Chiều tối 16/8, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 (BCĐ) tỉnh đã chủ trì họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch. Cuộc họp tập trung đánh giá, nhận định toàn bộ những nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn tỉnh; từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống dịch sát và phù hợp nhất.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: QUANG VINH |
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát
Báo cáo của BCĐ tỉnh cho biết, tính từ 18 giờ ngày 15/8 đến 18 giờ ngày 16/8, BR-VT ghi nhận 27 ca mắc COVID-19 mới; không có ca ngoài cộng đồng. Số ca đã khỏi bệnh trong ngày là 93 ca, nâng tổng số người được điều trị khỏi lên 1.524 người (tính từ ngày 28/6 đến nay). Số lượng ca mắc mới ghi nhận tính từ ngày 28/6 đến nay là 2.550 ca; trong đó, cao nhất là huyện Long Điền (947 ca), TP.Vũng Tàu (792 ca), huyện Xuyên Mộc (584 ca); kế đó là TX.Phú Mỹ (97 ca), huyện Đất Đỏ (57 ca), TP.Bà Rịa (55 ca), huyện Châu Đức (18 ca).
Về công tác tiêm vắc xin COVID-19, trong đợt 5, tỉnh đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị 101.040 liều và đến 13 giờ ngày 16/8 đã hoàn thành tiêm 92.224 liều, đạt 91,4%. Số còn lại sẽ được tiến hành tiêm mũi 2 cho các trường hợp đủ điều kiện trong thời gian tới.
Theo đánh giá của BCĐ tỉnh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, các F0 ghi nhận trong các khu phong tỏa còn khá cao.
Do đó, BCĐ đề nghị các địa phương tiếp tục siết chặt việc giãn cách, đặc biệt là trong các khu phong tỏa; khẩn trương triển khai xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng. Khi phát hiện các ca F0 ngoài cộng đồng phải tổ chức truy vết triệt để, làm đến đâu chắc đến đó. Tiếp tục các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly; giám sát chặt các địa bàn, không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn khác; xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác mà không khai báo…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ truy vết triệt để; đồng thời tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để đánh giá sát hơn mức độ lây nhiễm ở các khu vực nguy cao cao. Trong đó, việc ứng dụng phần mềm CNTT là hết sức cần thiết để truy vết nhanh, triệt để các ca bệnh, ổ dịch; nhất là những ca có tính chất phức tạp, lịch trình di chuyển dày đặc.
Số ca mắc sẽ tiếp tục tăng nhưng trong vòng kiểm soát
Theo Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn - chuyên gia được Bộ Y tế điều động hỗ trợ BR-VT, dự báo trong mấy ngày tới số ca mắc trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục cao, xuất phát từ 2 nguồn được dự báo là: việc di dân từ TP.Hồ Chí Minh về BR-VT, các mẫu gộp xét nghiệm dương tính đã được lấy diện rộng vừa qua.
Các địa phương gồm các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu, xác định là “điểm nóng” cần tập trung khẩn trương lấy mẫu sàng lọc diện rộng để phát hiện sớm F0 còn trong cộng đồng. Mặt khác, việc truy vết cần được mở rộng hơn. Bởi vi rút SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-5 ngày trước khi bắt đầu phát bệnh, do đó để việc truy vết được triệt để thì cần phải truy vết lùi lại thêm 5 ngày (hiện nay là trong vòng 14 ngày).
Tiến sĩ Quang cho rằng, việc truy vết phải được làm đến cùng, tránh bỏ sót F1, đồng thời, phải làm rõ nguyên nhân phát sinh lây nhiễm để có giải pháp xử lý triệt để, tránh lây lan trong khu vực. Trong khu vực phong tỏa cần thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định; cần tính đến phương án cách ly y tế tại nhà cho các F1 đã được cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 nhằm giảm gánh nặng và nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung; sắp xếp các trường hợp cách ly tập trung phù hợp để giảm nguy cơ lây nhiễm; quản lý chặt chẽ công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, cảng biển, cơ sở kinh doanh, cảng cá, chợ dân sinh; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm test nhanh và RT-PCR...
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân huyện Đất Đỏ. Ảnh: VÂN ANH |
Cùng với đó, TS Quang cũng đã đưa ra các khuyến nghị về chuyên môn để tỉnh thực hiện tốt một số công việc trong phòng, chống dịch như: công tác thực hiện thu thập mẫu bệnh tại các điểm; công tác thu dung, phân loại nguy cơ và điều trị ca bệnh; công tác tiêm vắc xin; công tác chăm sóc tâm lý-tâm thần trong đại dịch; công tác huy động nguồn lực vào các khâu phòng, chống dịch COVID-19; quản lý và vệ sinh môi trường khu vực khám chữa bệnh…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, tỉnh đã bước vào đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch, từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 25/8. 10 ngày tới chính là khoảng thời gian quyết định, do đó, UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương cần tận dụng, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, như: Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tỉnh trên cả đường bộ và từ đường biển, nhất là tại các cảng cá tại các địa phương như huyện Long Điền, Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu; quản lý chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 16 trong và ngoài cơ sở cách ly tập trung, khu vực phong tỏa và đến từng khu phố, ngõ hẻm; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân…
“Vấn đề quan trọng là chúng ta làm sao cho giãn cách phải triệt để nhất, đúng theo Chỉ thị 16 với tinh thần “ai ở đâu ở đấy”. Cùng với đó, việc lấy mẫu xét nghiệm phải triệt để, không bỏ sót bất cứ mối nguy cơ nào. Việc khoanh vùng cũng phải được thực hiện nhanh hơn, với diện rộng hơn mới mong dập được dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh chỉ đạo.
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh làm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (gọi là Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh). Ban Chỉ đạo gồm 10 thành viên: Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo, phụ trách chung về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Văn Tuấn, Lê Ngọc Khánh, Nguyễn Công Vinh làm Phó trưởng Ban chỉ đạo. 3 thành viên còn lại trong Ban Chỉ đạo gồm các ông: Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Tổ trưởng Tổ an sinh xã hội; Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Tổ trưởng Tổ tuyên truyền, vận động; Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh làm Tổ trưởng Tổ an ninh, trật tự và kiểm soát các chốt. Ngoài ra, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được giao làm Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh. 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Văn Tuấn, Lê Ngọc Khánh và Nguyễn Công Vinh còn được giao nhiệm vụ, lần lượt là Tổ trưởng Tổ Tổng hợp và điều phối, Tổ trưởng Tổ triển khai các chính sách hỗ trợ và cung ứng hàng hóa thiết yếu và Tổ trưởng Tổ doanh nghiệp và vắc xin. Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh BR-VT do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Trước yêu cầu mới về công tác chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa phương có dịch, tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 15/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Tại các địa phương đang có dịch và thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư cấp ủy trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Các địa phương phải thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch, trong đó, Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chỉ huy trưởng và có bộ phận thường trực hoạt động 24/7. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã quyết định thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh. Ban Chỉ huy gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chỉ huy trưởng Trung tâm. Trung tâm Chỉ huy phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh có nhiệm vụ triển khai các kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; Xây dựng, đề xuất các mục tiêu, kế hoạch phòng chống dịch; tổng hợp, đánh giá tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 và báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống, dịch cấp tỉnh; Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch và các giải pháp phòng chống dịch; Chỉ đạo mua sắm, huy động và điều phối các nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Phối hợp xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch hàng ngày hoặc đột xuất… |