Nhóm Thiện nguyện Nhân ái Xuyên Mộc ngày đêm chuẩn bị 250 phần quà tặng bà con ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, giúp cho chủ trương “ai ở đâu ở đó” được thực hiện nghiêm. C.T.V |
Ngày 25/8 là kết thúc đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những ngày gần đây vẫn ghi nhận một số ca mắc mới ngoài cộng đồng. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia y tế và người dân xung quanh việc có nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 hay không.
Quan tâm giải quyết 5 vấn đề
Vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế là một điều cực kỳ cần thiết, tuy nhiên. BR-VT giáp ranh với nhiều tỉnh và gần với một số tỉnh, thành đang bùng phát dịch rất mạnh và diễn biến cực kỳ phức tạp như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Do vậy, BR-VT cần cân nhắc trong việc đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với góc độ Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tham gia phòng, chống dịch tại BR-VT, chúng tôi thấy rằng để trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh cần quan tâm 5 vấn đề trọng điểm và cần sự vào cuộc của Chính phủ, các ban, ngành, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng.
Việc thứ nhất là tiêm vắc xin cho toàn dân, là chiến lược lâu dài. Thứ hai, cần xét nghiệm trên diện rộng để truy vết, phát hiện F0 đưa đi điều trị. Thứ ba, truy vết trên diện rộng, truy vết có chỉ điểm, truy vết đúng, truy vết đầy đủ thì sẽ nhanh chóng tránh được lây lan cộng đồng. Thứ tư là nâng cao chất lượng điều trị để giảm các biến chứng do COVID-19, cũng như giảm tử vong. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng điều cực kỳ quan trọng, đó là phải giãn cách nghiêm ngặt hơn nữa để tránh tình trạng lây lan dai dẳng trong cộng đồng.
Nơi nào an toàn thì có thể nới lỏng
Theo tôi, tỉnh cần căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng khu vực, từng địa phương để tính toán phương án có tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 hay không. Địa phương nào còn ca nhiễm trong cộng đồng thì nên tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16. Việc cần làm trước là vấn đề an sinh. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người thực sự khó khăn, để họ yên tâm ở trong nhà. Với những khu vực đã qua 15 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng thì nên nới lỏng, áp dụng theo Chỉ thị 15, đồng thời vẫn tuân thủ nghiêm 5K. Về lâu dài, để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, người dân cần được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Áp dụng Chỉ thị 16 một cách linh hoạt
Từ khi TP. Vũng Tàu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” nên về cơ bản công tác phòng chống dịch tại công ty vẫn khá an toàn. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro lây bệnh vẫn còn do người lao động phải đặt mua hàng, gọi shipper mang tới. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu xét nghiệm do nhân viên y tế từ bên ngoài vào cũng có thể làm lây lan dịch bệnh vào DN.
Trong khi TP. Vũng Tàu vẫn còn nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng thì việc tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 là cần thiết nhưng cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, không cứng nhắc trong việc áp dụng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. DN chúng tôi sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong lĩnh vực cơ khí, nên thỉnh thoảng có chuyên gia đến kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn phóng xạ… Với những chuyên gia này, công ty không thể áp dụng 2 phương thức kể trên. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng áp dụng Chỉ thị 16 một cách linh hoạt hơn.
Giãn cách nghiêm ngặt như Long Hải
Gia đình tôi đang sống trong khu phong tỏa. Tôi bị nhiễm COVID-19 và xung quanh cũng có nhiều người bị nhiễm bệnh nên nguy cơ lây lan dịch vẫn còn cao.
Tôi làm giúp việc theo giờ cho gia đình. Từ khi TP. Vũng Tàu thực hiện Chỉ thị 16 đến nay, tôi mất việc. Con cái tôi đi làm thuê, làm mướn nên cũng bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những ngày qua, chúng tôi sống nhờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Dù cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn nhưng tôi cho rằng vẫn nên tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm ngặt hơn như ở TT. Long Hải. Chính quyền địa phương làm sao mà lo được gạo, cá, rau, thuốc men cho người dân thì người dân sẽ không ra khỏi nhà.
Cần tạo điều kiện cho tàu cập bến bốc dỡ hải sản
Từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cảng cá trên địa bàn huyện Long Điền là Tân Phước và Hưng Thái đóng cửa nên ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc bốc dỡ hải sản. Ở thời điểm này, xã Phước Tỉnh có hàng trăm tấn hải sản tồn đọng cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tạo điều kiện mỗi ngày cho 2 tàu vận tải cập cảng cá Tân Phước bốc dỡ hải sản và vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho các thuyền viên đang khai thác hải sản ngoài biển; hạn chế lượng tàu cập cảng và lực lượng thuyền viên (7 thuyền viên/tàu cá), vừa bảo vệ an toàn cho cộng đồng, vừa duy trì hoạt động sản xuất của ngư dân.
Việc bốc dỡ hải sản, tiếp nhiên liệu, đá được bố trí tại các khu vực khác nhau trong cảng, hạn chế tập trung đông người. Người lao động có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được vào cảng cá. Nếu làm tốt việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các tàu cá đang khai thác và trung chuyển hải sản vào bờ để các thuyền viên thực hiện tốt “3 tại chỗ”, xã Phước Tỉnh chỉ nên áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.
Mong sớm được tiêm vắc xin
Trong thời gian thực hiện giãn cách, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm quy định của Chỉ thị 16. Chợ đóng cửa đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Việc nghỉ bán đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập và cuộc sống gia đình. Trong khi đó, thực tế nơi tôi sinh sống cũng như thông tin trên mạng, tôi thấy nhiều người vẫn còn gặp khó khăn khi mua lượng thực, thực phẩm. Tôi ủng hộ việc tiếp tục thực hiện giãn cách vì dịch còn phức tạp. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều tiểu thương mong muốn là sớm được tiêm vắc xin để yên tâm khi được mở cửa buôn bán trở lại, đồng thời cũng mong được tạo điều kiện để được giao hàng đến cho người dân có nhu cầu.
Lập nhóm online hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân
Theo tôi, tỉnh nên tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 ở một số vùng có nguy cơ cao là huyện Long Điền, Xuyên Mộc và TP. Vũng Tàu. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.
Hiện tại bệnh do vi rút SARS-CoV-2 chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, do đó cần tăng cường các biện pháp nâng cao đề kháng như: vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung chất xơ, vitamine, muối khoáng; ăn uống đúng giờ; luyện tập thể dục, thể thao, nhất là các bài tập hít thở sâu…
Khi bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, tinh thần họ rất hoang mang lo sợ, ăn uống kém dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau dạ dày... Vì vậy, ngoài việc điều trị các triệu chứng bằng thuốc thì việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 rất quan trọng, giúp họ bớt lo lắng và tự biết chăm sóc bản thân, sử dụng dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng giúp phục hồi sức khỏe và mau khỏi bệnh. Do đó, cần lập các nhóm COVID-19 tư vấn online để hỗ trợ tinh thần cho họ. Nhóm này sẽ bao gồm các bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện và các bác sĩ điều trị COVID-19.
Hỗ trợ lưu thông nông sản
Dù việc tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn, song để sớm kiểm soát được dịch bệnh, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục thực hiện giãn cách trong thời gian tới. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khâu vận chuyển hàng nông sản gặp nhiều trở ngại, khiến giá cước vận tải tăng lên, gây khó khăn cho nông dân. Các loại nông sản hiện nay chủ yếu vẫn chỉ tiêu thụ thông qua hình thức kêu gọi, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, DN trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài đây không phải là biện pháp hiệu quả. Do vậy, tôi mong rằng, trong thời gian thực hiện giãn cách, chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm hỗ trợ việc lưu thông, vận chuyển nông sản để các loại nông sản tới kỳ thu hoạch không bị ứ đọng, phải đổ bỏ. Ngoài ra, cần tổ chức các gian hàng, điểm bán phù hợp để lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân yên tâm sản xuất.
Bảo đảm an toàn cho thầy và trò
Theo tôi, tỉnh cần tiếp tục thực Chỉ thị 16 với các biện pháp chặt chẽ hơn nữa. Những ngày qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn phát hiện các F0 trong cộng đồng nên cần thời gian để chính quyền dập dịch. Nếu nới lỏng, nguy cơ dịch bùng phát như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai là rất cao, dẫn đến khó kiểm soát.
Việc giãn cách khiến ngành giáo dục phải thực hiện phương án dạy và học trực tuyến để bảo đảm an toàn, bảo đảm cho HS theo kịp chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng hiệu quả hình thức dạy và học trực tuyến chưa cao, chỉ phù hợp với những HS chăm chỉ, có ý thức học tập. Còn với HS có ý thức tự học chưa cao thì hiệu quả rất thấp. Để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp tốt của phụ huynh, HS, GV, nhà trường, nhà mạng và các mạnh thường quân (hỗ trợ máy móc, thiết bị học trực tuyến). Tôi cũng đề nghị tỉnh sớm tiêm vắc xin cho đội ngũ GV để GV và HS yên tâm khi tới trường.
Lực lượng chức năng TP. Vũng Tàu kiểm tra giấy đi đường của một shipper lưu thông trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: QUỐC THÁI |
Công an TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) kiểm tra giấy tờ phương tiện từ bên ngoài vào thị trấn. Ảnh: NGỌC BÍCH |
Nhóm PV THỜI SỰ (Thực hiện)
;