Mùa hè đặc biệt...

Thứ Bảy, 14/08/2021, 11:18 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ nghỉ hè năm nay trẻ rơi vào đúng lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Việc quanh quẩn ở nhà có thể khiến trẻ bị nhàm chán, ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, để trẻ có những ngày nghỉ an toàn, bổ ích, phụ huynh đã có nhiều cách sáng tạo hay, tạo sân chơi cho con ngay tại nhà, giúp trẻ phát triển kỹ năng, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Em Đinh Đức Hiếu (trái) và Đinh Phúc Nguyên ngoan ngoãn học bài tại nhà.
Em Đinh Đức Hiếu (trái) và Đinh Phúc Nguyên ngoan ngoãn học bài tại nhà.

Những năm trước, dịp hè, vợ chồng chị Mai Kim Thu (B310, chung cư 15 tầng, đường Ngô Đức Kế, TP.Vũng Tàu) thường đưa 2 con trai Đinh Đức Hiếu (10 tuổi) và Đinh Phúc Nguyên (6 tuổi) đi du lịch hoặc về quê ở miền Bắc chơi với ông bà ngoại để trải nghiệm cuộc sống ở làng quê. Tuy nhiên, năm nay, mọi kế hoạch đều thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để tránh cho con bị lạm dụng các thiết bị điện tử khi phải ở nhà cả ngày, chị Thu cố gắng duy trì cho con không gian vui chơi, học tập và rèn kỹ năng ngay tại nhà. Hằng ngày, chị Thu phân cho 2 con làm việc nhà và được “tích điểm” qua mỗi công việc. Ai hoàn thành công việc với 150 điểm trong 1 tuần sẽ được thưởng một món quà mà các con yêu thích như: truyện tranh, ly kem hoặc một món ăn ngon. Trong không gian của căn hộ chung cư, mỗi ngày, Hiếu và đều hào hứng làm việc nhà. Từ việc dọn đồ chơi, nhặt rau, phơi đồ, dọn bát, rửa bát… đến lau nhà, hai anh em làm trong vui vẻ. Xong việc, Hiếu và Nguyên lại ngoan ngoãn ngồi vào bàn học bài là những bài học thêm từ sách tham khảo do mẹ giao. Thời gian giãn cách xã hội, dù chỉ quanh quẩn trong nhà 3 bé vẫn siêng năng và thành thạo kỹ năng làm việc nhà và không quên bài vở. “Trong thời gian BR-VT thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng tôi chủ yếu làm việc online tại nhà, lại có con nhỏ nên không tránh khỏi những áp lực. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tạo sân chơi riêng cho các con để khi mình bận giải quyết công việc thì các con cũng “bận chơi” hoặc làm bài tập, tránh ảnh hưởng đến công việc của ba amẹ”, chị Thu nói.

Trong thời gian BR-VT thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh Nguyễn Văn Thành (chung cư Seaview 2, Đô thị Chí Linh, TP.Vũng Tàu) và vợ được cơ quan linh hoạt cho làm việc online tại nhà. Trong khi người giúp việc nhà của anh Thành cũng tạm thời nghỉ nên vợ chồng anh khá bận rộn. Ngoài phải hoàn thành công việc của cơ quan, vợ chồng anh còn tất bật chăm hai con nhỏ, con gái đầu 3,5 tuổi, con út 1 tuổi. Dù vậy, vợ chồng anh Thành vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa việc cơ quan và tạo không khí vui chơi vui vẻ cho các con. Sau giờ làm việc, có lúc, anh Thành cùng con chơi trò xếp hình, khi thì anh làm chiếc đồng hồ bằng giấy, lá cho con. Cuối giờ chiều, anh lại bày trò nhảy dây, vừa là để tập thể dục, vừa làm trò cười cho con khiến không khí trong nhà rất sôi nổi. Thỉnh thoảng, con gái lớn của anh Thành nhớ trường, nhớ cô giáo và các bạn nên đòi đi học, anh ân cần giải thích cho con việc ra ngoài nguy hiểm như thế nào khi dịch bệnh phức tạp. Con gái anh dần hiểu và ngoan ngoãn vâng lời.

Còn chị Nguyễn Thị Liễu (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Vũng Tàu) có con trai 6 tuổi. Kỳ nghỉ hè đặc biệt năm nay khá dài ngày, lại không được ra ngoài chơi khiến em Hoàng Đức Long buồn chán. Thậm chí, em hay bực bội, cáu gắt. Để chia sẻ với con, chị Liễu hay dành thời gian cùng con xếp hình lego, xé giấy dán, làm đồ chơi. Được mẹ hướng dẫn, từ những bìa các tông, vỏ hộp bánh, giấy… Long mày mò cắt, tạo hình con cá, bộ quần áo ngộ nghĩnh, đáng yêu. “Những trò này tưởng chỉ con gái yêu thích, không ngờ con trai tôi cũng hào hứng. Tôi cũng thấy con dần có tính kiên nhẫn, điềm tĩnh hơn. Đồng thời, các trò chơi này còn giúp con hạn chế xem tivi, điện thoại”, chị Liễu cho biết.

Chạy nhảy, leo trèo là một phần quan trọng trong cuộc đời thơ ấu của trẻ. Và trong giai đoạn giãn cách này, những hoạt động đó thay vì ở ngoài trời thì chuyển vào trong nhà với không gian chật hẹp hơn. Thay vì chơi cầu trượt ngoài công viên thì trẻ lại leo trèo trên bàn ghế, giường tủ và đồ nội thất trong nhà. Năng lượng của trẻ nhỏ rất nhiều và mạnh mẽ, nếu không được giải phóng nguồn năng lượng này sẽ làm trẻ rất bức bối khó chịu, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát.

Làm sao để cân bằng tâm lý cho trẻ trong giai đoạn này, điều đó không đơn giản vì ba mẹ cũng đang có áp lực riêng của mình khi phải làm việc ở nhà? Theo chuyên gia tâm lý Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu), trước tiên, ba mẹ cần cân bằng cảm xúc của mình, hãy nghĩ rằng thời gian dành cho con lúc này cũng là một hoạt động để giải toả và cân bằng cảm xúc cho chính ba mẹ. Cần giải thích cho trẻ lý do vì sao gia đình mình và mọi người lại phải ở trong nhà mà không nên ra ngoài vào lúc này. Ba mẹ nên cập nhật tin tức về dịch bệnh COVID-19 và giải thích mọi thứ cho con một cách trung thực, bằng những từ ngữ đơn giản. Ba mẹ nên dành một khoảng không gian trong nhà nếu có thể cùng trẻ chơi đùa. Để con tham gia vào các hoạt động chung của gia đình, những việc đơn giản, phù hợp với sức của các bé như dọn dẹp nhà cửa, xếp quần áo, chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn. Với trẻ, những điều mới mẻ này cũng như là những trò chơi, giúp trẻ khám phá cái mới, trẻ sẽ cảm thấy thú vị đồng thời giải phóng được năng lượng dư thừa của mình. Đừng quên dạy con các biện pháp giữ an toàn cho mình và mọi người như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách, rửa tay khử khuẩn, không tập trung đông người.

“Giãn cách xã hội cũng là thời gian vàng để các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau và chăm sóc nhau nhiều hơn, những bữa cơm chung, xem tivi chung, cùng nói chuyện về một đề tài thú vị nào đó, cùng đọc truyện cho nhau trước lúc đi ngủ. Đó cũng là những kí ức đẹp để trẻ phát triển tâm lý một cách khoẻ mạnh, hạnh phúc”, chuyên gia tâm lý Lan Phương nói.

Bài, ảnh: THI PHONG

 

;
.