Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, HS các cấp học sẽ bước vào năm học mới 2021-2022. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về việc chuẩn bị cho năm học mới trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học do Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học 2020-2021 tại Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
• Phóng viên: Thưa bà, năm học mới sắp bắt đầu. Trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Ngành đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát điều kiện cho năm học mới, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của nhà trường và địa phương vận động HS ra lớp và huy động mọi nguồn lực để HS không phải bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch trước khi cán bộ quản lý, GV và HS đến trường. Đồng thời phải có kế hoạch cụ thể để tổ chức tựu trường, khai giảng và dạy học trực tuyến. Đặc biệt, cần rà soát và tổng hợp danh sách những HS không đủ điều kiện để học tập trực tuyến, từ đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các em. Nhà trường cần chú trọng tuyên truyền để phụ huynh đồng hành cùng nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục năm học mới một cách hiệu quả.
• Cụ thể thời gian và phương án tổ chức các hoạt động đầu năm học như thế nào, thưa bà?
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Theo đó, HS toàn tỉnh sẽ tựu trường vào ngày 1/9, khai giảng năm học đồng loạt vào ngày 5/9 và thực học từ 6/9. Tùy tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở GD-ĐT sẽ có thông báo, hướng dẫn cụ thể về hình thức tổ chức các hoạt động đầu năm học. Tuy nhiên, các trường vẫn phải chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với đơn vị mình.
Trường hợp dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được khống chế, hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và HS được đến trường, thì trong ngày tựu trường, các cơ sở giáo dục ưu tiên tập trung HS đầu cấp, giúp các em làm quen với môi trường học tập mới, nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K. Tất cả các cơ sở giáo dục đồng loạt tổ chức lễ khai giảng vào sáng 5/9. Lễ khai giảng sẽ tổ chức ngắn gọn, ý nghĩa và an toàn, không quá 30 phút, chỉ tập trung đại diện HS các khối, ưu tiên cho HS đầu cấp và tuân thủ 5K.
Trường hợp HS chưa được đến trường, các trường xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức cho HS “tựu trường” trực tuyến. Trong đó tập trung kết nối HS để thông báo cho các em sơ đồ vị trí lớp, giới thiệu GV chủ nhiệm, GV bộ môn… và hướng dẫn HS chuẩn bị những điều kiện cần thiết năm học 2021-2022. Với những lớp đầu cấp, cần giới thiệu cho các em về trường, tổ chức làm quen bạn cùng lớp… Lễ khai giảng cũng sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Điểm cầu tại trường tập trung không quá 20 người, gồm lãnh đạo nhà trường, công đoàn cơ quan, đại diện GV và Ban đại diện cha mẹ HS. Còn các điểm cầu cá nhân là GV chủ nhiệm, ban cán sự các lớp. Ngày 6/9, các trường tổ chức dạy học trực tuyến cho HS. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ tạm dừng tổ chức và tăng cường công tác phòng chống dịch.
• Đối với HS THCS và THPT, việc học trực tuyến của các em đã đi vào nề nếp nên tương đối thuận lợi. Còn với HS lứa MN và TH thì sao, thưa bà?
- Sở GD-ĐT yêu cầu các trường MN chủ động xây dựng kế hoạch quay video các hoạt động của chương trình giảng dạy tháng 9/2021 hoặc tham khảo, lựa chọn các nội dung phù hợp trong ngân hàng video “Hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khi ở nhà” của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT gửi cho phụ huynh nhằm hỗ trợ giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà. Đồng thời, GV tư vấn, chia sẻ cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà nhằm duy trì hứng thú, đảm bảo an toàn và không gây áp lực cho trẻ.
Còn ở bậc TH, nội dung giảng dạy trực tuyến phải bảo đảm cơ bản, trọng tâm, dạy đến đâu chắc đến đó. Với HS lớp 2, đây là năm đầu học chương trình phổ thông mới, trong khi năm học trước đó, việc học tập của các em chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, GV cần tập trung rèn luyện cho các em kỹ năng đọc, viết.
Đối với HS lớp 1, GV dùng hình thức trực tuyến để tổ chức cho HS các hoạt động nhẹ nhàng như giới thiệu về bản thân, làm quen với trường lớp, bạn bè, giúp các em hiểu sự khác nhau giữa các hoạt động ở trường MN và TH, giới thiệu các môn học, kể chuyện, đọc sách cho các em nghe… GV có thể chia nhóm học theo lịch của phụ huynh, không tổ chức nhiều nội dung trong cùng một ngày khiến HS mệt mỏi, sợ sệt, chán học.
• Với trường hợp HS chưa thể tham gia học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh COID-19, làm thế nào để các em không bị bỏ lại phía sau?
- Trường hợp HS chưa thể tham gia học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành yêu cầu các cơ sở giáo dục có kế hoạch tổ chức dạy học riêng cho đơn vị mình, phân công GV hỗ trợ HS, giúp các em theo kịp kiến thức, bắt kịp bạn bè. Ngành sẽ nỗ lực hết mình, không để HS nào bị bỏ lại phía sau.
• Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
KHÁNH CHI
(Thực hiện)