1 tuổi qua điện thoại. Vợ chồng anh đều làm việc ở khoa hồi sức, nguy cơ lây nhiễm cao, nên khi xác định đi làm nhiệm vụ, anh chị đã gửi bé về quê cho ông bà nội chăm sóc. “Chủng virus biến thể Delta khiến những triệu chứng suy hô hấp của bệnh nhân diễn biến nhanh, âm thầm, khó tiên lượng. Trong khi nhân lực bác sĩ hồi sức còn đang thiếu, chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn và khó khăn để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân”, bác sĩ Tú nói.

Trưa 2/8, bác sĩ Lâm Tuấn Tú, Phó Giám đốc BV Vũng Tàu cho biết: “Hiện cơ sở điều trị COVID-19 BV Vũng Tàu đang điều trị 19 bệnh nhân nặng phải thở máy. BV có 8 bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân này, trong đó ngoài 4 bác sĩ của BV còn có 4 bác sĩ của các đơn vị y tế khác hỗ trợ (2 bác sĩ của BV Bà Rịa, 1 bác sĩ Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 1 bác sĩ huy động từ cơ sở y tế tư nhân). Số bệnh nhân nặng có khả năng sẽ ngày càng tăng lên, do đó trước mắt BV dự kiến nâng số giường điều trị lên 30 giường ICU. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực hiện tại chưa thể đáp ứng, cần bổ sung thêm 12 bác sĩ, trong đó 6 bác sĩ chuyên khoa về hồi sức cấp cứu”.
 
Để giải quyết vấn đề nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 4 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 4 điều dưỡng đi cùng 4 tua trực tại Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Vũng Tàu.

Khi cơ sở điều trị COVID-19 đặt tại BV Vũng Tàu (cơ sở mới trên đường 2/9, phường 11, TP. Vũng Tàu) đi vào hoạt động ổn định, chiều 28/7, bệnh nhân nặng đang điều trị tại TTYT Long Điền đã được chuyển về đây tiếp tục điều trị trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Đồng thời, BV Bà Rịa cũng điều động ê kíp bác sĩ điều dưỡng hồi sức cấp cứu theo về đây phối hợp tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân nặng. Cuối tuần qua, ê kíp y bác sĩ này đã hoàn thành xong ca trực 14 ngày cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Sáng 2/8, BV Bà Rịa tiếp tục điều động ê kíp 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực thay thế, làm nhiệm vụ tại BV Vũng Tàu.

MINH THIÊN

;
.