Triển khai thí điểm theo từng đợt
Việc tổ chức đón công dân BR-VT đang sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận là việc làm nhân văn, góp phần giảm gánh nặng chống dịch lên các địa phương này, đồng thời, tạo điều kiện cho công dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh được trở về quê hương. Tuy nhiên, việc làm này cần thận trọng và bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Công dân đưa về sẽ di chuyển bằng xe 45 chỗ, ngồi giãn cách và mặc đồ bảo hộ. (Ảnh có tính chất minh họa). |
Mong sớm về quê hương
Chị Nguyễn N.Q.A. cho biết, nhà chị ở ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc. Chị là nhân viên văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chị đang nghỉ làm, không có thu nhập nên đã đăng ký về Bà Rịa - Vũng Tàu trên trang web https://quehuong.baria-vungtau.gov.vn. “Tôi ở trọ tại quận Bình Thạnh. Tình hình dịch tại đây đang diễn biến xấu. Công ty chỉ hỗ trợ một ít nhưng kéo dài thì kham không nổi. Số tiền dành dụm cạn kiệt dần, nguy cơ thiếu ăn, tiền phòng trọ cũng không đủ đóng, giờ chỉ muốn được về nhà với ba mẹ. Tôi mong mỏi từng giờ được đón về”, chị Nguyễn N.Q.A. bày tỏ.
Tương tự, vợ chồng chị Lê N.H.P có 3 con nhỏ (từ 1 đến 7 tuổi) gửi bà ngoại ở phường 5 (TP. Vũng Tàu), còn anh chị kinh doanh tại quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh). “Giờ bà đang bị bệnh nặng không ai chăm sóc. Tôi mong sớm được về TP. Vũng Tàu để lo cho mẹ và các con”, chị Lê N.H.P mong mỏi.
Nhiều người đang sinh sống tại các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ cũng muốn trở về BR-VT. Gửi thông tin đến Tổ hỗ trợ đăng ký, chị Nguyễn Thị Đào (SN 1991) xin được về TX. Phú Mỹ. Chị Đào cho biết, chị có địa chỉ thường trú tại Tổ 17, khu phố Mỹ Thạnh, phường Mỹ Xuân hiện đang tạm trú tại khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Hiện tại, chị Đào đang gặp khó khăn, lại mang thai sắp sinh con. “Tình hình dịch bệnh ở Bình Dương rất phức tạp. Bệnh viện quá tải không tiếp nhận bệnh nhân, có nơi đóng cửa. Nay tôi mong các cấp chính quyền địa phương xem xét và hỗ trợ cho về địa phương để bảo đảm an toàn cho 2 mẹ con”, chị Đào tha thiết.
Thận trọng, bảo đảm an toàn
Chiều tối 28/8, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh để nghe các sở, ngành trình bày kế hoạch đưa công dân từ TP. Hồ Chí Minh về BR-VT.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm bảo đảm công tác đón tiếp công dân chu đáo, an toàn. Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, Tổ trưởng tổ tiếp nhận công dân đề nghị nên tổ chức thành nhiều đợt, trong đó đợt đầu dự kiến đón công dân về TP. Bà Rịa với số lượng 20 người, sau đó Tổ công tác sẽ có báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đánh giá, UBND tỉnh cho phép triển khai các đợt đón công dân của các địa phương còn lại. Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh cho rằng, nên dùng phương tiện đón là xe ô tô 45 chỗ, có nhân viên y tế đi cùng. Để tránh mất thời gian, sau khi rút kinh nghiệm đợt 1, nên tổ chức đón với số lượng nhiều hơn và dùng nhiều phương tiện hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản phản hồi về việc hỗ trợ test nhanh COVID-19 cho công dân BR-VT. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ chuẩn bị trang thiết bị bảo đảm phòng dịch, tất cả công dân lên xe đều mang đồ bảo hộ và test nhanh trước khi lên xe. Khi về địa phương, ngay trong ngày đầu công dân sẽ được xét nghiệm PCR, nếu phát hiện dương tính sẽ cách ly ngay. “Theo kinh nghiệm từ tỉnh Bình Thuận khi đưa công dân về địa phương, tất cả đều phải mặc đồ bảo hộ. Về địa phương thì cách ly và lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm an toàn trong phòng dịch”, bác sĩ Thái cho biết thêm.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng phương án cụ thể để UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trước mắt, tổ chức thí điểm, tính toán thời gian đi, cung đường đi, bố trí cách ly, sau đó sẽ họp rút kinh nghiệm để triển khai các đợt tiếp theo ở các địa phương còn lại.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng cần làm thí điểm để rút kinh nghiệm, điều chỉnh nhằm tìm ra phương án hợp lý nhất. Công dân lên xe phải mặc đồ bảo hộ, bảo đảm khoảng cách an toàn, không ăn uống trên xe và xe di chuyển xuyên suốt, không được dừng dọc đường, trừ trường hợp bất khả kháng. Các chốt kiểm tra cần tạo điều kiện tốt nhất để xe qua chốt. Các sở, ngành cần chọn danh sách 20 người đưa về để làm thí điểm. Nhóm này phải có cùng vị trí địa lý, nhu cầu cách ly giống nhau để dễ triển khai và rút kinh nghiệm. Mỗi đợt đưa công dân về cần có phương án chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện”.
Trên cơ sở phương án của tỉnh, một số địa phương cũng đã hoàn thiện phương án đón công dân của mình. Đơn cử như huyện Xuyên Mộc đã hoàn thiện phương án đón công dân về địa phương. Theo đó, huyện đã chuẩn bị 5 điểm cách ly tập trung với sức chứa 460 người. Dự kiến, huyện Xuyên Mộc sẽ đón công dân theo nhiều đợt, mỗi đợt từ 60-80 người.
Bài, ảnh: SA HUỲNH
Tại cuộc họp, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết, đến nay đã có hơn 6.800 người đăng ký về BR-VT. Các huyện, thị, thành phố đã phê duyệt danh sách 1.629 công dân đủ điều kiện để đón về địa phương. Trong đó, các đối tượng ưu tiên là phụ nữ mang thai, người già, trẻ em và người khám chữa bệnh. |