Nhớ nhà, nhớ con kéo theo bao nhiêu nỗi lo đó là nỗi niềm chung của những nữ công nhân phải “chuyển nhà” vào công ty để thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Cách đếm thời gian đợi mẹ của bé Nguyễn Thị Tiểu Quỳnh. |
Không giấu được niềm tự hào về cô con gái 8 tuổi, chị Nguyễn Thị Trang nhân viên Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, TX.Phú Mỹ) kể, ngày 19/7 chị bắt đầu cuộc sống “3 tại chỗ” cũng là lúc bé Nguyễn Thị Tiểu Quỳnh đếm thời gian lên chiếc bảng học chữ bằng dòng chữ “Ngày để mẹ tôi ra về”. Cứ thế, bé vẽ một vòng tròn, phía trong đánh số ngày mẹ vắng nhà và phía ngoài là ngày mẹ về. Hằng ngày, cháu đều xem tivi theo dõi về dịch bệnh COVID-19 và luôn “nhắc nhở” các thành viên trong gia đình cách phòng, tránh dịch bệnh. Xa mẹ, hàng ngày Tiểu Quỳnh luôn gọi điện, nhắn tin nhắc nhở: “Mẹ nhớ ăn cơm thật ngon nhé, mẹ phải ăn mới có sức làm tốt công việc…”.
Thế nên, khi phải tiếp tục thực hiện thêm 14 ngày ở lại công ty chị Trang thương con đến nghẹn lòng. “Ngày nhận tin mẹ chưa thể về được, nhìn con hoảng hốt, nước mắt lưng tròng: “Mẹ nghỉ việc về với con đi mẹ, hết dịch mẹ lại đi làm, nhà mình nhiều đồ ăn lắm rồi, con ăn gì cũng được, con chỉ cần mẹ thôi..” làm tim tôi như thắt lại. Con mé mới 8 tuổi, chưa xa mẹ lần nào, dù có ba và ông bà chăm sóc nhưng tôi vẫn “đặt lòng” ở con. Chỉ mong những ngày tháng này nhanh kết thúc, hết dịch để công ty ổn định sản xuất và người lao động sớm được về nhà”, chị Trang chia sẻ.
“Tâm sự” với chúng tôi qua điện thoại, bé Nguyễn Thị Tiểu Quỳnh cho hay: “Đây là lần đầu tiên con xa mẹ lâu nhất, thật lâu luôn, tới những 1 tháng. Con biết xa nhà, mẹ phải làm việc rất mệt và nhớ con. Nên con tự hứa với mình là sẽ không buồn để mẹ phải bận tâm lo cho con ở nhà nữa. Sang năm con lên lớp 3 rồi con sẽ cố gắng học giỏi cho mẹ vui. Con cũng mong dịch COVID-19 nhanh qua để con được gặp mẹ, được trở lại trường học với thầy cô, bạn bè. Con nhớ trường lắm rồi”.
Sau những giờ tan ca, niềm vui lớn nhất của chị Hoàng Thị Thư công nhân Công ty TNHH sản xuất giày Vĩnh Uy (KCN Đất Đỏ) là mở điện thoại ngắm nhìn các hoạt động hàng ngày của con trai do người thân ở nhà gửi. “Con trai mình mới 6 tuổi, sợ con nhớ nên mình hạn chế gọi về nhà vì lần nào gặp mẹ bé cũng buồn, tin tức hàng ngày thì đều biết qua chồng và người thân. Những lúc xem ti vi thấy cảnh công nhân “3 tại chỗ” thằng bé lại cố tìm xem có thấy mẹ không, trẻ con mà thường tin vào những điều trong tưởng tượng”, chị Thư bùi ngùi kể.
Thực hiện "3 tại chỗ" có hàng ngàn công nhân nữ phải chấp nhận cảnh xa nhà, xa con. Trong ảnh: Khoảnh khắc vận động thư giãn của người lao động của Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong khu "3 tại chỗ" |
Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 27 ngàn lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, trong đó số nữ công nhân chiếm khoảng 20%. Khi phải xa gia đình, cùng với nỗi lo dịch bệnh họ còn mang nhiều nỗi vướng bận khác. Tuy nhiên, ai nấy đều xác định tư tưởng “cuộc chiến” với dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài và họ sẽ tiếp tục lên “dây cót”, giữ vững tinh thần để ở lại công xưởng bảo vệ “vùng xanh” cho các KCN. Trao đổi với những nữ công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”, hầu hết trong số hộ đều có chung cảm nhận, hiện bên ngoài dịch bệnh rất phức tạp, mọi người dù nhớ nhà, nhớ con nhưng không ai kêu than mà cùng chia sẻ, gắn kết với nhau. Sau giờ làm việc, công ty tổ chức cho người lao động tập thể dục, pha cà phê, trồng rau, các hoạt động để thư giãn mà vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K trong phòng dịch. Lúc nào nhớ nhà có thể điện thoại nói chuyện cho với nhớ hoặc cùng đồng nghiệp chia sẻ chuyện gia đình, chuyện chăm sóc con... khắc phục và thích nghi mọi hoạt cảnh để sống vui, sống khỏe.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN