Sau 1 tháng giãn cách, người dân đang nghĩ gì?

Thứ Sáu, 20/08/2021, 23:55 [GMT+7]
In bài này
.

Khảo sát riêng ở phạm vi hẹp, chúng tôi ghi nhận, hầu hết ý kiến người dân cho rằng việc áp dụng giãn cách như thời gian qua là rất cần thiết. Có người mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Chính quyền cần đi sâu, đi sát hơn để giải quyết các nhu cầu mới phát sinh.  

Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đường phố Vũng Tàu không một bóng người qua lại. Ảnh: QUỐC THÁI
Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đường phố Vũng Tàu không một bóng người qua lại. Ảnh: QUỐC THÁI

 

Bà LÝ THỊ HƯỜNG

ngụ tại khu phố Vinh Thanh, TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức

Xử phạt nghiêm để người dân không chủ quan

Bà con trong khu phố từ ngày giãn cách đến nay thực hiện 1 người đi chợ dùm luôn cho 4 gia đình để hạn chế việc ra đường. Con cháu trong nhà đều ý thức được diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên chấp hành rất nghiêm chỉ thị, không ra đường khi không thực sự cần thiết. Tôi rất đồng tình với việc giãn cách và mong muốn việc xử phạt thực hiện nghiêm hơn để người dân không chủ quan mà chấp hành nghiêm, để dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.

Bà TRẦN THỊ MỸ NƯƠNG 

ngụ tại 12A07, chung cư Bình An, phường 10, TP. Vũng Tàu

Tiếp tục thực hiện việc giãn cách nếu ca nhiễm tiếp tục gia tăng

Việc thực hiện giãn cách xã hội của TP. Vũng Tàu rất phù hợp trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bởi nếu chúng ta lơ là, chủ quan sẽ dẫn đến số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng  tăng. Đặc biệt, trong thời điểm địa phương đang tiếp tục tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn dân, việc giãn cách chính là giải pháp trước mắt, lâu dài và cũng là giải pháp then chốt nhất để phòng, chống dịch hiệu quả.

Nếu trong những ngày tới, các ca nhiễm tiếp tục gia tăng thì địa phương cần tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để tránh tụ tập đông người, tiềm ẩn gia tăng số người mắc mới trongcộng đồng.

Ông TRẦN HỮU ĐỨC

ngụ tại ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức

Nên cho phép các cửa hàng vật tư nông nghiệp mở bán

Việc toàn dân thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tổ cách tổ, thôn cách thôn để bảo đảm phòng dịch, tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, một số loại cây nông nghiệp như điều, cây ăn quả lâu năm bà con thường trồng vào mùa mưa. Phải ở nhà thực hiện giãn cách trong khi đất bị bỏ hoang vì không có cây giống để trồng. Tôi mong muốn, chính quyền địa phương cho phép các cửa hàng kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón, giống cây trồng mở bán cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, để bà con nông dân trồng các loại cây cho kịp mùa vụ. Làm được điều này vừa bảo đảm phòng dịch, vừa duy trì kinh tế. Do giãn cách, các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp tại địa phương đóng cửa hết nên người dân có muốn trồng cây cũng không thể thực hiện vì thiếu giống và phân bón.

Chị NGUYỄN THỊ HẰNG

ngụ tại ấp Song Vĩnh, phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ

Cần hỗ trợ sớm cho người mất thu nhập

Việc giãn cách theo Chỉ thị 16 là cần thiết để hạn chế người ra đường, hạn chế tiếp xúc, giảm các ca nhiễm trong cộng đồng và tiến tới kiểm soát dịch. Tuy nhiên, cần quan tâm hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong thời gian giãn cách. Tỉnh triển khai hỗ trợ từ rất sớm nhưng việc triển khai có khi còn chậm và bỏ sót đối tượng. Đến nay, rất nhiều người thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp nhưng đến nay đã trải qua hơn 30 ngãy giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn chưa được hỗ trợ. Đề nghị tỉnh quan tâm sát sao để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng này. Ngoài ra, việc kiểm soát người đi đường theo Chỉ thị 16 cần thực hiện linh hoạt, tránh cứng nhắc. Bởi thực tế không ai muốn ra đường trong thời điểm này nếu lí do không thực sự cần thiết.

Ông NGUYỄN QUANG VINH 

ngụ tại 1058/29 đường 30/4, khu phố 4, phường 11, TP.Vũng Tàu

Tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch

Dù tình hình đang khó khăn, tôi vẫn tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch mà Chính phủ và các địa phương đang triển khai. Tôi mong rằng nhân dân BR-VT thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là trong thời gian này. Người người, nhà nhà cùng phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch” để chúng ta nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Ông NGUYỄN ĐÌNH LAI

ngụ tại 105/27/10, đường Ngô Đức Kế, phường 7, TP.Vũng Tàu

Chấp nhận sự xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày

Trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tôi luôn duy trì thói quen thể dục, tắm biển mỗi ngày. Thế nhưng kể từ khi thành phố và tỉnh thực hiện giãn cách xã hội đã hơn 30 ngày qua, tôi thực hiện nghiêm và ở nhà chống dịch. Để khuây khỏa, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cây cảnh, sửa chữa đồ điện tử, đồ dùng trong nhà.

Thực sự việc không được ra ngoài với những người cao tuổi chúng tôi trong nhiều ngày qua đã gây ra khá nhiều bất tiện, bức bách, khó chịu. Nhưng vì cái chung, người dân chúng tôi cũng góp sức nhỏ của mình để cùng thành phố, cùng tỉnh mau chóng đẩy lùi dịch bệnh; sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới.

Bà PHẠM THỊ KIM LOAN

ngụ tại tổ 8, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ

Nếu tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sẽ rất  khó khăn

Gia đình tôi bán tạp hóa chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này bắt đầu từ tháng 5 rồi kéo dài đến nay, Chính phủ và BR-VT áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dịch, trong đó Chỉ thị 16, “ai ở đâu ở đó” đã ít nhiều tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nguồn cung hàng thường xuyên thiếu hụt, nhất là nhóm mì, trứng, đậu, đường, sữa… Người dân cũng khó khăn hơn nhiều, mua sắm rất dè sẻn.

Tôi hiểu được việc buộc người dân “ai ở đâu ở đó”, hạn chế tiếp xúc để ngăn dịch bệnh lây lan, song tôi thấy nếu kéo dài nữa sẽ không ổn. Tôi mong muốn Nhà nước tích cực hơn trong việc tiêm vắc xin cho người dân. 

Ông PHAN TẤN NGHIÊM

ngụ tại tổ 9, KP  Hải Điền, TT. Long Hải, huyện Long Điền

Thiệt hại cũng phải gánh chịu

Gia đình tôi đang canh tác gần 2.000m2 rau thủy canh, mỗi ngày cung cấp khoảng 450kg rau xanh, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, giấy đi đường được UBND thị trấn cấp mỗi ngày 1 lần nên đôi lúc gặp khó khăn khi có đơn hàng. Nhưng vì cộng đồng, vì công tác phòng chống dịch bức bách hiện nay chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thiệt hại.

Tình hình dịch bệnh tại TT. Long Hải vẫn còn rất phức tạp, các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, cần thêm một khoảng thời gian nữa để các ngành chức năng có thể kiểm soát được dịch thì mới tính đến chuyện giảm giãn cách theo Chỉ thị 16, phát triển kinh tế. Đừng vì nôn nóng phát triển kinh tế mà để dịch bùng phát mạnh trở lại, khi đó, thiệt hại gấp nhiều lần so với cái lợi trước mắt.

Ông THÁI THUẦN NIÊN

ngụ tại tổ 11, ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền

Xử lý nghiêm những người vi phạm

Chính quyền địa phương và Ban quản lý cảng cá Phước Tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện cho các chủ tàu, tài công xuống thuyền để tát nước, tránh gây hư hỏng tàu thuyền (vì neo đậu lâu nước rỉ vào trong khoang máy). Tuy nhiên, phải nghiêm khắc với các trường hợp lợi dụng xuống bến tàu để làm việc khác. Người dân chúng tôi cũng mong chính quyền địa phương nới giãn cách để người dân có thể kinh doanh, mua bán, đi lại để kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên vẫn phải chủ động phòng dịch COVID-19.

Ông PHẠM MẠNH CƯỜNG

Khu phố trưởng KP 2, phường 1, TP.Vũng Tàu

Luôn hỗ trợ người dân đầy đủ

Hiện TP.Vũng Tàu đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Khu phố 2 tổ chức 6 chốt giữ vững vùng xanh, với sự tham gia nhiệt tình của các lực lượng. Các lực lượng này chốt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, kiểm tra giấy thông hành của người tới khu phố; nhắc nhở shipper đứng bên ngoài “vùng xanh”, nhắc nhở người dân hạn chế ra khỏi nhà. Với hơn 400 hộ dân, trên địa bàn phường không còn hộ nghèo, nhưng vẫn có 8 hộ khó khăn, ngoài ra, có 2 dãy phòng trọ với 8 hộ đang thuê trọ. Trên địa bàn khu phố cũng có 1 trường hợp thanh niên là bộ đội xuất ngũ mắc bệnh hiểm nghèo. Thời gian dịch diễn biến phức tạp, qua sự vận động từ các nhà hảo tâm, chúng tôi đã nhiều lần tặng quà, hỗ trợ cho các hộ khó khăn trên địa bàn, hàng ngày khi được hỗ trợ rau, củ, quả, các suất ăn từ thiện, chúng tôi đều chuyển đến các hộ khó khăn, đồng thời tuyên truyền, động viên người dân cùng chung tay với chính quyền trong công tác, phòng, chống dịch. Đối với các mặt hàng thiết yếu, ĐVTN phường, các tổ đi chợ cũng đi chợ giúp dân, nhờ đó, người dân yên tâm ở trong nhà, tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16.

Anh TRẦN QUỐC TOẢN

ĐVTN phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu

Sẵn sàng khi được huy động

Tôi tham gia lực lượng thanh niên tình nguyện (TNTN) trực chốt từ ngày 19/7, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là trên địa bàn phường Thắng Nhì. Thời gian đầu, tôi được phân công hỗ trợ trực tại chốt phong tỏa số 634 Trần Phú. Từ ngày 9/8, chúng tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ trực tại chốt phong tỏa đường Trần Xuân Độ, khu phố 3 của phường. Mỗi ngày, tôi trực từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, hoặc khi cao điểm, trực đến 10 giờ tối, thậm chí trễ hơn do yêu cầu công việc.

Trong thời gian trực chốt, dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an, CSCĐ, dân quân tự vệ và bảo vệ khu phố, chúng tôi hỗ trợ kiểm tra giấy của các shipper; tham gia bảo vệ khu phố; hỗ trợ các điểm lấy mẫu, tiêm phòng; tập kết quà, lương thực thực phẩm của các mạnh thường quân hỗ trợ khu phong tỏa. Toàn bộ số hàng hóa được tặng hoặc hàng do người dân đặt, sẽ được chúng tôi mang đến đặt trước cửa nhà từng hộ trong khu phong tỏa, bảo đảm họ không ra ngoài. Thời gian được quy định (sáng từ 9-10 giờ, chiều từ 16-17 giờ). Trong thời gian tham gia trực chốt, tôi đã nhận được sự ủng hộ của gia đình, người thân, và luôn chú ý mặc đồ bảo hộ, sát khuẩn cẩn thận, tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân, bảo vệ người xung quanh.

Tuy khó khăn, vất vả và nhiều áp lực, nhưng để nhanh đẩy lùi dịch bệnh và đem lại bình yên cho cộng đồng, tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác đều đồng thuận với chủ trương giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đấy trong thời gian dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cô NGUYỄN THỊ BÍCH HÒA

Phó Hiệu Trưởng trường THPT Châu Thành, TP.Bà Rịa

Giáo viên phải có trách nhiệm hỗ trợ học sinh

Trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, cùng với công tác chuẩn bị cho năm học mới thì giáo viên nhà trường còn tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Suốt nhiều tuần nay, một nhóm giáo viên của trường gồm 7 thầy giáo được huy động hỗ trợ cho tỉnh trong cập nhật báo cáo số liệu tình hình dịch COVID-19 hàng ngày. Trong khi, nhóm giáo viên khác đảm nhận rà soát, lên danh sách giáo viên cụm TP.Bà Rịa để chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, bản thân tôi cũng như các giáo viên khác đang khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho công tác bước năm học mới như chuẩn bị máy móc, bảo đảm đường truyền để sẵn sàng cho việc có thể dạy online khi cần. Đồng thời, thông qua trang facebook của trường, nhóm zalo từng lớp để hướng dẫn HS, nhất là HS lớp 10 chuẩn bị cho việc mua sắm sách vở, dụng cụ học tập cần thiết… Bình thường mọi năm, HS và phụ huynh tự đi tìm mua được nhưng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, các em không tự đi mua sách vở, dụng cụ học tập được. Vì thế, tôi cũng như các giáo viên phải hướng dẫn chi tiết từ việc các đầu sách, tài liệu tham khảo cần mua… rồi cung cấp các kênh mua sắm để các em dễ dàng kết nối mua hơn. Đặc biệt, chúng tôi đang tìm hiểu, rà soát trường hợp HS có hoàn cảnh khó khăn, để có hướng hỗ trợ thiết bị khi các em phải học online. Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, đối với HS lớp 10 mới vào còn bỡ ngỡ và HS lớp 12 cuối cấp tâm lý hơi lo lắng. Do vậy, giáo viên phải có trách nhiệm làm tốt công tác tư vấn tâm lý, hướng dẫn cho phụ huynh, HS chuẩn bị tốt cho năm học mới này.

Anh ĐINH QUANG ĐẠT

tổ 8, ấp Tân Trung, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ 

Việc vận chuyển thực phẩm rất khó khăn

Tôi làm nghề buôn bán thực phẩm nên việc di chuyển trong thời gian địa phương nâng mức kiểm soát, siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến việc đi lại giao hàng khó khăn hơn. Trước kia, tôi có thể chuyển thịt heo xuống TP.Vũng Tàu sau khi khách đặt đơn. Tuy nhiên, việc đi lại đòi hỏi nhiều thủ tục nên tôi phải gửi hàng xuống TP.Vũng Tàu và kết nối để shipper giao hàng tới từng địa chỉ khách đặt. Do làm việc với shipper qua điện thoại nên việc giao hàng theo thời gian quy định cho khách đến đúng địa chỉ không bảo đảm. Dù có ảnh hưởng về thu nhập, khó khăn hơn trong việc đi lại nhưng tôi vẫn ủng hộ việc siết chặt quy định ra đường lúc này để chung tay cùng chính quyền sớm khống chế được dịch bệnh.

Công an TT. Ngãi Giao và bảo vệ dân phố kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: NGỌC BÍCH
Công an TT. Ngãi Giao và bảo vệ dân phố kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: NGỌC BÍCH

 

;
.