.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ trước dịch COVID-19

Cập nhật: 17:58, 20/08/2021 (GMT+7)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số trường hợp trẻ em bị nhiễm COVID-19, đặc biệt có những trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Trẻ chủ yếu nhiễm từ ba mẹ và người thân trong gia đình. Do đó, phụ huynh cần áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ giúp trẻ an toàn vượt qua mùa dịch COVID-19.

Cần bỏ thói quen ôm, hôn trẻ để phòng tránh cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh từ giọt bắn của người lớn.  Trong ảnh: Một bé sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Vũng Tàu vào ngày 23/7 (ảnh Bệnh viện Vũng Tàu).
Cần bỏ thói quen ôm, hôn trẻ để phòng tránh cho trẻ không bị lây nhiễm bệnh từ giọt bắn của người lớn. Trong ảnh: Một bé sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Vũng Tàu vào ngày 23/7 (ảnh Bệnh viện Vũng Tàu).

Không ôm, hôn trẻ nhỏ

Theo thông tin từ các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh, số trẻ em mắc COVID-19 trong đợt dịch này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể, chủ yếu là trẻ nhỏ từ 0-5 tuổi. Gần đây nhất là 2 trường hợp: bé ở xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) và bé ở phường Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ), đều bị nhiễm COVID-19 sau vài ngày chào đời.

Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm qua tiếp xúc bề mặt ở trong phòng, nơi sinh hoạt của bé và dịch tiết, nước bọt của người lớn bắn ra ngoài (giọt bắn). Các gia đình lại thường có thói quen ôm ấp, hôn trẻ. Cần phải từ bỏ thói quen này, vì sẽ khiến trẻ dễ nhiễm bệnh từ giọt bắn của người lớn khi tiếp xúc trực tiếp qua những vật dụng mà người lớn chạm vào hoặc vô tình văng giọt bắn vào trẻ. Trong trường hợp cần phải chăm sóc trẻ, người lớn cần phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông, hoặc nước sát khuẩn trước khi chạm vào bé và đồ dùng của bé.

Các gia đình cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19. Đặc biệt, cha mẹ cần chú trọng vấn đề vệ sinh, chăm sóc cá nhân cho trẻ. Trẻ cần phải được giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Nhưng cũng không để trẻ quá nóng dễ ra nhiều mồ hôi, làm mất thân nhiệt, gây cảm lạnh. Cho trẻ súc miệng hàng ngày bằng nước muối cho họng sạch sẽ và vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý loại dùng để nhỏ hoặc xịt mũi.

Các biện pháp tăng đề kháng cho bé

Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho trẻ, nhất là đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đều đặn mỗi ngày cho trẻ tắm nắng, khoảng từ 15-30 phút, chọn thời điểm thích hợp, tốt nhất là vào sáng sớm khi nắng bắt đầu lên để không làm nóng trẻ. Khi tắm, cha mẹ cần che chắn mắt, đầu và bộ phận sinh dục cho trẻ, cởi bỏ từ từ quần áo, hoặc tắm từng bộ phận trên cơ thể trẻ.

Bên cạnh đó, ở môi trường thông thoáng, nhiều ánh nắng sẽ giúp tiêu diệt, hạn chế virus sinh sôi trong phòng trẻ. Do đó, mỗi ngày nên thực hiện mở cửa sổ hoặc cửa phòng 2-3 lần, nhất là lúc trời nắng (mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút đến 1 giờ) để bảo đảm không khí trong phòng được lưu thông. Cần tránh cho trẻ nằm điều hòa quá lạnh, quá kín sẽ khiến hệ thống bảo vệ đường hô hấp của trẻ suy yếu, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.

Trường hợp phải đưa trẻ đến cơ sở khám bệnh, cha mẹ cần cho con đeo khẩu trang, lưu ý lựa chọn loại phù hợp với trẻ; khi về đến nhà cần cởi bỏ quần áo, vệ sinh toàn bộ cơ thể trẻ bằng xà bông và nước ấm, lau khô nhanh để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn. Thực hiện rửa sạch tay bằng xà bông nhiều lần trong ngày, mỗi lần kéo dài tối thiểu 20 giây.

Để tăng đề kháng cho trẻ, cha mẹ nên cho bé ăn uống đầy đủ với chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là bổ sung nhiều rau, củ, trái cây giàu vitamin A, C.

Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, chảy mũi… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời.

Đối với người chăm sóc trẻ, cần hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Khi ra ngoài về lập tức cởi bỏ khẩu trang, quần áo; đồng thời sát khuẩn vệ sinh tay, cơ thể sạch sẽ trước khi tiếp xúc với bé.

NGUYỄN THI

.
.
.