KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH (12/8/1991 – 12/8/2021)

Xây dựng nền hành chính hiện đại, tiện ích

Thứ Năm, 12/08/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Công khai, minh bạch và chủ động rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để giảm bớt phiền hà, chi phí cho người dân và DN là một trong những việc làm quyết liệt của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian qua. Điều đó đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và DN.

LẤY CCHC LÀM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực thực hiện CCHC để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Các chỉ số CCHC của tỉnh năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ: Chỉ số PCI xếp hạng 15 (tăng 1 hạng so với năm 2019), chỉ số PAPI xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố…

Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị của tỉnh. Điển hình như Sở Tài chính là đơn vị có 2 năm liên tiếp (2019, 2020) đứng đầu bảng xếp hạng CCHC ở nhóm các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Để tạo tiện ích cho DN, Sở Tài chính chủ động đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc khuyến khích DN nộp trực tuyến để giảm thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn, theo quy định, thủ tục đăng ký giá có thời gian giải quyết hồ sơ 5 ngày, đã được Sở rút ngắn còn 1 ngày; với thủ tục kê khai giá, 100% hồ sơ đều tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Đặc biệt, năm 2020, kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ cao, có 1051 hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số 1351 hồ sơ tiếp nhận. 100% hồ sơ (kể cả trực tuyến và trực tiếp) đều giải quyết đúng hẹn. Trong năm 2020, không có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chíp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh (4 Phạm Văn Đồng, TP.Bà Rịa).
Người dân làm thẻ căn cước công dân gắn chíp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh (4 Phạm Văn Đồng, TP.Bà Rịa).

Còn ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay, có 122 TTHC về lĩnh vực đất đai thuộc thuộc thẩm quyền giải quyết và tham mưu giải quyết của Sở. Để nâng cao chất lượng CCHC, từ tháng 2/2021, Sở đã cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định đối với 13 TTHC. “Thời gian tới, Sở tiếp tục đặt nhiệm vụ công tác CCHC làm khâu đột phá, trong đó, lấy cải cách TTHC làm nhiệm vụ trọng tâm, Ban Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, cắt giảm 10-50% thời gian giải quyết các TTHC theo quy định. Để đạt mục tiêu này, ngày 19/5, Sở đã thành lập Tổ CCHC nhằm tham mưu các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu CCHC”, ông Hải cho biết thêm.

Theo UBND tỉnh, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các TTHC có vướng mắc thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Qua đó, đã tiết kiệm hàng chục tỉ đồng chi phí cho người dân và DN trong quá trình giải quyết TTHC. Cụ thể, từ ngày 1/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về thực hiện ngay các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện chỉ số CCHC tỉnh. Theo đó, UBND chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành danh mục và thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 1-10 ngày.

NỀN HÀNH CHÍNH ĐIỆN TỬ

Huyện Châu Đức là một trong những địa phương làm tốt công tác CCHC, được xếp hạng thứ nhất trong nhóm các huyện, thị xã, thành phố vào năm 2020. Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Châu Đức đã xây dựng 10 kế hoạch ứng ụng CNTT về CCHC và được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Về hạ tầng kỹ thuật CNTT, hiện nay, 100% cơ quan chuyên môn và 100% xã, thị trấn có mạng nội bộ (LAN), 100% máy tính của CB, CC, VC có kết nối internet để khai thác, trao đổi thông tin trên môi trường mạng. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã được trang bị CNTT đầy đủ (máy tính, máy in, máy scan, camera...) đáp ứng yêu cầu ngày càng nhanh trong công việc cho đội ngũ CB,CC. Việc ứng dụng chữ ký số, chứng thư số trong phát hành văn bản được UBND huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, UBND huyện được cấp 32 chứng thư số và 91 chữ ký số cá nhân cho các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn để áp dụng ký số và phát hành văn bản điện tử, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng trong thực hiện mệnh lệnh hành chính.

Nhân viên Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Vũng Tàu tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua hệ thống máy tính.
Nhân viên Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Vũng Tàu tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua hệ thống máy tính.

Nắm bắt thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, BR-VT đã đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thổi “luồng gió mới” CCHC. Việc xây dựng chính quyền điện tử cũng được các địa phương tích cực triển khai. Trong đó, TP. Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh với sự ra đời của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh cuối năm 2020. Qua ứng dụng “VUNGTAUIOC”, người dân và DN có thể dễ dàng đăng ký làm TTHC trực tuyến, tương tác với chính quyền địa phương, phản ánh, kiến nghị các vấn đề bất cập. Thông tin trên app “VUNGTAUIOC” được Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tiếp nhận và gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý. Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho biết, để đẩy mạnh hơn nữa việc CCHC gắn với xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tiện ích, thân thiện, TP. Vũng Tàu đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trực tuyến tại Bộ phận một cửa UBND thành phố và các phường, xã; tích hợp camera tại Bộ phận một cửa UBND thành phố và UBND các phường, xã với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để theo dõi CBCC và tiếp nhận, xử lý những ý kiến phản ánh của người dân.

Hiện đại hóa hành chính được BR-VT tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Giai đoạn 2021-2030, BR-VT xây dựng, triển khai thực hiện các dự án thành phần của Đề án Đô thị thông minh theo Nghị quyết số 112/NQ - HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh. Tiếp tục duy trì hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã giai đoạn 2020-2024. Tiếp tục thuê phần mềm một cửa điện tử thống nhất giai đoạn 2020-2023 và phần mềm Quản lý văn bản và điều hành giai đoạn 2019-2021. Xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục người dùng thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh (hệ thống định danh AD) giai đoạn 2020-2022. Xây dựng, nâng cấp hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ quy mô cấp tỉnh (LGSP) giai đoạn 2, bảo đảm tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2020-2022 . Tổ chức chuẩn hóa cấu trúc, hệ thống hóa mã định danh để tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2019-2025.

Việc cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng đã được thực hiện tại 19 sở, ban, ngành, 8 huyện, thị xã, thành phố và 82 đơn vị cấp xã triển khai thực hiện. Tính đến ngày 28/6/2021, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã cập nhật 1.963 TTHC. Toàn tỉnh đạt 90% tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 (riêng Sở Tài chính, Sở TT-TT, Sở VH-TT, Sở GD-ĐT, Sở KH-CN, Sở Xây dựng, Sở Y tế và Ban Dân tộc đã cung cấp 100 % dịch vụ công mức độ 3, 4).

Bài, ảnh: THI PHONG

 

 

 

 

;
.