Những tình nguyện viên đặc biệt

Thứ Sáu, 27/08/2021, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mọi tình nguyện viên đều đặc biệt, nhưng chúng tôi thật sự “mềm lòng” trước hình ảnh những ma-sơ trên tuyến đầu.

Các nữ tu sĩ Hội dòng Mến Thánh giá Bà Rịa tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại các cơ sở điều trị COVID-19.
Các nữ tu sĩ Hội dòng Mến Thánh giá Bà Rịa tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại các cơ sở điều trị COVID-19.
Không lo lắng, sợ hãi
12 giờ trưa 13/8, 15 nữ tu sĩ Hội dòng Mến Thánh giá Bà Rịa đã tập trung đông đủ tại Nhà dòng Xuân Sơn (huyện Châu Đức) để bắt đầu hành trình tình nguyện hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế do Bệnh viện Bà Rịa phụ trách. 13 giờ 30 phút, các tình nguyện viên có mặt tại Bệnh viện Bà Rịa để được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng thời tham gia tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân và phòng, chống lây nhiễm chéo. Động viên các tình nguyện viên trước lúc “nhập cuộc”, BS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa ân cần: “Chúng tôi trân trọng tấm lòng, sự hi sinh của các sơ. Mong rằng các sơ cố gắng phục vụ người dân, người bệnh và phục vụ cộng đồng, chung tay cùng các y, bác sĩ chiến thắng đại dịch COVID-19”. 
Tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến ký túc xá Trường CĐ Sư phạm BR-VT.
Tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến ký túc xá Trường CĐ Sư phạm BR-VT.
18 giờ 30 phút cùng ngày, các tình nguyện viên được đưa tới Bệnh viện dã chiến tại KTX Trường CĐ Sư phạm BR-VT và Trường Trung cấp Y tế tỉnh. “Được san sẻ bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn cho các y bác sĩ, chúng tôi hoàn toàn không có sự lo lắng hay sợ hãi”, sơ Nguyễn Thị Kim Uyên, một trong các tình nguyện viên đang phục vụ tại Bệnh viện dã chiến KTX Trường CĐ Sư phạm BR-VT chia sẻ.
Còn với sơ Trần Thị Kim Y (SN 1999), tình nguyện viên trẻ tuổi nhất thì đây là niềm mong mỏi đã được ấp ủ từ lâu: “Hằng ngày, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi phần nào cảm nhận được nỗi đau đớn vì bệnh tật, cảm giác cô đơn của những bệnh nhân COVID-19 khi không có người thân bên cạnh. Từ lâu, tôi đã muốn được trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, để góp phần xoa dịu nỗi đau, mang lại niềm vui dù là nhỏ nhoi cho người bệnh. Vì vậy, ngay khi giáo phận kêu gọi, ngay lập tức tôi đăng ký tham gia và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trở thành những tình nguyện viên tôn giáo đầu tiên được tham gia vào tuyến đầu chống dịch”.
Những ngày đầy xúc cảm
Trong gần 10 ngày làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến, đều đặn mỗi ngày, các sơ dậy từ 4 giờ sáng để đọc kinh, tham dự thánh lễ trực tuyến và cầu nguyện. 7 giờ sáng, các sơ đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Công việc mỗi ngày là phát cơm tới tận phòng bệnh, thăm hỏi, động viên người bệnh, dọn dẹp, vệ sinh tại các phòng bệnh, lấy thông tin bệnh nhân… Một số tình nguyện viên có trình độ điều dưỡng đảm nhiệm việc cấp phát thuốc, chích thuốc, theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Việc mang đồ bảo hộ “kín bưng” trong suốt thời gian làm việc khá vướng víu, nóng nực nhưng các tình nguyện viên không hề quản ngại vất vả. Sơ Uyên cho hay, thời gian mặc đồ bảo hộ là lúc các tình nguyện viên làm việc hết công suất để trong thời gian ngắn có thể hoàn thành nhiều công việc nhất. 
Các tình nguyện viên làm công việc dọn dẹp, vệ sinh tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các tình nguyện viên làm công việc dọn dẹp, vệ sinh tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Những ngày làm việc tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, các tình nguyện viên đã có cơ hội được trải nghiệm, từ đó cảm nhận được những đóng góp của họ thực sự ý nghĩa. “Nhiều bệnh nhân chia sẻ, khi mới nhập viện, họ vô cùng hoang mang, lo sợ. Nhưng sự gần gũi, đồng cảm, tận tình của các y bác sĩ và tình nguyện viên đã giúp họ cảm thấy được an ủi phần nào. Những ngày làm việc tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 đã giúp các tình nguyện viên như mình có cơ hội cảm nhận được nỗi đau đớn, sự bất ổn về tâm lý của người bệnh một cách chân thực nhất. Và việc đem lại niềm vui, sự bình an cho những người đang từng ngày vật lộn với bệnh tật khiến mình cảm thấy sự hiện diện của các tình nguyện viên thực sự có ý nghĩa”, sơ Uyên xúc động nói.
Sơ Uyên chia sẻ câu chuyện mà sơ không sao quên được là trường hợp một gia đình có bà, mẹ và hai em nhỏ cùng mắc COVID-19. Bà và mẹ các em trở nặng, phải chuyển đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền. “Khi phòng điều hành cử mình tới động viên, giúp các em lấy mẫu xét nghiệm, nhìn cảnh hai em nhỏ bơ vơ trong phòng bệnh, mình không khỏi thương cảm. Mình cảm nhận được sâu sắc hơn những gì bệnh tật gây ra cho mỗi người, mỗi gia đình và càng mong muốn được góp sức mình để chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, Sơ Uyên bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh viện được phân công phụ trách 3 cơ sở điều trị COVID-19 với quy mô khoảng 500 giường bệnh và 1 khu cách ly tập trung. “Hiện nay, nhân sự của bệnh viện được phân công cho các cơ sở này, đồng thời chi viện cho các nơi trong công tác lấy mẫu, chích ngừa, điều trị bệnh nhân nặng. Sự hỗ trợ của các tình nguyện là vô cùng cần thiết, giúp bệnh viện giảm áp lực về nhân sự. Các tình nguyện viên đã và đang đảm trách phần nào công việc của các điều dưỡng, hộ lý ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh COVID-19, giúp cho ngành y tế làm tốt hơn nữa công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các tình nguyện viên tôn giáo đã tiếp thêm động lực cho các y bác sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”, bác sĩ Nguyễn Văn Hương nói.

Sơ Trần Thị Kim Y kể: “Mấy hôm trước, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mới. Khi mình phụ bệnh nhân mang đồ lên phòng thì chị ngỡ ngàng nhìn mình và xúc động không nói nên lời. Mình hiểu ra rằng, bệnh nhân COVID-19 luôn cô đơn nên mọi sự giúp đỡ dù rất nhỏ bé nhưng với họ lại vô cùng ý nghĩa”. Sơ Y cho hay, kết thúc đợt tình nguyện 14 ngày, sơ sẽ xin được ở lại để tiếp tục được đồng hành cùng các y bác sĩ và bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Nguyễn Văn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến KTX Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho biết: “Trước thực tế lực lượng y bác sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID còn mỏng thì sự hỗ trợ của các tình nguyện viên giúp cho công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân thuận lợi, sâu sát hơn rất nhiều. Đội ngũ nhân viên y tế cũng được giảm bớt áp lực để làm tốt hơn công việc của mình”.
KHÁNH CHI
;
.